Dùng huyết tương chữa Covid-19: An toàn nhưng chưa chắc hiệu quả

GD&TĐ - Các kháng thể trong huyết tương của người phục hồi sẽ trung hòa SARS-CoV-2, hỗ trợ người bệnh giảm tải lượng virus, tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, khi hiến huyết tương, nếu nồng độ kháng thể không đủ hoặc quá thấp, việc điều trị sẽ không có hiệu quả.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Phê duyệt phương pháp mới

Mới đây, Bộ Y tế đã phê duyệt nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phương pháp “Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân Covid-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương của người bệnh đã phục hồi”. Nghiên cứu có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, bác sĩ từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương…

Đặc biệt, trong số các bệnh nhân Covid-19, ca bệnh 996 là người mắc ung thư với kết quả xét nghiệm miễn dịch không tốt. Do đó, các chuyên gia đang hội chẩn truyền Interferon hoặc thay huyết tương từ người nhiễm đã được điều trị khỏi và có kháng thể cho bệnh nhân này. Nếu thành công, bệnh nhân 996 sẽ là một trong số những người đầu tiên được sử dụng huyết tương người đã khỏi để điều trị.

Mới đây, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép sử dụng huyết tương từ người khỏi Covid-19 để điều trị bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Theo FDA, chứng cứ ban đầu cho thấy, huyết tương có thể giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện sức khỏe bệnh nhân, nếu được sử dụng trong 3 ngày đầu người đó nhập viện. Dựa trên kết quả theo dõi 20.000 bệnh nhân mắc Covid-19, FDA khẳng định, điều trị bằng huyết tương là phương pháp an toàn.

Ít tác dụng phụ

PGS. TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế kiêm Trưởng khoa Y tế công cộng và điều dưỡng, Trường Đại học Quang Trung nhận định, phương pháp sử dụng huyết tương chứa kháng thể của người đã hồi phục là niềm hy vọng trong cuộc chiến chống đại dịch. 

Chuyên gia này lý giải, phương pháp dùng huyết tương dựa trên khái niệm “miễn dịch thụ động”, tức là lấy huyết tương từ máu (dịch lỏng còn lại sau khi các tế bào máu được lọc ra) của bệnh nhân từng nhiễm Covid-19 được chữa khỏi, hoặc đang phục hồi.

Người đủ điều kiện hiến huyết tương phải có yếu tố là khỏi Covid-19, xuất viện sau 14 ngày, trong độ tuổi 18 - 65 và có thể trạng sức khỏe tốt. Với nam cần đạt cân nặng trên 50kg, nữ trên 45kg, không có các bệnh truyền nhiễm có thể lây qua huyết tương như HIV/AIDS, viêm gan B, giang mai…

Người đã khỏi Covid-19 đăng ký hiến huyết tương sẽ được khám sàng lọc trước. Nhờ đó, có thể bảo đảm huyết tương đạt an toàn trước khi truyền cho bệnh nhân. Người nhận huyết tương là các cá nhân nhiễm Covid-19 nặng, trong độ tuổi từ 18 - 75, sức đề kháng kém, không bị phản ứng với huyết tương người cho.

“Nguyên lý của phương pháp này dựa trên máu của người hiến được tách chiết để lấy huyết tương. Huyết tương này được truyền trực tiếp cho người bệnh. Các kháng thể trong huyết tương của người phục hồi sẽ trung hòa SARS-CoV-2, hỗ trợ người bệnh giảm tải lượng virus, tăng sức đề kháng và đạt kết quả khả quan trong quá trình phục hồi bệnh”, chuyên gia cho biết.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh, phương pháp hiến huyết tương ít xảy ra tác dụng phụ, nếu người hiến có thể trạng sức khỏe tốt. Việc hiến huyết tương giống như hiến máu nên không xảy ra những ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu có chỉ là phản ứng tại chỗ như bầm tím trên da.

Chưa thể khẳng định hiệu quả

PGS.TS Trần Huỳnh, từng tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa tại Trường Đại học New York (Mỹ), giải thích: “Sử dụng huyết tương để chữa Covid-19 là phương pháp trị liệu lâu năm. Tuy nhiên, trước đó, hầu như không có nghiên cứu gì về vấn đề này. Nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 trên thế giới đã được chữa khỏi nhờ phương pháp này. Đây là phương pháp khá an toàn”.

Tuy nhiên, theo PGS Huỳnh, câu hỏi lớn nhất cần đặt ra đối với phương pháp này là khía cạnh hiệu quả, thay vì vấn đề về an toàn. Tính hiệu quả trong việc dùng huyết tương điều trị Covid-19 cũng được coi là câu hỏi thu hút sự tranh luận của nhiều chuyên gia. 

“Khi một người mắc Covid-19, cơ thể có tế bào gọi là kháng thể tấn công virus đó. Phần lớn (trên 80%) người bệnh sẽ phục hồi. Khi đó, có những kháng thể nhớ được S protein của virus. Lần sau, nếu cơ thể tiếp xúc với SARS-CoV-2, kháng thể sẽ bám vào và trung hòa virus”, chuyên gia này giải thích. 

“Thông thường, trong 4 - 6 tuần mới mắc Covid-19, kháng thể sẽ tăng vọt lên và sau đó giảm dần theo thời gian xuống mức vừa đủ. Nhờ vậy, khi có virus trở lại, kháng thể sẽ nhớ mặt và bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, số kháng thể đó sẽ không quá nhiều”, PGS Huỳnh nhận định. 

Chuyên gia lấy dẫn chứng, Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ khuyến cáo FDA nên cẩn trọng khi áp dụng phương pháp hiến huyết tương. Bởi, theo kết quả nghiên cứu của NIH trên 149 bệnh nhân khỏi Covid-19, chỉ 1% người trong số này có đủ kháng thể để trung hòa virus...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.