Kon Chiêng là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trung tâm xã cách thị trấn huyện Mang Yang khoảng 50km. Dân số chủ yếu trong xã là người dân tộc Ba Na. Từ lâu cái đói, cái nghèo cứ theo suốt người dân nơi đây.
Khó khăn thì đã rõ, nhưng phải làm sao để thoát nghèo. Cái trước mắt là phải lo cho trẻ em có hột cơm bỏ vào bụng để có thể đến trường. Xa hơn nữa là phải cho chị em cái cần câu cơm. Tất cả các câu hỏi đó được đặt ra cho chị Đinh Thị Kuen - Hội trưởng Phụ nữ xã.
Một ý nghĩ lóe ra trong đầu chị Kuen: Phải vận động chị em góp thóc xây dựng “kho thóc tình thương”. Cái khó là giờ nhiều gia đình không đủ ăn lấy đâu thóc mà chị em góp. Vạn sự khởi đầu nan, năm đầu tiên chị vận động các chị em có điều kiện. "Phát súng đầu tiên" đã có 56 chị em tham gia đóng góp cho kho thóc. Số thóc góp được 1.120 kg. Xã đã tức tốc làm ngay một nhà đựng thóc.
Có kho thóc, những gia đình nào đang thiếu đói được đến vay, đến mùa thu hoạch trả lại. Cứ như thế kho thóc càng ngày càng lớn lên. Giờ hầu như mỗi Chi hội Phụ nữ của làng đều có kho thóc riêng. Đến nay, toàn xã đã có 626 chị em tự nguyện góp thóc cho kho.
Một hội viên được vay gạo và bò đã giúp gia đình thoát nghèo và xây được nhà kiên cố. |
Khi cái đói đã được giải quyết, thì điều đặt ra lúc này là giúp chị em hội viên thoát nghèo. Thóc ngoài cho vay cứu đói, số còn dư thừa được chị Đinh Thị Kuen bán ra lấy tiền mua bò để cho hộ nghèo mượn.
Quỹ “Nuôi bò tình thương” của Hội Phụ nữ xã từ đó ra đời.
Tiền bán thóc mỗi năm may ra chỉ mua được 1 cặp bò. Như thế so với nhu cầu thực tế là quá nhỏ như muối bỏ biển. Cái khó ló cái khôn, chị đã làm đơn xin nhận 27 ha đất bỏ hoang để cho hội viên trồng mỳ. Cánh đồng được chị em khai hoang trồng mỳ cho thu nhập cả chục triệu đồng mỗi năm.
Khi có tiền chị và các hội viên đi mua các cặp bò bố mẹ về cho những hộ nghèo mượn. Mỗi gia đình được mượn 1 cặp bò, nuôi đến khi đẻ con rồi lại chuyển bò bố mẹ cho các hộ khác mượn. Cứ như vậy cứ luân phiên nên nhiều gia đình đã được mượn bò để nuôi.
Từ đó, quỹ hội ngày càng dồi dào. Hoạt động xóa đói giảm nghèo của hội hiệu quả hơn. “Trước đây, mỗi mùa giáp hạt rất nhiều gia đình phải thiếu đói. Đặc biệt là các em nhỏ phải ăn lá mì để đến trường, nhiều em đói quá không đến trường được. Nhìn cảnh tượng đó ai cũng phải rơi nước mắt, xuất phát từ đó mà tôi đã xây dựng nên 2 mô hình này”, chị Đinh Thị Kuen cho biết.
Cái đói, cái nghèo ở xã Kon Chiêng giờ đã được đẩy lùi dần. Thay vào đó đến Kon Chiêng dịp này nhà nào cũng thóc đầy bồ, bò từng đàn. Ông Đinh Huy - Phó Chủ tịch xã - chia sẻ: “Nhờ kho thóc và nuôi bò tình thương mà tỷ lệ hộ nghèo đã được giảm đáng kể. Nhiều hộ được vay thóc, vay bò đã có của ăn, của để. Các em học sinh đều được đi học, có nhiều em đang theo học ở nhiều trường Đại học, điều đó làm chúng tôi rất mừng”.
Cuối năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kon Chiêng đã vinh dự được nhận giải thưởng Kova. Đó là một thành quả xứng đáng cho Hội Phụ nữ xã nói chung và chị Đinh Thị Kuen nói riêng đã có công góp phần xóa đói giảm nghèo cho hội viên, đặc biệt là hội viên người dân tộc thiểu số.