"Thư viện thiết bị điện tử tình thương" hỗ trợ học sinh khó khăn tại Cần Thơ

GD&TĐ - Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, năm học 2021-2022 thành phố có khoảng 247.000 học sinh ở các cấp học. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc chọn hình thức dạy học trực tuyến là giải pháp phù hợp

Anh Nguyễn Hoàng Kiệt, Bí thư Đoàn phường An Thới trao thiết bị cho học sinh khó khăn trên địa bàn quận Bình Thủy.
Anh Nguyễn Hoàng Kiệt, Bí thư Đoàn phường An Thới trao thiết bị cho học sinh khó khăn trên địa bàn quận Bình Thủy.

Tập trung hỗ trợ học sinh học trực tuyến

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: Thành phố bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến. Trước mắt ngành GD  gặp một số khó khăn, đặc biệt là các em thiếu thiết bị hỗ trợ học tập... Để khắc phục, ngành Giáo dục đã chủ động xây dựng 5 phương án tổ chức dạy cho các trường, cơ bản đã triển khai đồng bộ đến các đơn vị.

Trong đó, những học sinh không có đủ điều kiện tham gia học trực tuyến, nhà trường sẽ tập hợp các em học chung hoặc giáo viên giao tài liệu học tập, bài học nhưng phải tuân thủ nghiêm việc phòng chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo các trường xây dựng "Thư viện điện tử". Thay vì cho mượn sách, các trường sẽ cho học sinh mượn thiết bị thông minh đã qua sử dụng để có thể tham gia lớp học trực tuyến, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong mùa Covid-19.

Cô Đồng Anh Đào, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thuỷ) cho biết: Năm học 2021-2022, nhà trường có 1.564 học sinh theo học ở 3 khối lớp.

Ngay sau khi nhận được hướng dẫn về việc triển khai dạy học trực tuyến, nhà trường đã chỉ đạo các tổ bộ môn triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến cho các em, đồng thời rà soát thống kê học sinh không đủ điều kiện học tập từ đó có giải pháp hỗ trợ. Từ đó trường xây dựng mô hình "Thư viện thiết bị điện tử tình thương" nhằm hỗ trợ kịp thời cho  học sinh trước thềm năm học mới.

Đại diện nhà trường trao thiết bị thông minh và sim 4G cho em Phạm Thị Thu Hồng, học sinh lớp 10 của Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thuỷ).
Đại diện nhà trường trao thiết bị thông minh và sim 4G cho em Phạm Thị Thu Hồng, học sinh lớp 10 của Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thuỷ).

Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô Đinh Kim Oanh, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, người vừa tích cực tham gia công tác vận động vừa tham gia đóng góp vào "Thư viện thiết bị điện tử tình thương" chia sẻ: “Đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa. Thư viện này sẽ giúp đỡ  học sinh không có điều kiện học tập trực tuyến. Nên khi nhà trường xây dựng Thư viện thiết bị điện tử tình thương, tôi đã chủ động đóng góp và chung sức cùng nhà trường vận động các thầy cô, phụ huynh cùng tham gia đóng góp xây dựng thư viện”.

Yên tâm với “Thư viện thiết bị điện tử tình thương

Với mô hình "Thư viện thiết bị điện tử tình thương", Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa đã kêu gọi vận động được 5 thiết bị thông minh và 70 sim Vinaphone (miễn phí data), qua đó kịp thời hỗ trợ  học sinh trước thềm năm học mới. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục kêu gọi vận động xây dựng thư viện để tiếp tục giúp thêm các học trò không đủ điều kiện học trực tuyến.

Em Phạm Thị Thu Hồng, học sinh lớp 10 của Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa ở trong mái ấm Thiên Ân từ 5 tuổi, lúc đầu rất lo lắng khi nhận được thông tin từ nhà trường yêu cầu phải học trực tuyến trong năm học mới. Những năm qua để liên hệ với nhà trường em đều phải nhờ các cô trong mái ấm.

"Hôm nay, em cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi nhận được sự hỗ trợ kịp thời thiết bị thông minh, sim 4G từ nhà trường,  có thể hòa nhập với điều kiện học tập trực tuyến hiện nay", em Hồng nói.

Phụ huynh và học sinh cảm động trước sự hỗ trợ từ phía nhà trường, thầy cô giữa mùa dịch Covid-19.
Phụ huynh và học sinh cảm động trước sự hỗ trợ từ phía nhà trường, thầy cô giữa mùa dịch Covid-19.

Anh Phan Lê Anh Sơn, phụ huynh có con đang học tại Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa xúc động chia sẻ: Năm ngoái, gia đình có tích cóp mua điện thoại cũ cho con, nhưng đã bị hư. Trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, việc được nhà trường hỗ trợ có thiết bị học giúp các em kịp tiến độ và không bị ngắt quãng kiến thức trong năm học mới.

"Có thiết bị này, gia đình sẽ theo dõi lịch học của con ở trường và lên lớp đúng giờ, tránh tình trạng lên lớp trễ hay bỏ máy làm việc khác. Đồng thời gia đình cũng sẽ  động viên con cố gắng học tập và ghi chép đầy đủ để không phụ tấm lòng của thầy cô", anh Phan Lê Anh Sơn cho hay.

Tương tự Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, các trường học trên địa bàn thành phố cũng đang tích cực vận động quyên góp xây dựng "Thư viện thiết bị" qua đó hỗ trợ kịp thời cho học sinh trong mùa dịch Covid-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, gây khó khăn nhiều mặt đối với người dân, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã có văn bản gửi các công ty kinh doanh thiết bị thông minh về việc phối hợp, hỗ trợ cung cấp các thiết bị thông minh (ipad, điện thoại, máy tính...) với giá ưu đãi cho giáo viên và học sinh trong mùa dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.