Khó vạn lần dân liệu cũng xong

GD&TĐ - Thôn Pác Củng, xã Thượng Nông, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang có tới 100% số dân thuộc hộ nghèo và cận nghèo, nhưng khi bắt tay vào xây dựng nhà văn hóa thôn, bà con đều đồng thuận góp công, góp của để xây dựng.

Đường dẫn vào thôn Pác Củng vẫn còn rất khó khăn.
Đường dẫn vào thôn Pác Củng vẫn còn rất khó khăn.

Ngôi nhà văn hóa khang trang rộng 5 gian, mái lợp bằng tôn lạnh, cột được làm bằng bê tông cốt thép, nền lát gạch hoa, phía ngoài có sân chơi thể thao rộng rãi được hoàn thành cuối tháng 9/2019 trong niềm hạnh phúc và tự hào của cả thôn Pác Củng. Tự hào bởi lẽ nhà văn hóađược xây dựng ở một nơi có đường giao thông và đời sống của đại bộ phận đồng bào còn nhiều khó khăn, thì quả là một điều kỳ diệu.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thônBàn Văn Chanh cho biết: Pác Củng hiện có 46 hộ, 256 khẩu, 100% thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, cá biệt có 5 hộ còn thiếu đói khi giáp hạt. Việc xây dựng nhà văn hóa thôn theo chương trình nhà nước và nhân dân cùng làm,nếu không có sự đồng thuận và ủng hộ của bà con thì không thể làm được.

Các cấu kiện bê tông do Nhà nước cấp chỉ vận chuyển được đến đầu thôn, còn lại phải sử dụng sức người. Mặt bằng để xây dựng cũng thiếu, do phải chi phí nhiều khâu nên mức đóng góp của người dân cao.“Đã bao đêm tôi mất ngủ vì đứng trước lựa chọn có nên làm nhà văn hóa hay không.Nếu không làm thì mãi mãi thôn không có nơi để sinh hoạt và tổ chức các hoạt động văn hóa. Bà con lâu nay đã nghèo về vật chất, nay lại nghèo nốt về tinh thần nữa thì quả là đáng buồn” - ông Bàn Văn Chanh nhớ lại.

Ngôi nhà văn hóa khang trang được dựng ngay đầu thôn.
 Ngôi nhà văn hóa khang trang được dựng ngay đầu thôn. 

Suy đi tính lại, chúng tôi đã quyết định tổ chức họp Ban chi ủy mở rộng, thống nhất quan điểm. Sau đó, tổ chức họp thôn để tuyên truyền vận động bà con làm nhà văn hóa. Lúc đầu, bà con phản đối, cho rằng đường sá khó khăn như vậy làm sao mà chuyển những cây cột bê tông nặng cả tấn vào được. Rồi lấy đâu mặt bằng đảm bảo diện tích 1800m2 để làm, tìm đâu ra khoản tiền lớn để đóng góp cho công trình. Nhưng với quyết tâm cao nhất, Chi bộ và chính quyền thôn đã giải thích, thuyết phục nhiều ngày. Dần dần, bà con hiểu ra và quyết tâm làm.

Không chỉ đồng thuận, quyết tâm, nhiều hộ gia đình còn tự nguyện hiến đất cho đủ diện tích làm nhà văn hóa theo quy định. Điển hình là hộ anh Bàn Văn Niềm, hiến 750m2 đất. Anh Niềm chia sẻ: “Mỗi người hy sinh một chút lợi ích cá nhân để đạt mục đích chung, vì cộng đồng. Tôi hiến đất vì lẽ đó”.

Có đất, trưởng thôn Bàn Văn Chanh lại lặn lội đến từng nhà dân, vận động mỗi hộ đóng góp 2.700 đồng và 5 ngày công đểxây dựng nhà văn hóa. Những ngày thi công công trình, tất cả lao động trong thôn đều tập trung, mỗi người một phần việc. Với sức mạnh tập thể, chỉ trong hai ngày, nhà văn hóa thôn Pác Củng đã hoàn thành. Không dừng lại ở đó, bà con trong thôn đăng ký làm thêm 150m kênh mương bằng bê tông đúc sẵn, giúp đảm bảo nước tưới cho hơn 3ha đất lúa từ một vụ lên hai vụ.

Nhờ dựa vào sức mạnh của nhân dân, phát huy tinh thần dân chủ,thôn Pác Củng đã xây dựng được nhà văn hóa, kiên cố hóa được kênh mương nội đồng, góp phần nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân trong thôn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.