Trước tình hình này, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH và TTĐT) đã yêu cầu Google - đơn vị chủ quản mạng xã hội video YouTube có hành động cụ thể với các clip hướng dẫn tự sát.
Theo đó, Cục yêu cầu Google gỡ bỏ và tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt để các clip có nội dung độc hại trên không để các video tương tự tiếp tục xuất hiện trên YouTube.
Trả lời báo chí, ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục PTTH và TTĐT cho biết, Cục mong muốn người dùng Việt Nam được bảo vệ tuyệt đối trên mạng Internet, đặc biệt là trẻ em.
"Khi phát hiện những trường hợp tương tự, người dùng có thể phản ánh đến Cục thông qua đường dây nóng", ông Tự Do nói thêm.
Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu phía Google có bộ lọc, chặn những nội dung hướng dẫn tự sát này xuất hiện trên YouTube thay vì chờ gỡ.
Cuối tháng 2, cảnh sát và trường học tại Anh đã cảnh báo các bậc phụ huynh về những video xuất hiện trên YouTube Kids hướng dẫn trẻ em cách làm hại bản thân.
Một trong số những nội dung này là "Thử thách Momo". Thử thách này được cho là trào lưu đến từ Anh. Cụ thể, một người phụ nữ đầu người mình gà với mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi sẽ hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân.
Trào lưu này bắt đầu từ cuối tháng 8/2018. Thế nhưng gần đây, Momo xuất hiện ẩn bên trong các video hoạt hình nổi tiếng dành cho trẻ em như Fortnight, Peppa Pig. Thậm chí, một số bậc phụ huynh phát hiện Momo còn hiển thị trên ứng dụng xem video an toàn cho trẻ em YouTube Kids.
Ở đoạn giữa nội dung phim hoạt hình Peppa Pig, hình ảnh Momo xuất hiện và yêu cầu chú heo này tự sát. Những cảnh kinh dị này chỉ xuất hiện thoáng qua trong video vì vậy rất khó để các bậc cha mẹ và cả YouTube phát hiện.
Cách duy nhất để kiểm soát vấn đề này là coi YouTube cùng con.
Tác phẩm nghệ thuật mang tên "Chim mẹ" của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa, từng được trưng bày vào năm 2016 tại Phòng triển lãm Vanilla ở thành phố Tokyo |
Hiện nhiều bậc phụ huynh tại Việt Nam cũng bắt đầu ý thức mối nguy hại này. Những bài chia sẻ cảnh báo về Momo nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng các ông bố bà mẹ trên mạng xã hội.
Được biết, đây là tác phẩm nghệ thuật mang tên "Chim mẹ" của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa, từng được trưng bày vào năm 2016 tại Phòng triển lãm Vanilla ở thành phố Tokyo.
Trái với mục đích ban đầu, hình ảnh này lại bị kẻ xấu sử dụng cho mục đích tiêu cực, khiến các nạn nhân nhỏ tuổi bị trầm cảm hoặc tệ hơn là tự kết liễu đời mình.
Từ tháng 8/2018, trào lưu nhắn tin cho Momo thông qua ứng dụng Messenger hoặc WhatApps bắt đầu rộ lên ở một vài quốc gia khu vực Mỹ Latin như Argentina, Mexico, Mỹ, Pháp, Đức…
Sau khi kết nối với Momo bằng một số điện thoại được cung cấp, người dùng sẽ nhận được nhiều hình ảnh bạo lực và thử thách buộc họ phải thực hiện những hành động có thể gây hại cho bản thân, kèm theo đó là lời đe dọa bị trừng phạt nếu như không tuân theo lời yêu cầu.
Đối tượng mà thử thách Momo nhắm đến là giới trẻ, đặc biệt là trẻ em, những người có vấn đề tâm lý như trầm cảm, căng thẳng, có thể dễ dàng làm theo những lời xúi giục điên rồ.
Ám ảnh tinh thần, xúi giục trẻ tự sát, thử thách Momo là gì mà khiến các bậc phụ huynh lo sốt vó, sợ con mình trở thành nạn nhân. |
Thử thách Momo được cho là hậu duệ của trò chơi nguy hiểm "Cá voi xanh", trào lưu từng làm 130 thanh niên tại Nga thiệt mạng vì làm theo các thử thách.
Tại các quốc gia Argentina, Brazil, Canada và Colombia đã nhận được rất nhiều báo cáo về các vụ thiệt mạng liên quan đến thử thách Momo. Không ít bà mẹ cũng lên tiếng cảnh báo sau khi phát hiện con mình nghe theo thử thách Momo và thực hiện hàng loạt thử thách điên rồ như cạo trọc đầu, cầm dao tự cứa cổ…
Lần trở lại này, thử thách Momo đã nâng sự nguy hiểm của mình lên tầm cao mới, đe dọa cuộc sống tinh thần và tính mạng của trẻ em. Youtube Kids hiện đang là ứng dụng phổ biến với khán giả nhỏ tuổi trên khắp thế giới. Vậy, các bậc phụ huynh hãy đặc biệt lưu ý để bảo vệ con mình trước nguy cơ trở thành nạn nhân của thử thách Momo.