Đánh giá của chuyên gia, cơ sở GDMN triển khai thử nghiệm là căn cứ quan trọng để Chương trình tiếp tục hoàn thiện.
Đạt mục tiêu cơ bản
Theo GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam, đơn vị chủ trì biên soạn: Chương trình GDMN đang được thử nghiệm với 3 điểm mới cơ bản: Chương trình được xây dựng theo tiếp cận năng lực lấy trục phát triển tình cảm – kỹ năng xã hội làm trung tâm. Đây là hướng mới, cần năng lực của đội ngũ. Vấn đề này còn nhiều thảo luận tuy nhiên với đặc điểm phát triển của trẻ, lấy trẻ là chủ thể của giáo dục thì hướng này phù hợp.
Chương trình cũng đậm nét hơn với quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, trẻ học liên tục qua mọi hoạt động, thời điểm và nhà trường, giáo viên theo sát để hỗ trợ. Chương trình được xây dựng theo hướng mở, phân cấp mạnh hơn với cấp quản lý, phát huy tính chủ động nhà trường, địa phương. Theo đó cụ thể hóa kết quả mong đợi cho sát với địa phương. Khi địa phương gặp khó khăn các nội dung thử nghiệm thì trao đổi, thảo luận để có được kết quả khách quan, làm cơ sở thử nghiệm giai đoạn 2.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT), Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Chương trình GDMN mới, lưu ý: Chương trình GDMN có một số điểm mới quan trọng, đáp ứng Nghị quyết 29, Luật GD (Luật số 43) và xu hướng đổi mới của thế giới.
Trong đó, 3 điểm mới của Chương trình GDMN đang thử nghiệm là: Tiếp cận năng lực để hình thành các giá trị cốt lõi của con người trong tương lai, dựa trên trục tình cảm – kỹ năng xã hội. Thể hiện rõ nét quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Đảm bảo tính liên thông với Chương trình GDPT 2018, tính mở được tăng cường để đảm bảo sự linh hoạt, chủ động của địa phương trong phát triển.
Ảnh minh họa. |
Còn nhiều vướng mắc
Thực hiện thử nghiệm tại TP Kon Tum (Kon Tum), huyện miền núi, biên giới Sa Thầy và Ngọc Hồi có trẻ dân tộc tại chỗ chiếm 57% cũng cho thấy những hạn chế tương tự. Thời gian triển khai thực nghiệm quá ngắn, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non chưa đủ thời gian để nghiên cứu sâu các bước thực nghiệm, chưa xác định rõ nội dung mới trong Chương trình GDMN cần thực nghiệm. Mặt khác, số lượng sản phẩm nhiều nên áp lực trong việc triển khai và hoàn thiện sản phẩm, ảnh hưởng đến chất lượng thử nghiệm.
Triển khai thử nghiệm tại 6 tỉnh/thành phố đại diện tính đa dạng, đặc trưng của vùng, miền trên cả nước cho thấy một số vấn đề chung: Các tỉnh đều khó khăn về thời gian thử nghiệm ngắn, chỉ hơn 1 tháng phải hoàn thành nhiều việc.
Nhiều địa phương chưa chắc chắn, băn khoăn với các nội dung thử nghiệm. Kết quả mong đợi còn mơ hồ, chưa rõ ràng, cụ thể. Năng lực của đội ngũ giáo viên, cơ sở hạ tầng, hướng dẫn chưa rõ... Báo cáo của địa phương chưa chỉ ra và phân tích được nguyên nhân cụ thể những hạn chế trên.
Thực tế thực nghiệm Chương trình GDMN mới cũng chỉ ra có nội dung còn định tính nên khó trong quá trình xây dựng kế hoạch. Kiến thức thực hiện các dự án của giáo viên còn hạn chế.
Đặc biệt, thời gian thử nghiệm ngắn, giáo viên chưa tiếp cận được nội dung thử nghiệm đầy đủ nên dẫn tới khó xác định kết quả mong đợi. Mặt khác, nội dung Chương trình GDMN mới còn chung chung, chưa cụ thể nên giáo viên khó triển khai thực hiện. Kinh phí tổ chức hoạt động trải nghiệm nhiều gây ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng.
Đề xuất cho đợt thử nghiệm giai đoạn 2, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về các nội dung liên quan thử nghiệm Chương trình GDMN mới ở học kỳ II và những năm thí điểm tiếp theo. Có thể xem xét lại đối tượng trẻ tham gia đánh giá thử nghiệm (trẻ trong đúng độ tuổi cho đến thời điểm đánh giá).
Tiếp tục cho những trẻ đã tham gia thực nghiệm giai đoạn 1 nhưng sang giai đoạn 2 bị vượt khung tháng tuổi tiếp tục được tham gia để phần đánh giá cuối chương trình được chính xác hơn. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cần kịp thời, thậm chí phải có trước khi thời gian triển khai để địa phương có thời gian nắm bắt và thực hiện.
Từ thực tế triển khai ở 3 đơn vị trường học đại diện cho các vùng, miền tỉnh Nghệ An, Phó Trưởng phòng GDMN (Sở GD&ĐT Nghệ An) Nguyễn Thị Hải Yến cho rằng: Khó khăn nhất là năng lực trình độ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu. Số trẻ em/lớp đông mà chương trình mới xây dựng theo tiếp cận năng lực nên phải có thời gian bồi dưỡng giáo viên. Cùng đó, điều kiện cơ sở vật chất, môi trường cho trẻ hoạt động hạn chế, đồ dùng đồ chơi để trẻ trải nghiệm thiếu…