Khó đâu gỡ đấy khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các địa phương cho rằng đã có “cẩm nang” nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực tiễn việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp GV...

Công văn mới ban hành nhằm bảo đảm quyền lợi tối đa, chính đáng cho các thầy cô giáo. Ảnh: INT
Công văn mới ban hành nhằm bảo đảm quyền lợi tối đa, chính đáng cho các thầy cô giáo. Ảnh: INT

Bộ GD&ĐT vừa có Công văn số 4306/BGDĐT-NGCBQLGD (Công văn 4306) hướng dẫn việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên mầm non, phổ thông. Các địa phương đã nhận được Công văn này và cho rằng, đây là “cẩm nang” nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong thực tiễn.

Khó lường hết các tình huống

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, cô Lưu Thị Thanh Nga - Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) đã được bổ nhiệm CDNN hạng II theo Thông tư 22/2015/TT-BGDĐT-BNV của Bộ GD&ĐT. Cô cũng hưởng lương theo bằng đại học từ năm 2007.

Từ thực tế của bản thân, cô Nga tán thành với việc bãi bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn CDNN theo hạng. “Đây là một trong những mong đợi nhất của chúng tôi”, cô Nga bày tỏ và cho biết: Bản thân đang làm thủ tục để giữ hạng tương đương theo hướng dẫn trong Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, cô chưa hiểu hết quy định thời gian giữ hạng tương đương và mong được giải đáp tường minh về vấn đề này.

Đã được bổ nhiệm CDNN hạng II cũ, nay cô Lê Thị Hồng An - giáo viên Trường Tiểu học Thành Công A (Ba Đình, Hà Nội) làm hồ sơ để xét sang ngang hạng II mới. Hồ sơ của cô đã nộp cho cơ quan có thẩm quyền để thực hiện quy trình theo quy định. “Hiện, tôi chưa nhận được phản hồi nào từ phía cơ quan chức năng. Hy vọng hồ sơ của tôi sẽ được thông qua”, cô An bộc bạch.

Theo cô An, thay vì tổ chức thi thăng hạng CDNN, nên áp dụng hình thức xét duyệt với các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch. Bởi đây là sự đãi ngộ, ghi nhận những cống hiến của giáo viên. “Chúng tôi mong được như vậy để có sự đồng bộ giữa các địa phương. Ngoài ra, cần thống nhất quy định về chứng chỉ bồi dưỡng khi bổ nhiệm CDNN tương ứng và chuyển hạng”, cô An cho hay.

Tại huyện Trần Đề (Bến Tre), ông Võ Minh Dẫn - Phó Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, trước đây huyện cũng gặp khó khăn, lúng túng khi thực hiện bổ nhiệm CDNN và xếp lương cho giáo viên, bởi có nhiều trường hợp phát sinh mà chỉ khi bắt tay vào làm mới thấy vướng mắc.

“Lúc làm mới thấy không thể lường hết những tình huống phát sinh trong thực tiễn. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là, khó đâu gỡ đấy. Trước hết, áp dụng đúng, đủ hướng dẫn của cấp trên. Những tình huống ngoài “giáo án”, chúng tôi liên hệ với Sở Nội vụ, Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT để được tháo gỡ. Quan trọng là không làm cho xong, tất cả vì quyền lợi chính đáng của thầy cô”, ông Dẫn nhấn mạnh.

Cô Lưu Thị Thanh Nga hướng dẫn học sinh trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: NVCC

Cô Lưu Thị Thanh Nga hướng dẫn học sinh trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: NVCC

Tháo gỡ bất cập nảy sinh

Huyện Trần Đề có hơn 1.600 giáo viên từ mầm non đến THCS đã được bổ nhiệm CDNN. Hiện, phòng GD&ĐT phối hợp với Phòng Nội vụ hướng dẫn giáo viên mầm non, tiểu học hạng IV làm hồ sơ để được bổ nhiệm CDNN và xếp lương theo Thông tư 08.

“Chúng tôi đã nhận được Công văn 4306 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc bổ nhiệm CDNN giáo viên mầm non, phổ thông. Công văn cơ bản đề cập tới những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương gặp phải. Chúng tôi tiếp tục rà soát, đối chiếu với trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho giáo viên trên địa bàn”, ông Dẫn trao đổi.

Tương tự, những giải đáp của Bộ GD&ĐT và Công văn 4306 trở thành “cẩm nang” để Phòng GD&ĐT huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) có cơ sở phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu với lãnh đạo huyện thực hiện bổ nhiệm CDNN, xếp lương cho giáo viên trên địa bàn. Hiện, toàn huyện có khoảng 1.500 giáo viên thuộc diện biên chế. Trong đó, có một số trường hợp giống với Công văn 4306 của Bộ GD&ĐT đề cập.

“Nay đã có hướng dẫn chi tiết, chúng tôi sẽ bám sát để thực thi. Dự kiến trong tháng 11 năm nay sẽ hoàn tất việc bổ nhiệm CDNN, xếp lương cho giáo viên. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc và tình huống phát sinh, chúng tôi sẽ xin ý kiến cấp trên nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà giáo”, ông Trần Duy Thược – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Hà chia sẻ.

Theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), trong quá trình địa phương thực hiện chùm Thông tư 01 - 04 và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT đã nhận được nhiều câu hỏi của giáo viên và cơ quan quản lý các cấp về một số quy định liên quan đến bổ nhiệm CDNN.

Để thực hiện thống nhất các quy định về tiêu chuẩn CDNN trong bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông, Bộ GD&ĐT hướng dẫn, thời gian để được xét bổ nhiệm vào CDNN giáo viên tiểu học, THCS hạng II mới bao gồm:

Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời gian giữ các ngạch giáo viên, thời gian giữ CDNN giáo viên hạng III, hạng II và thời gian khác được cơ quan có thẩm quyền xác định tương đương khi thực hiện chuyển CDNN (không kể thời gian tập sự).

Ví dụ: Giáo viên B hiện giữ CDNN giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.11). Trước đây, giáo viên B đã có 3 năm công tác, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở vị trí việc làm giáo viên THCS, 2 năm giữ ngạch giáo viên THCS (mã số 15a.202) và có 2 năm giữ CDNN giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.12).

Sau khi trúng tuyển trong kỳ thăng hạng do địa phương tổ chức, giáo viên B được bổ nhiệm CDNN giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.11), tính đến hiện tại có 2 năm giữ hạng. Như vậy, giáo viên B có tổng thời gian giữ CDNN giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.12) và hạng II (mã số V.07.04.11) hoặc tương đương được 9 năm và đủ điều kiện để bổ nhiệm vào CDNN giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31).

Cũng theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, khi thực hiện chuyển hạng CDNN cho trường hợp chưa được bổ nhiệm CDNN đúng với cấp học đang giảng dạy hoặc thay đổi vị trí việc làm mà CDNN đang giữ không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm mới thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN của vị trí việc làm được chuyển.

Theo quy định, sau khi được bổ nhiệm, chuyển xếp CDNN, nếu giáo viên có nhu cầu đăng ký dự thi hoặc xét lên hạng CDNN cao hơn liền kề, phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.