Kho cổ vật của cô giáo mê sử

GD&TĐ - Từ năm 18 tuổi, Elizabeth Meaders (1933, Mỹ) đã dành nhiều thời gian và tiền bạc để sưu tầm các vật phẩm mang vết tích lịch sử của người Mỹ gốc Phi.

 Elizabeth Meaders (89 tuổi) và một góc phòng tư trưng bày bộ sưu tập hiện vật lịch sử Mỹ gốc Phi.
Elizabeth Meaders (89 tuổi) và một góc phòng tư trưng bày bộ sưu tập hiện vật lịch sử Mỹ gốc Phi.

Sau 70 năm, bà sở hữu khoảng 20 nghìn món đồ, ước tính trị giá lên đến cả chục triệu USD.

Giáo viên mê sử

Meaders là hậu thế của nô lệ châu Phi. Ông nội bà, William Morris, từng bị cưỡng bức lao động tàn tệ trên đảo Staten. Sau khi được giải thoát, ông đứng ra thành lập hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu – NAACP, mở trường THCS mang tên mình.

Từ nhỏ, Meaders đã được ông kể chuyện người Mỹ gốc Phi và yêu thích các hiện vật lịch sử. Lớn lên, Meaders say mê cầu thủ bóng chày Jackie Robinson (1919 – 1972), thường xuyên thu thập các vật phẩm liên quan đến Robinson.

Càng đi sâu tìm hiểu lịch sử Mỹ gốc Phi, Meaders càng chìm đắm. Suốt 39 năm làm giáo viên dạy sử ở cấp tiểu học và THCS, bà không ngừng tìm kiếm, thu thập và bảo quản các đồ vật chứa đựng lịch sử của tổ tiên.

Ngoài thu thập, Meaders còn tìm hiểu cặn kẽ câu chuyện đằng sau mỗi món đồ. “Đây là Bill Richmond”, bà giới thiệu khi chỉ tay vào bức tượng điêu khắc được làm từ thế kỷ XIX. Richmond cũng xuất thân từ Staten và từng là nô lệ.

Theo truyền thuyết kể trên đảo, ông có thân hình lực lưỡng, sức khỏe không ai bì. Khi Richmond bị 3 thủy quân Hoàng gia Anh gọi ra thách đấu, ông mạnh mẽ nhận lời và hạ gục cả 3, khiến họ bội phục, xin chủ nô trả tự do.

Richmond theo thủy quân Hoàng gia Anh tới Anh quốc, trở thành võ sĩ. Ông là huyền thoại quyền anh Mỹ gốc Phi đời đầu, từng thành lập học viện quyền anh và đại diện mở màn lễ đăng quang của George Đệ Tứ (1762 – 1830), nhưng lại bị lịch sử Mỹ chôn vùi, không mảy may nhớ đến. 

Bộ sưu tập “khủng”

Kho cổ vật của cô giáo mê sử ảnh 1
Một số hiện vật ấn tượng trong bộ sưu tập của Meaders.
Một số hiện vật ấn tượng trong bộ sưu tập của Meaders.

Tính đến nay, Meaders đã trải qua 7 thập kỷ sưu tập và lưu giữ lịch sử Mỹ gốc Phi. Trong ngôi nhà 3 tầng của bà trên đảo Staten, mọi không gian đều chất đầy các hiện vật. Chúng bao gồm từ tranh ảnh, áp phích, bảng hiệu đến tượng, huy chương, quân trang, kỷ vật…

Ngôi sao của bộ sưu tập này có lẽ là mặt nạ tử nhân của Marcus Garvey (1887 – 1940), nhà báo Jamaica nổi tiếng nhất nửa đầu thế kỷ XX. Tiếp đến là huy chương khen thưởng quân đội Mỹ gốc Phi do Thiếu tướng Quân đội Liên minh Benjamin F. Butler (1818 – 1893) đích thân trao tặng, yên ngựa của Cao bồi Bill Pickett (1870 – 1932), áp phích truy nã nhà chính trị Angela Davis (1944)…

“Hầu hết các bộ sưu tập tư nhân đều rất lộn xộn, rối rắm, nhưng riêng Meaders thì không”, Wyatt Day (phòng đấu giá Swann) đánh giá. Nhờ hiểu biết lịch sử, Meaders phân loại và trưng bày tại gia rất có hệ thống.

Kho cất giữ đầu tiên trong nhà Meaders là không gian kế phòng khách, chứa đựng các đồ vật thuộc lĩnh vực quân sự. Trên trần, Meaders treo lá cờ Đức Quốc xã cũ rách có chữ ký của các thành viên Tiểu đoàn Xe tăng 761 (toàn bộ là lính Mỹ gốc Phi). Trên bàn, bà xếp các hiện vật vũ khí.

Trong phòng “di sản nô lệ”, Meaders xếp đặt các hiện vật xiềng xích, roi, đồ gốm… liên quan. Ở tầng hầm, Meaders lưu trữ hiện vật chứa đựng “lịch sử đấu tranh giành nhân quyền cho và vì người da đen”. Bà cũng dành riêng một phòng cho các hiện vật ghi dấu văn hóa, văn nghệ Mỹ gốc Phi.

Tổng cộng, Meaders có khoảng 20 nghìn hiện vật và đây là một trong những bộ sưu tập Mỹ gốc Phi tư nhân lớn nhất. Chúng đủ để phản ánh bức tranh toàn cảnh về lịch sử của người gốc Phi ở Mỹ, khiến giới sưu tầm phải nể phục và các nhà đấu giá thèm thuồng. 

Tâm huyết trọn đời

Meaders bắt đầu sưu tập từ năm 18 tuổi, chỉ tập trung vào những gì ghi dấu vết người Mỹ gốc Phi.
Meaders bắt đầu sưu tập từ năm 18 tuổi, chỉ tập trung vào những gì ghi dấu vết người Mỹ gốc Phi.

Ngoài đam mê, Meaders còn sưu tầm vì mục đích cao cả: Lưu giữ những câu chuyện lịch sử chưa kể. Những năm làm giáo viên, bà nỗ lực tiết kiệm tiền lương, dùng nó mở rộng bộ sưu tập. Lúc quá túng thiếu, Meaders thế chấp bất động sản cho ngân hàng, mượn tiền duy trì.

Khi đã có trong tay kha khá các hiện vật, Meaders khéo léo kiếm thêm thu nhập nhờ trưng bày và cho mượn triển lãm. Bà dành thời gian rảnh rỗi cuối tuần dự các phiên đấu giá có mặt hàng mình kiếm, kiểm chứng và mua lại.

Ở tuổi 89, Meaders nghĩ đã đến lúc chia tay bộ sưu tập, bán cho người đáng tin cậy. Bà đặt ra điều kiện là phải mua nguyên cả bộ, từ chối bán lẻ từng hiện vật.

Từ năm 2009, bộ sưu tập của Meaders đã được thẩm định trị giá đáng 7,5 triệu USD. Năm 2010, có người đã trả đứt cho Meaders 5 triệu USD. Hiện, giá trị của bộ sưu tập có thể cao gấp nhiều lần.

“Nhìn vào bộ sưu tập của Meaders, tôi như thấy cuộc đời bà cố của mình – người sinh ra và bị bóc lột trọn kiếp vì là nô lệ trên đồn điền ở Mississippi” - Faye Wattleton, cựu giám đốc của tổ chức kế hoạch hóa gia đình Mỹ chia sẻ. Cũng như Meaders, Wattleton hy vọng bộ sưu tập không bị xé lẻ.

“Một số hiện vật của Meaders phơi bày khía cạnh xấu xí nhất của Mỹ, nhưng đó không phải thứ chúng ta nên giấu giếm mà phải nhìn thật kỹ, để không bao giờ tái lặp”, Wattleton nói.

Với tư cách và trải nghiệm của giáo viên dạy sử, Meaders phàn nàn tài liệu giáo dục Mỹ đã “lược bỏ phần lớn lịch sử Mỹ gốc Phi”. Bà xem bộ sưu tập của mình như công cụ giảng dạy và kỳ vọng nó sẽ được chuyển giao tới viện bảo tàng ở New York hoặc Thư viện Tổng thống Barack Obama tại Chicago.

Theo Smithsonianmag

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ