Mỹ “nắn gân” Trung Quốc trên Biển Đông

GD&TĐ - Hôm 26/8, Mỹ lần đầu tiên ra thông báo trừng phạt các công ty và cá nhân Trung Quốc vì có liên quan đến hoạt động xây dựng và quân sự hóa trên Biển Đông.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh khu vực biển này đang nóng lên do cuộc tập trận phi pháp của Bắc Kinh.

Bộ Thương mại Mỹ nêu đích danh 24 công ty Trung Quốc bị trừng phạt bằng cách cấm mua các sản phẩm công nghệ nhạy cảm có khả năng sử dụng cho mục đích quân sự hoặc gây rủi ro an ninh quốc gia Mỹ. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố áp lệnh cấm nhập cảnh đối với một số cá nhân Trung Quốc bị cáo buộc chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với hoạt động quân sự hóa tại các đảo nhân tạo trên Biển Đông. 

Trước đó, Mỹ từng trừng phạt các công ty Trung Quốc liên quan đến cáo buộc tranh chấp thương mại, nhưng đây là lần đầu tiên họ mở rộng danh sách tới các công ty liên quan đến hoạt động xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở Biển Đông. Sự kiện này đánh dấu một mốc mới trong chính sách của Mỹ đối với khu vực, sau một loạt động thái chưa từng thấy trước đó như Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố các yêu sách của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông là “hoàn toàn phi pháp”.

Bước đi của Washington được đưa ra trong bối cảnh khu vực Biển Đông đang nóng lên khi Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, từ ngày 24 - 30/8. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và yêu cầu Bắc Kinh hủy cuộc tập trận.

Giữa lúc Trung Quốc đang thực hiện cuộc diễn tập bắn đạn thật bị phản đối nói trên, Mỹ đã điều máy bay do thám U-2 tới khu vực này. Bắc Kinh lập tức cáo buộc Washington vi phạm quy tắc an toàn, trong khi Mỹ phản bác rằng máy bay do thám của họ làm nhiệm vụ trong khuôn khổ luật pháp quốc tế cho phép và sẽ tiếp tục hoạt động này.

Giới phân tích cho rằng, việc Mỹ điều máy bay do thám bay thẳng vào vùng cấm bay do Trung Quốc lập ra mang nhiều thông điệp chính trị mạnh mẽ. Trong đó, Washington có hàm ý công khai bác bỏ các luật chơi mà Bắc Kinh tự ý xây dựng trong khu vực. Phía Bắc Kinh cũng chưa có dấu hiệu xuống nước khi cho phóng 2 quả lên lửa tầm trung ra Biển Đông, chỉ một ngày sau vụ máy bay U-2 của Mỹ xuất hiện tại đây.

Trong khi đó, quân đội Mỹ đang ngày càng gia tăng hiện sự diện tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Nước này có ít nhất 38 tàu chiến ở các vùng biển châu Á và theo lời Tư lệnh Hạm đội 3 hải quân Mỹ là nhằm “sẵn sàng đối phó với mọi mối đe dọa với các đồng minh và đối tác”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 26/8 còn tuyên bố thẳng thắn rằng, Washington “có trách nhiệm dẫn đầu ở Thái Bình Dương và không nhượng bộ đối với bất cứ quốc gia nào”.

Những động thái dồn dập gần đây cho thấy mối quan tâm của Mỹ đối với khu vực Biển Đông không còn đơn thuần là những tuyên bố chính trị như trước đây, mà bắt đầu có những hành động cụ thể và cứng rắn một cách hiếm thấy. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper giải thích ngắn gọn cho các hoạt động này là nhằm đưa Trung Quốc “trở lại với quỹ đạo phù hợp hơn dựa trên luật lệ quốc tế”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ