Ai xem xong những thông tin, những clip này cũng căm phẫn cho hành động vô nhân tính của những con người được gọi là “cô giáo”; “cô nuôi dạy trẻ”; “bảo mẫu”.
Đồng thời, đều thương cảm, xót xa cho các cháu bị đày dọa thân xác, lẫn tinh thần… Và, điều dĩ nhiên, những bậc làm cha, làm mẹ các cháu thì không thể nói hết được tình thương xót khi con mình ở trong hoàn cảnh như vậy.
Nhưng, bình tâm lại, chúng ta sẽ thấy được những khó khăn không có sự lựa chọn nào của những bậc làm cha mẹ khi phải “gửi trứng cho ác”.
Nỗi đau của những phụ huynh này là biết nhưng vẫn phải nhắm mắt để gửi con. Bởi không gửi cho nhà trẻ tư thục thì gửi cho ai bây giờ?
Trong khi, các bậc phụ huynh hết thời kì nghỉ hậu sản thì phải đi làm, ông bà nội ngoại thì đa số ở xa, người thân thiết không có, nếu có thì họ cũng phải đi làm ăn. Nên việc gửi trẻ cho tư nhân là giải pháp… không có sự lựa chọn.
Như chúng ta đều thấy, nhà trẻ tư nhân không mọc lên ở thôn quê, mà nó chỉ có thể mọc lên và tồn tại ở những thành phố và khu công nghiệp.
Nơi có nhiều những lao động trẻ từ thôn quê tụ họp về đây lao động, mà đa số họ là xa gia đình. Khi họ xây dựng gia đình thì những đứa trẻ ra đời.
Trong khi đó luật chỉ cho phép họ nghỉ được 6 tháng (từ tháng 1/2013) còn trước đây chỉ có 4 tháng thì đã phải đi làm. Các bậc cha mẹ nào có sự lựa chọn khác. Đi làm hay trông con?
Trong khi đó họ không có hộ khẩu thường trú thì làm sao vào được trường công lập, mà nếu có hộ khẩu thường trú thì phải 18 tháng tuổi mới có thể gửi được trường công lập.
Hơn nữa, trường công lập có hạn, mỗi xã, phường cũng chỉ được biên chế từ 1 - 2 trường mầm non, mẫu giáo. Nếu muốn vào được trường công lập ở những nơi như thế này không dễ kiếm một suất cho con em họ vào được, bởi đa số là dành cho gia đình có hộ khẩu lâu năm hoặc phải quen biết lãnh đạo nhà trường.
Đa số các cô nuôi dạy trẻ ở đây chưa được đào tạo bài bản, thậm chí là chưa hề được đào tạo, nhưng bởi có cầu thì ắt có cung. Tình trạng hàng loạt nhà trẻ tư thục mọc lên không thể nào kiểm soát nổi của các cơ quan chức năng thì những hiểm họa luôn rình rập những tâm hồn ngây thơ của các cháu.
Những áp lực vì công việc, vì lợi nhuận của các trường tư thục, của những nhóm trẻ tự phát đã khiến một bộ phận những con người được mang thiên chức cao cả đánh mất đi hết lương tâm, trách nhiệm của mình để có thể nhẫn tâm vùi dập những tâm hồn thơ bé. Làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các cháu cả thể xác lẫn tinh thần không còn vẹn nguyên.
Không thể đánh đồng tất cả các trường tư thục. Nhưng nỗi lo của các bậc phụ huynh là có cơ sở, trước thực tế hiện nay.