Khó khăn, thách thức được Bộ trưởng làm rõ để phụ huynh đồng hành

GD&TĐ - Chị Đặng Bích Ngọc, phụ huynh ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) rất quan tâm đến vấn đề dạy, học trực tuyến vì chị có 2 con đang học tại nhà.

Phụ huynh Đặng Bích Ngọc đang hướng dẫn con học tại nhà.
Phụ huynh Đặng Bích Ngọc đang hướng dẫn con học tại nhà.

Chị Ngọc cho biết, gia đình chị theo dõi kỹ phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ngày 11/11. Bản thân chị là người trong cuộc, vì có 2 con (1 đang học tiểu học và 1 đang học THCS) nên chị quan tâm việc dạy, học trong bối cảnh dịch bệnh.

Qua theo dõi, chị cho biết có nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng về vấn đề dạy, học trực tuyến; việc đảm bảo chất lượng dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tuyến; giải quyết vấn đề thiếu thiết bị học tập; giải pháp lâu dài để dạy học trực tuyến…

“Dạy học trực tuyến trong thời gian qua diễn ra trong bối cảnh chưa có tiền lệ, mọi việc đều mới mẻ đối với nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, việc thích ứng, linh động của ngành Giáo dục đã từng bước triển khai có hiệu quả. Bộ trưởng đã trả lời thấu đáo các câu hỏi của đại biểu. Nêu rõ khó khăn, thách thức trong việc dạy học trực tuyến và nêu giải pháp tháo gỡ”, chị Ngọc chia sẻ.

Chị Ngọc cho biết rất đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng về vấn đề dạy - học trực tuyến đã và đang được cả thế giới áp dụng. Với tư cách là hình thức bổ trợ thì dạy học trực tuyến đã có từ lâu nhưng như năm 2021 thì chưa có tiền lệ về quy mô, tính chất.

Theo chị, Bộ trưởng đã nêu giải pháp rất hợp lý. Với học sinh trở lại trường thì căn cứ vào nội dung, sĩ số lớp học, nhà trường, giáo viên tiếp tục hỗ trợ các em trong học tập, không bỏ qua các bài giảng trên truyền hình, dạy học trực tuyến, coi đó là công cụ để hỗ trợ.

Giáo viên có trách nhiệm đánh giá học sinh đến đâu để phân nhóm. Có thể lớp học sẽ không đồng đều. Vì thế, giải pháp phân nhóm và cá thể hoá học sinh là cần thiết. Cần sự hỗ trợ của nhà trường cho học sinh để bổ trợ kiến thức cho các em sau thời gian học trực tuyến.

Theo chị Ngọc, giáo dục là quốc sách hàng đầu, đòi hỏi sự vào cuộc, đồng hành của toàn xã hội, trong đó có cả phụ huynh.

Từ cuối năm học 2019 - 2020 đến nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động GD&ĐT, ngành đã thực hiện dạy và học trực tuyến từng bước đạt hiệu quả.

Tất nhiên sẽ có mặt được và chưa được, nhưng nổi lên bất cập chuyện dạy và học trực tuyến phải học thêm. Khi còn học trực tiếp, Bộ đã có văn bản quy định rõ vấn đề này, nay cần mạnh dạn hơn, hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm trong dạy học trực tuyến. 

Về dạy và học trực tuyến, nhà trường cần phối hợp với phụ huynh học sinh; phụ huynh cần có trách nhiệm hỗ trợ cho con em học tốt hơn. Việc dạy thêm, học thêm trực tuyến cũng cần phụ huynh tham gia giám sát và hạn chế mức thấp nhất tình trạng này…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ