Tuyển dụng giảng viên nước ngoài hợp xu hướng nhưng rất… vướng

GD&TĐ - Sử dụng giảng viên người nước ngoài được xem là xu hướng của các trường đại học trong tương lai. 

Việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài còn gặp khó vì vướng nhiều quy định. Ảnh: INT
Việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài còn gặp khó vì vướng nhiều quy định. Ảnh: INT

Tuy nhiên, việc tuyển dụng, sử dụng đội ngũ này lại không hề đơn giản.

Nhu cầu lớn nhưng khó tuyển dụng

Là thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực bằng tiếng Anh, Trường ĐH Quốc tế hướng đến môi trường giáo dục quốc tế tại Việt Nam. Tính quốc tế của trường thể hiện ở môi trường học thuật bao gồm các cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế, chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất.

Do đó, nhu cầu sử dụng giảng viên nước ngoài ở Trường ĐH Quốc tế khá lớn. PGS.TS Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, hiện trường có 7 giảng đến từ Mỹ, Anh, Philippines, Singapore, Ba Lan. Họ làm việc theo chế độ giảng viên cơ hữu, bán thời gian, hoặc thỉnh giảng. Trong số này có 2 người là giáo sư, còn lại là trình độ tiến sĩ. “Tuy nhiên, con số này còn ít so với tổng số giảng viên của trường (khoảng 250 người), chỉ chiếm gần 3%”, PGS.TS Trần Tiến Khoa đánh giá.

Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế cho rằng, các quy định về giấy phép lao động cho giảng viên người nước ngoài nhiều khâu phải thực hiện trong thời gian dài, gây khó khăn cho việc thu hút lực lượng này về công tác.

Đầu tiên, thẩm quyền cấp giấy phép lao động thuộc về 3 cơ quan bao gồm: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Ban quản lý khu công nghiệp và Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Theo quy định tại Nghị định số 55/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM thuộc thẩm quyền cấp giấy phép lao động tại Cục Việc làm. Do có khoảng cách địa lý khá xa giữa các trường và đơn vị cấp phép ở Hà Nội nên quá trình nộp hồ sơ, giấy tờ để xin cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài cũng là trở ngại.

Việc sử dụng lao động là người nước ngoài tại các trường đại học theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hàng loạt văn bản dưới luật khác. Trong đó, liên quan đến giấy phép lao động đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, có quy định người lao động nước ngoài là chuyên gia phải đáp ứng một trong hai điều kiện: Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc; Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Tiến Khoa, trong quá trình làm hồ sơ, việc chứng minh kinh nghiệm và thời gian làm việc của giảng viên không đơn giản. Ngoài ra, việc giải trình vì sao không sử dụng giảng viên là người lao động Việt Nam thay cho việc tuyển người có quốc tịch nước ngoài cũng là câu chuyện khó đối với các trường đại học.

Cách đây vài năm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có 12 giảng viên là người nước ngoài. Khi đó, nhà trường chỉ ký hợp đồng ngắn hạn vì vướng các quy định về giấy phép lao động, visa. Đến nay, trường chỉ còn 2 giảng viên đủ các tiêu chuẩn để ký hợp đồng, những người còn lại đều vướng giấy phép lao động khi chiếu theo các quy định hiện hành. Trường buộc phải ký hợp đồng ngắn hạn với nhóm này để phục vụ cho một số chương trình đào tạo đặc thù, có tính quốc tế.

Kỹ sư Nguyễn Nam Thắng, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết thêm, ngoài giấy phép lao động, việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài còn bị tắc vì quy định phải nằm trong đề án vị trí việc làm của trường. Đến nay, các quy định liên quan về đề án vị trí việc làm chưa cụ thể, các trường vẫn trong tình trạng “vừa làm vừa chờ”. Do đó, ký hợp đồng ngắn hạn với giảng viên là giải pháp tối ưu khi có nhu cầu.

Giảng viên nước ngoài tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM). Ảnh: HIU

Giảng viên nước ngoài tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM). Ảnh: HIU

Cần giải pháp đồng bộ

Theo PGS.TS Trần Tiến Khoa, để đáp ứng đủ các quy định về giấy phép lao động, giảng viên người nước ngoài phải mất nhiều thời gian để chứng minh, thể hiện được quá trình làm việc của bản thân trước khi đến Việt Nam. Quy định về kinh nghiệm có mặt tích cực nhưng thực tế triển khai lại chưa thuận lợi.

Do đó, PGS.TS Trần Tiến Khoa đề xuất, trong chính sách chung để thu hút người nước ngoài tham gia giảng dạy đại học ở Việt Nam, nên phân thêm quyền để Bộ GD&ĐT xác nhận bằng cấp, có đủ để tham gia giảng dạy đại học tại Việt Nam hay không. Điều này sẽ giảm bớt quá trình làm thủ tục, hồ sơ chứng minh về điều kiện, kinh nghiệm của người lao động.

Cụ thể, theo Điều 154, Bộ luật Lao động và Điều 7, Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, hiện có 20 trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động, hay còn gọi là miễn giấy phép lao động. Ông Trần Tiến Khoa đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng và có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn với 2 trường hợp miễn giấy phép lao động.

Đó là người nước ngoài được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc Liên Hợp Quốc; cơ sở, tổ chức được thành lập theo các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia. Thứ hai là người nước ngoài được Bộ GD&ĐT xác nhận vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu.

Đại diện một số trường đại học có sử dụng giảng viên nước ngoài cũng cho rằng, cần xem lại quy định “3 - 5 năm kinh nghiệm” của ứng viên là người nước ngoài. Bởi thực tế, nhiều ngành đào tạo mới xuất hiện, thậm chí mới được mở lần đầu, nên việc chứng minh kinh nghiệm cùng thời gian giảng dạy trước đó rất khó khăn.

PGS.TS Trần Tiến Khoa cho biết, trước mắt, Trường ĐH Quốc tế cử người hỗ trợ cho lao động nước ngoài các thủ tục liên quan đến xin gia hạn visa, thẻ tạm trú, giấy phép lao động, lý lịch tư pháp, hợp pháp hóa lãnh sự bằng cấp. Ngoài ra, trường hỗ trợ tìm kiếm và trao đổi với các bên liên quan như ngân hàng, chỗ ở cho giảng viên nước ngoài trong giai đoạn đầu sang Việt Nam hoặc khi có các công việc phát sinh. Đồng thời, Trường ĐH Quốc tế vẫn nỗ lực tìm kiếm, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các trường đối tác để nâng cao số lượng giảng viên nước ngoài, mở rộng cho tất cả ngành đào tạo. Mục tiêu là mỗi năm tăng thêm 1% số lượng giảng viên nước ngoài trong tổng số giảng viên của trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.