Kho báu nơi đại ngàn xứ Tuyên

GD&TĐ - Chúng tôi tìm về huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang để tận hưởng hương vị nguyên bản của chè Shan cổ thụ.

Những cô gái dân tộc Dao đỏ thu hái những búp chè cổ thụ một tôm, hai lá.
Những cô gái dân tộc Dao đỏ thu hái những búp chè cổ thụ một tôm, hai lá.

Thiên nhiên ban tặng cho huyện vùng cao Lâm Bình (Tuyên Quang) những dãy núi cao chót vót cùng với khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành với mây phủ, sương giăng.

Đây cũng là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển cây chè Shan tuyết quý hiếm. Những sợi trà “ngậm” sương, trên bề mặt phủ một lớp bạc óng ánh như tuyết kết tinh trong đó là bao khát vọng của người vùng cao nhằm đưa loại chè đặc sản thơm ngon bậc nhất này vươn xa tới mọi miền…

Việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị cũng đã được đề ra cụ thể ở dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Báu vật của đại ngàn

Cách Hà Nội gần 300km, trải qua những cung đường đèo, cua, uốn lượn, chúng tôi tìm về huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang để tận hưởng hương vị nguyên bản của chè Shan cổ thụ. Nơi đây, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, cảnh vật nên thơ cùng núi non trùng điệp, hùng vĩ bên sông nước hồ thủy điện tô điểm cho bức tranh thủy mạc hấp dẫn lòng người.

Hiện nay, tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang có trên 250 ha chè Shan thuộc địa phận xã Thổ Bình, trong đó có trên 25 ha là chè Shan cổ thụ trên 100 tuổi được trồng từ xa xưa. Chè được trồng trên độ cao 700 - 1.000m so với mực nước biển, với mật độ bình quân 2.000 - 2.500 cây/ha.

Đặt chân tới đất Lâm Bình vào chập tối, thưởng thức một ấm chè Shan Khau Mút chính hiệu giữa không gian bảng lảng sương khói, mây mù rồi cùng nghe những câu chuyện do các cụ già trong làng kể lại. Mọi thứ lại “tô điểm” cho những cây chè cổ thụ thêm hấp dẫn, mê mẩn và dẫn dụ chúng tôi tìm đến rừng chè cổ thụ nơi đây.

Thức dậy vào sáng sớm hôm sau, theo chân anh Trương Phúc Hưng, chủ của Hợp tác xã Chè Phúc Hưng ở thôn Bản Pước (xã Thổ Bình) vào thăm những cây chè Shan cổ thụ nằm sâu trong núi. Anh Hưng chia sẻ, nhà anh có khoảng 500m2 chè cổ thụ được các cụ trồng cách đây 100 - 200 năm.

Bên cạnh đó, từ năm 2007, 2008 khi được Nhà nước cho triển khai trồng chè Khau Mút theo dự án, diện tích trồng mới của gia đình anh là hơn 3 ha chè, thời điểm này anh và bà con đang thu hoạch.

“Thời điểm trước, từ trung tâm xã Thổ Bình đi lên đến “đại bản doanh” của chè cổ thụ phải mất hơn 3 tiếng leo rừng, nhưng từ khi được Nhà nước đầu tư làm con đường lên khu sản xuất chè Khau Mút, nên việc đi lại dễ dàng hơn, chỉ mất khoảng 40 phút là lên đến nơi rồi. Thời gian tới có thể bà con sẽ hái chè sau đó sẽ về sản xuất tại nhà”, anh Trương Phúc Hưng phấn khởi chia sẻ.

Dù đã dễ dàng hơn trong quá trình di chuyển đến gặp các cây chè cổ thụ bằng con đường mới, nhưng cả nhóm chúng tôi vẫn phải tiếp tục đi gần 3km đường đồi và băng qua con dốc lởm chởm đá mòn mới đến được nơi mình muốn đến. Giữa đại ngàn xanh, mỗi lá cây, ngọn cỏ nơi đây như được tắm trong mây mù. Lớp lớp các loài cây thân gỗ được khoác lên mình bộ áo rêu phong xanh mướt. Trước mắt chúng tôi hiện ra bạt ngàn những gốc chè cổ, ẩn hiện trong mây núi.

Len lỏi qua những thân chè phủ đầy địa y rêu mốc, chúng tôi dừng lại trước một cây chè với tán cây vươn dài ra hai phía, những cành chè mang dáng dấp của một bonsai khổng lồ, đẹp mê hồn. Phải ngẩng mỏi cổ mới nhìn thấy hết chiều dài của những thân cây chè đang mọc xen giữa những lớp cây cổ thụ cao vài chục mét.

Đứng bên thân cây chè cổ thụ, các cô gái Dao đỏ, tay thoăn thoắt hái những búp chè cổ thụ một tôm, hai lá vừa chia sẻ với chúng tôi lược sử cả trăm năm trước, cây chè Shan đã bén rễ, gắn bó với đời sống của bà con dân tộc nơi đây. Có những cây chè cổ thụ đã có tuổi đời gần 200 năm mọc xen lẫn trong rừng sâu, núi cao và xung quanh bản.

Nhìn những thân chè bằng mấy người ôm, được bao phủ bởi những lớp rêu mốc ngả màu theo thời gian, kèm theo đó, cảnh bà con phải bắc thang trèo lên ngọn mới hái được chè, mới thấy được sự công phu và tình yêu với rừng chè cổ mà ông cha xưa để lại.

Người dân nơi đây, mỗi lần đi rừng về, lại tụ tập dưới những gốc chè để thư giãn nghỉ ngơi, miệng ai cũng bỏm bẻm một vài lá chè tươi, cùng cảm nhận vị thanh mát chan chát của lá chè rừng…

Để hái được những búp chè non, người dân phải dùng thang được làm từ những cây tre già bắc lên những cành chè Shan cao tít.

Để hái được những búp chè non, người dân phải dùng thang được làm từ những cây tre già bắc lên những cành chè Shan cao tít.

Mở ra con đường kinh tế

Trước đây, cây chè Shan cổ thụ được bà con bản địa thu hái và chế biến bằng hình thức thủ công, sao chè bằng chảo, vò chè bằng chân, quãng đường vận chuyển chè từ trên núi xuống quá lâu khiến chè bị hấp hơi về đến nhà chè bị úng, khi chế biến thành chè khô pha nước uống không còn màu xanh nữa mà chuyển sang màu vàng đục, vị chát. Ngày nay đã có các lò chế biến chè được đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại hơn, giao thông thuận tiện hơn, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, giá bán ra thị trường được cao hơn.

Nhận thức được đây là một vùng nguyên liệu quý, mang lại sinh kế lâu dài với người dân, năm 2009, xã Thổ Bình đã triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ người dân trồng rừng phòng hộ của tỉnh Tuyên Quang. Diện tích chè tăng dần từ 50 ha lên trên 250 ha với mong muốn đưa sản phẩm này thành hàng hóa được chính quyền và những người dân tâm huyết với cây chè hiện thực hóa.

Đến năm 2013, vùng chè Shan được tỉnh Tuyên Quang quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa và được chứng nhận nhãn hiệu từ năm 2017. Chè cho thu hoạch rộ từ tháng 4, tháng 5 và cho thu kéo dài đến tháng 10.

Những cây chè Shan cổ thụ cao hàng chục mét và thân rộng cả vòng tay ôm không hết.

Những cây chè Shan cổ thụ cao hàng chục mét và thân rộng cả vòng tay ôm không hết.

Tại huyện Lâm Bình hiện có Hợp tác xã Đồng Tiến và Hợp tác xã Phúc Hưng đứng ra thu gom chè búp tươi của người dân, có thời điểm công suất chế biến lên đến 200 - 300 kg nguyên liệu/ngày. Mỗi năm, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ từ 4 đến 5 tấn chè khô bán ra thị trường, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Năm 2020, nhãn hiệu chè Shan Khau Mút được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận OCOP đạt 3 sao, có chứng nhận sử dụng mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Đến nay, sản phẩm chè Shan Khau Mút của xã Thổ Bình đang nhận được nhiều phản hồi tích cực nhờ bảo đảm an toàn thực phẩm do không sử dụng bất kỳ một loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật nào mà vẫn giữ được hương vị chè Shan đặc trưng.

Cây chè Shan giờ đã trở thành nguồn sinh kế của bà con và là sản phẩm đặc trưng của xã Thổ Bình. Ở độ cao nghìn mét, giữa trưa hè, từng đụn mây bỗng dâng lên, chậm rãi rồi dào dạt như khoác lên miền “cổ tích chè” Shan nơi đây một tấm áo kỳ lạ.

Lẫn trong màu xanh ngút ngàn, thấp thoáng bóng dáng những chàng trai, cô gái người Dao đỏ, người Tày cõng trên lưng gùi chè tươi vội vã về nhà, trong đó, họ cảm nhận rất rõ của sự ấm no…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ