Trước đó ít ngày, nhóm các nước lớn châu Âu cũng lần đầu tiên gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối các yêu sách của Bắc Kinh.
Trong bài phát biểu qua video trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhà lãnh đạo Philippines đã đề cập đến phán quyết do Tòa Trọng tài Thường trực The Hague, Hà Lan, đưa ra năm 2016 trong đó bác bỏ yêu sách về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây được coi là chiến thắng pháp lý quan trọng của Philippines khi trực tiếp đứng đơn kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Sau 4 năm kể từ sự kiện lịch sử này, ông Duterte khẳng định trước Liên Hợp Quốc rằng phán quyết năm 2016 giờ đã là một phần của luật pháp quốc tế và Philippines bác bỏ mọi nỗ lực làm suy yếu phán quyết này từ bất cứ quốc gia nào.
Đây là động thái bất ngờ của nhà lãnh đạo Philippines và nhận được sự ủng hộ của nhiều chính trị gia trong nước. Cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario còn kêu gọi ông Duterte đi xa hơn nữa, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với phán quyết về Biển Đông.
Dù không công kích trực diện vào Trung Quốc trong bài phát biểu, nhưng giới phân tích nhận định có thể đây là một tín hiệu cho thấy “gió đã đổi chiều” trong chính sách đối ngoại của Philippines với Bắc Kinh. Đây cũng không phải động thái chính trị đơn độc mà là một phần trong các diễn biến của cộng đồng quốc tế nhằm vào Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông những tuần gần đây.
Đặc biệt hôm 16/9 vừa qua, nhóm 3 nước châu Âu là Anh, Pháp và Đức đã gửi một công hàm chung lên Liên Hợp Quốc để phản bác những yêu sách phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Các nước này khẳng định Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển. Do đó các yêu sách đòi quyền kiểm soát phần lớn Biển Đông của Trung Quốc là “vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS”.
Với tầm ảnh hưởng của 3 nước trên và việc tất cả đều là thành viên của UNCLOS, công hàm gửi Liên Hợp Quốc này được đánh giá là có ý nghĩa lớn đối với sự ổn định của khu vực.
Động thái này cũng cho thấy châu Âu ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề Biển Đông và lo lắng đối với chính sách của Trung Quốc. Giới phân tích nhận định các nước châu Âu sẽ không dừng tại đây mà sẽ tiếp tục thúc đẩy quan điểm trong công hàm tại các diễn đàn quốc tế khác.
Trước đó, Mỹ dù không phải thành viên của UNCLOS cũng liên tiếp gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Mạnh mẽ nhất là hồi tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo công bố quan điểm của chính phủ Mỹ bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông khẳng định các tuyên bố của Trung Quốc đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp”.
Đây được coi là đỉnh điểm trong chính sách đối ngoại cứng rắn của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Một loạt nước khác như Canada, New Zealand và Nhật Bản cũng đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề Biển Đông, nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải tại khu vực này.
Chuỗi sự kiện này đã tạo thành một xu hướng quốc tế hóa rõ ràng về vấn đề Biển Đông, điều mà Trung Quốc không hề muốn khi đưa ra các yêu sách phi lý tại vùng biển này.