"Kho thóc tình thương" hỗ trợ gia đình khó khăn

GD&TĐ - Để người dân không thiếu gạo, đói ăn trong những ngày giáp hạt, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chư A Thai đã xây dựng mô hình "Kho thóc tình thương".

Thông qua mô hình “Kho thóc tình thương”, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chư A Thai mong muốn người dân thay đổi suy nghĩ để không ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.
Thông qua mô hình “Kho thóc tình thương”, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chư A Thai mong muốn người dân thay đổi suy nghĩ để không ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước.

Thông qua mô hình này, chính quyền địa phương mong muốn mọi người có thể san sẻ khó khăn với nhau. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân phải cố gắng vươn lên trong cuộc sống để không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

“Kho thóc tình thương”

Ở vùng đất khô cằn, nắng cháy quanh năm, người dân xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) chỉ biết duy trì cuộc sống nhờ cây khoai lang và một ít diện tích lúa rẫy.

Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Có những năm thời tiết khắc nghiệt, nông sản không đạt năng suất, chất lượng nên người dân còn phải chật vật lo cái ăn, cái mặc.

Ông Trần Quang Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai, cho biết, trải qua thời gian dài, khi kinh tế ngày càng phát triển thì cuộc sống người dân dần ổn định. Người dân có trâu, bò để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp bà con duy trì cuộc sống bằng cách làm nương rẫy và trồng lúa. Đất đai cằn cỗi, khắc nghiệt nên có những năm người dân mất mùa. Ngoài ra, còn một số trường hợp còn ỷ lại vào các chính sách, hỗ trợ của Nhà nước nên không cố gắng, vượt khó để thoát nghèo.

Do đó, địa phương đã kết nối các cơ quan, xí nghiệp để thanh niên trong độ tuổi lao động có thể đi làm. Tuy nhiên, để người dân ổn định cuộc sống và đủ cái ăn trong những ngày Tết, mùa giáp hạt thì Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã sáng tạo ra mô hình “Kho thóc tình thương”.

Kho thóc này sẽ hỗ trợ, giúp đỡ được trước mắt cho những gia đình khó khăn, nghèo đói trong làng. Từ đó, động viên người dân chăm lo lao động, sản xuất.

Chị Bùi Thị Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chư A Thai, cho biết, ban đầu Hội Phụ nữ xã Chư A Thai đã phát động và kêu gọi người dân xây dựng mô hình “Hũ gạo tình thương”.

Khi đó, chị em phụ nữ tại địa phương đóng góp 1 lon gạo, rồi tăng lên 2 kg gạo/vụ thu hoạch. Tuy nhiên, để mô hình được nhân rộng và có thể giúp đỡ được nhiều người hơn thì năm 2018 mô hình “Kho thóc tình thương” của phụ nữ xã Chư A Thai chính thức ra đời.

Theo chị Vân, hàng năm, sau vụ mùa thì tất cả chị em hội viên trong xã sẽ cùng nhau quyên góp, ủng hộ thóc hoặc gạo dựa trên tinh thần tự nguyện. Sau đó, thóc và gạo sẽ được chất vào kho được đặt tại làng Plei Pông. Đến mùa giáp hạt thì mọi người sẽ đứng ra bình chọn những hộ gia đình khó khăn nhất để nhận hỗ trợ số thóc và gạo này.

Chị Vân cho hay, từ ngày phát động đến nay, mô hình “Kho thóc tình thương” đã có hơn 700 người đóng góp thóc, gạo. Kho thóc tình thương này sẽ được Chi hội Phụ nữ làng trông coi, quản lý.

“Mỗi năm, định kỳ sau khi thu hoạch, chị em phụ nữ trong xã sẽ chở thóc đến góp vào kho. Vào dịp tết hoặc mùa giáp hạt sẽ tiến hành lấy thóc đi xay và hỗ trợ cho khoảng 10 - 15 gia đình chị em hội viên gặp khó khăn. Danh sách do Chi hội bình xét và có sự luân phiên qua các năm để hỗ trợ đúng đối tượng, đảm bảo tính công bằng cho tất cả mọi người”, chị Vân chia sẻ.

Người dân chở thóc đến đóng góp vào “Kho thóc tình thương”.
Người dân chở thóc đến đóng góp vào “Kho thóc tình thương”.

Sẻ chia khó khăn

“Mô hình “Kho thóc tình thương” được xây dựng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nghèo trong mùa giáp hạt. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động này cũng giúp người dân thay đổi suy nghĩ để không ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, nâng cao tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”, chị Bùi Thị Vân tâm sự.

Mùa giáp hạt vừa qua, gia đình chị Đinh H’Đan và Đinh H’Nghên vừa nhận được hỗ trợ từ “Kho thóc tình thương”.

Chị Đinh H’Đan tâm sự: Đất đai ở địa phương khô cằn nên có những năm vụ mùa thất thu. Do đó, gia đình khó khăn để lo toan cho cuộc sống hàng ngày. Khi được chị em phụ nữ quyên góp, hỗ trợ thóc, gạo trong vụ giáp hạt chị và gia đình rất vui mừng và xúc động.

“Mình và gia đình sẽ cố gắng chăm chỉ làm ăn để những vụ mùa sau không còn khó khăn nữa. Khi đó, thóc và gạo sẽ được hỗ trợ cho những gia đình khác khốn khó hơn”, chị Đinh H’Đan bộc bạch.

Đều đặn hàng năm gia đình chị Siu H’Nhen (SN 1991) và anh Đinh Môn (SN 1989, làng Plei Pông) đều quyên góp, ủng hộ vào “Kho thóc tình thương” được đặt tại làng. Không chỉ vậy, sau khi người dân đóng góp thóc thì chị và chồng xung phong đi xay và phân phát cho bà con khốn khó.

“Năm nào gia đình mình cũng đóng góp cho kho thóc, tuy nhiên mình không mong nhận lại. Mặc dù, nhà mình không khá giả nhưng vẫn có đủ cái ăn, cái mặc và hơn nhiều hộ dân trong làng. Do đó, mình đóng góp với mong muốn hỗ trợ cho người dân bớt đi phần nào khó khăn.

Từ đó, cũng động viên các chị em cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, mình có 2 người con đang đi học nên muốn giáo dục các con phải biết sẻ chia, giúp đỡ những người khốn khó”, chị Siu H’Nhen bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.