Trong khi đó, phương pháp tế bào gốc trung mô gặp nhiều khó khăn khi đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người.
Hai phương pháp được đề xuất
Phương pháp truyền huyết tương điều trị Covid-19 từng được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Vinmec và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nghiên cứu từ tháng 8/2020. Tuy nhiên, đến nay, rất ít bệnh nhân Covid-19 được điều trị bằng liệu pháp này.
Ngày 9/9, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương có văn bản gửi Thủ tướng, đề xuất 2 phương pháp điều trị Covid-19 mới mà thế giới đã áp dụng thành công. Phương pháp đầu tiên là truyền huyết tương có chứa kháng thể chống virus SARS-CoV-2 của những người mắc bệnh đã hồi phục cho các bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng.
Phương pháp thứ hai là truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm cho các bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão Cytokine. Bởi, cơn bão Cytokine là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân suy hô hấp.
Phương pháp này đã được sử dụng cho suy hô hấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với các bệnh nhân Covid-19, một số nghiên cứu cho thấy, truyền tế bào gốc có thể làm tăng tỷ lệ sống gấp 2,5 lần so với nhóm không truyền.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu kiến nghị 2 phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. Từ đó, có phương án tổ chức thực hiện phù hợp.
Phương pháp không hiệu quả?
Tuy nhiên, theo Giáo sư Trần Tịnh Hiền - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, không có sự khác biệt giữa tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân Covid-19 điều trị và không điều trị bằng huyết tương.
Chuyên gia này dẫn chứng kết quả của nghiên cứu RECOVERY từ 28/5/2020 đến 15/1 năm nay. Nghiên cứu thực hiện trên 16.287 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 11.558 trường hợp đủ điều kiện được thu tuyển vào nghiên cứu sử dụng huyết tương từ người bệnh đã hồi phục.
Kết quả cho thấy, không có khác biệt về tỷ lệ tử vong sau 28 ngày. Sử dụng huyết tương của người hồi phục cũng không có tác động nào trên bệnh nhân được xuất viện trong vòng 28 ngày.
“Nghiên cứu này là nghiên cứu lâm sàng so sánh, chọn lựa ngẫu nhiên, lớn nhất, sử dụng huyết tương của người bình phục từ Covid-19. Nghiên cứu cho thấy, biện pháp này không cải thiện được tử vong hay những kết điểm khác trên bệnh nhân nhập viện do nhiễm Covid-19 ở tất cả lứa tuổi, chủng tộc, giới tính, thời gian trước khi được điều trị, ở bất cứ mức độ suy hô hấp và có hay không sử dụng corticoid”, GS Trần Tịnh Hiền cho biết.
Theo chuyên gia này, lý do phương pháp sử dụng huyết tương không có tác dụng là bởi kháng thể chống lại protein gai S hầu như đã có trên bệnh nhân nhập viện.
Trong khi đó, về phương pháp sử dụng tế bào gốc trung mô, GS Hiền chia sẻ, có nhiều tác dụng thuận lợi ghi nhận từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hay trên vật thí nghiệm. Tuy nhiên, những tác dụng này không chứng minh được trên thử nghiệm lâm sàng.
“Rất nhiều nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy tế bào gốc trung mô có tác dụng thuận lợi để chống lại bệnh lý về phổi. Tuy nhiên, việc áp dụng gặp nhiều khó khăn khi đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người và có rất ít nghiên cứu tiến xa hơn pha 1”, chuyên gia cho biết.
Những khó khăn trong phương pháp này bao gồm các vấn đề như: Tỷ lệ sống của tế bào gốc khi truyền vào cơ thể người thấp, xác định liều lượng điều trị, phân lập, bảo quản, cách thức phát triển tế bào gốc và nguồn cung cấp thay đổi.
GS Hiền dẫn chứng, một số nghiên cứu cho thấy, tế bào gốc hoạt động qua các tín hiệu “panacrine” - tức là tác động lên các tế bào gần tế bào tiết chất. Tuy nhiên, tế bào gốc trung mô cũng cần tiếp xúc “tế bào - tế bào”. Ví dụ, tế bào gốc trung mô cần tiếp xúc trực tiếp với tế bào B để có tác dụng ức chế miễn dịch.
“Hiện nay, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA chưa chấp nhận bất cứ sản phẩm tế bào gốc trung mô nào để trị Covid-19 ở Mỹ. FDA đã ra nhiều cảnh báo về sử dụng tế bào gốc trung mô để điều trị Covid-19 là nguy hiểm và bất hợp pháp.
Có nhiều sản phẩm từ máu cuống rốn được cấp giấy chứng nhận để điều trị ung thư hay bệnh di truyền hiếm gặp, bệnh về sụn khớp hay loét giường. Song, không có sản phẩm nào được dùng điều trị Covid-19”, GS Trần Tịnh Hiền dẫn chứng.