Thế nhưng, “sản phẩm” không tốt thì không phải chuyện dễ để làm lên thương hiệu tốt.
Đừng “bán cái gì” mà hãy “trở thành cái gì”
Sự cạnh tranh khốc liệt của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở nhiều lĩnh vực khiến các trường buộc phải đẩy mạnh thương hiệu. Để làm tốt việc này, mỗi trường có một chiến lược riêng. Tuy nhiên, dù là kế sách nào cũng cần cho ra những “sản phẩm” tốt. Đây mới là thước đo chính cho thương hiệu của mình.
NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho biết, theo Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ thì “thương hiệu” là một tên gọi, thuật ngữ, thiết kế, biểu tượng, hoặc bất kỳ đặc tính nào để phân biệt một sản phẩm hay dịch vụ của người bán này với sản phẩm hoặc dịch vụ của những người bán khác.
Như vậy, việc xây dựng thương hiệu là rất quan trọng, đặc biệt là thương hiệu của các cơ sở giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Để khi nhắc đến tên hiệu của một “trường” nào đó, mọi người sẽ nhớ đến và mong muốn được học tại trường đó. Có nghĩa, khi học sinh muốn đi học nghề, họ đã có ngay một vài địa chỉ ở trong đầu.
Ông Nguyễn Quốc Huy cũng nhấn mạnh, để xây dựng thương hiệu tốt phải có sản phẩm tốt. Chúng ta không nên xây dựng thương hiệu bằng cách “bán cái gì đó”. Chúng ta cần xây dựng thương hiệu bằng cách “trở thành cái gì đó”. Sản phẩm của các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp ở đây là kế hoạch đào tạo, là sinh viên sau khi ra trường, là chương trình nâng cao chất lượng trình độ, tay nghề,…
Ví dụ như ở trường, chúng tôi đặt ra sứ mệnh: “Trường là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hàng đầu Việt Nam. Có hệ thống quản trị tiên tiến, khả năng tự chủ. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương. Góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.
Điều này khiến chúng tôi phải nỗ lực đạt được bởi khi đã cam kết, muốn tạo dựng lòng tin phải thực hiện được nó. Đây cũng chính là tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu – xây dựng uy tín.
Như vậy, mỗi nhà trường phải hiểu rõ khách hàng mục tiêu của mình. Hãy nghiên cứu những gì họ đang đánh giá cao và đang tìm kiếm. Từ đó, mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ nắm bắt được nhu cầu của người dùng và có chiến lược phát triển phù hợp.
Theo ông Huy nhấn mạnh, nền tảng của một thương hiệu thành công là dành được sự ủng hộ từ những khách hàng trọng tâm. Đây là đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp sẽ tập trung và đầu tư sức lực nhiều nhất để giữ gìn và mở rộng phát triển.
Bởi không một cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào có thể bao quát được toàn bộ khách hàng. Vì vậy, cần tập trung làm tốt cho những đối tượng chính. Trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm dịch vụ đào tạo cho trường của mình.
Thế nhưng, đó chỉ là “bức tranh” được vẽ bên ngoài. Để đánh giá được thương hiệu của một cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải là các chương trình đào tạo. Đây có thể coi là yếu tố cốt lõi tác động đến sự tồn tại và phát triển của trường. Thương hiệu giành được sự tin tưởng, yêu thương của khách hàng và công chúng chính là tài sản có giá trị lớn nhất của mỗi cơ sở Giáo dục nghề nghiệp.
Chất lượng đào tạo khẳng định thương hiệu uy tín
Chương trình đào tạo đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động là bài toán của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Nhiều trường đã xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt để phù hợp với xu thế xã hội.
Để có được điều này, nhà trường cần hợp tác từ nhiều phía, bảo đảm được vấn đề chuyển giao công nghệ, sinh viên được thực tập hưởng lương và nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường…
Ngoài ra, câu chuyện xây dựng thương hiệu còn có những yếu tố khác như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… Khi những vấn đề này đều tốt sẽ có những sản phẩm tốt. Nếu nhà trường vận hành một cách quy củ sẽ có được nhiều thế hệ sinh viên giỏi, tay nghề cao, có trình độ năng lực. Những người này đã góp phần tạo lên thương hiệu cho cơ sở Giáo dục nghề nghiệp.
TS Huy cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cần sự nỗ lực lớn của một tập thể. Đây là một hành trình liên tục và không ngừng nghỉ. Đặc biệt cần phải có kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Trước hết các trường cần tập trung xây dựng sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu cho từng giai đoạn cụ thể trên cơ sở khảo sát các bên có liên quan. Tiếp đó, cần tổ chức tuyên truyền trong toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động của nhà trường để mọi người thấu hiểu, tin tưởng và ủng hộ.
Tiếp theo, cần tổ chức quảng bá rộng rãi cho mọi người được biết, đặc biệt là các khách hàng mục tiêu thông qua các phương tiện truyền thông: Báo, đài, mạng xã hội, tuyên truyền miệng trực tiếp...
Đặc biệt cần không ngừng tăng cường các điều kiện để bảo đảm chất lượng đào tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người sử dụng lao động và thị trường lao động.
Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp thực hiện tuyển sinh online đem lại hiệu quả đáng kể. Đặc biệt, video-clip giới thiệu về trường, video-clip giới thiệu về các chương trình đào tạo, kể các câu chuyện về sự thành công của các sinh viên đã tốt nghiệp, những tấm gương vượt khó… thu hút nhiều người quan tâm.
Đây cũng là một cách khẳng định được thương hiệu của nhà trường đối với xã hội. Mặc dù vậy, để làm nên tên tuổi, nếu không có chất lượng đào tạo, “sản phẩm” tốt thì đừng “mơ tưởng” đến xây dựng thương hiệu.