Khổ tâm vì lấy phải vợ “vụng thối vụng nát”

Đến nhà bạn bè, thấy vợ người ta đảm đang, nhanh nhẹn, khéo léo vẽ vời món này món nọ đãi khách mà Thắng khát khao vợ mình một ngày nào đó cũng như thế.

Khổ tâm vì lấy phải vợ “vụng thối vụng nát”

Ngày còn yêu nhau mặn nồng, Phương không giấu giếm Thắng rằng mình vụng, không đảm đang nữ công gia chánh. Bời vì, từ bé Phương hầu như chỉ biết đến học, ra trường đi làm luôn vùi đầu vào công việc, mọi thứ liên quan đến nhà cửa bếp núc đã có mẹ cô về hưu vốn rảnh rỗi một tay lo liệu.

Thấy người yêu nói yếu điểm của mình vậy, Thắng gạt đi cười xòa: “Ôi dào, chỉ cần em yêu anh là được. Anh lấy vợ chứ có phải lấy người giúp việc đâu”.

Chính vì câu nói đó của Thắng cùng sự chân thành, ga lăng của anh mà Phương quyết định gật đầu cái rụp.

Ngỡ tưởng cuộc sống vợ chồng Phương và Thắng hạnh phúc thế nhưng cuộc sống sau hôn nhân đâu chỉ có 2 người với nhau, còn cả bố mẹ chồng nữa. Trước khi cưới, Thắng là người lãng mạn, nuông chiều Phương nhưng khi trở thành vợ chồng, anh mất hết vẻ tinh tế, ý nhị với vợ.

Bố chồng Phương khá dễ tính, nhưng mẹ chồng cô thì trái ngược hoàn toàn. Bà đặc biệt kĩ tính và yêu cầu cao ở con dâu, nhất là khoản nội trợ, nấu nướng.

Cả nhà Thắng vẫn nhớ như in chuyện bữa cơm đầu tiên Phương nấu khi mẹ chồng đi vắng, cô nấu bát canh cua nhưng chỉ xay mà không lọc bã, rau mùng tơi không cắt nhỏ. Đấy là chưa kể, hầu như lần nào rửa bát Phương cũng phải làm vỡ 1-2 chiếc bát. Đến nỗi, cả nhà Thắng đã quá quen và ngán ngẩm khi nghe thấy tiếng bát đũa rơi vỡ choang trong gian bếp.

Sau đó, mặc dù được mẹ chồng chỉ dẫn chi tiết, Phương vẫn đoảng, nói như “nước đổ lá khoai”. Thế nên, câu cửa miệng của mẹ chồng khi than vãn về Phương chính là: “Ôi giời ơi, hồi trước tôi biết là con dâu mình tiểu thư, không đảm đang rồi, nhưng không thể ngờ nó lại vụng thối vụng nát tới mức này!”.

Sau 1 năm sống chung 1 nhà, chính vì “bó tay toàn tập” trước sự vụng về của con dâu mà bố mẹ Thắng đã “ngứa mắt” cho vợ chồng anh ở riêng.

Mẹ Thắng nói thẳng với con trai: “Lấy ngữ vợ này về mà đội vợ lên đầu”, “Là chồng mà không biết dạy vợ”, “Liệu mà bảo nhau sống thế nào thì sống, sống thế này thì sao là nhà, là gia đình được”, “Nhà có công việc, với đứa con dâu như này, bố mẹ biết nói sao với anh em trong họ đây? Xấu mặt quá”.

Ra ở riêng, Thắng luôn động viên vợ phải cố gắng học nấu ăn và giỏi giang bếp núc một chút để ghi điểm lại với nhà chồng. Phương cũng rất cố gắng tiếp thu. Ngoài đi làm, Phương thường nghiên cứu mua đồ ăn về tập nấu nhưng cũng không cải thiện là bao.

Vì có vợ vụng về, chậm chạp nên chẳng bao giờ Thắng dám mời khách khứa hay bạn bè về nhà. Chỉ có 1-2 lần, 2-3 người bạn thân của Thắng gọi điện bảo sẽ qua chơi. Phương chiều đó về từ 3h chiều để chuẩn bị mua thức ăn.

Vậy mà mâm có 5 người mà cô phải chuẩn bị đến tận 8h tối mới bắt đầu được ngồi vào mâm. Trong khi các món cũng chẳng gọi gì là bắt mắt, ngon miệng. Điều này làm Thắng phát ngại với bạn bè.

Đến nhà bạn bè, thấy vợ người ta đảm đang, nhanh nhẹn, khéo léo vẽ vời món này món nọ đãi khách mà Thắng khát khao vợ mình một ngày cũng như thế. Nhưng mỗi lần anh nhẹ nhàng góp ý với vợ, Phương lại tự ái và mệt mỏi nói cùn: “Em chỉ vụng về và chậm chạp như vậy, anh có dùng được thì dùng”…

Thật sự, dù còn rất yêu vợ, nhưng sau gần 2 năm kết hôn và chung sống với Phương, Thắng bị cả gia đình quay lưng, bạn bè dần xa lánh. Nhiều khi anh cảm thấy mệt mỏi và chán ngán vợ quá chừng. Nhưng trong Thắng lại cứ có một mách bảo, hãy cho vợ thêm chút thời gian, mọi thứ cứ phải dần dần thì mới được cải thiện.

Theo Giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...