Khi tri thức bị đánh cắp

GD&TĐ - Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng trí thức đi ăn cắp là điều rất khó hiểu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sau loạt bài phản ánh của Báo Giáo dục và Thời đại xung quanh cuốn sách “Phê bình phân tâm học - Phía của những ám ảnh nghệ thuật”, ngày 30/3 Hội Nhà văn Việt Nam quyết định tạm thời thu hồi giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 đối với tác phẩm này của TS Vũ Thị Trang.

Theo Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, việc tạm thu hồi giải thưởng là để “bảo đảm tính trong sáng, khách quan, nghiêm minh trong hệ thống giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, cũng như xét các yếu tố liên quan đến quy chế và uy tín của giải thưởng”.

Hội Nhà văn Việt Nam “sẽ tham khảo và đưa ra quyết định tiếp theo phù hợp với trách nhiệm và nghĩa vụ của mình”, khi có kết luận chính thức từ phía các cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề bản quyền cuốn sách nói trên.

“Năm 2021, giải thưởng được công bố lần đầu với 5 tác phẩm ở bốn hạng mục gồm: Văn xuôi, thơ, nghiên cứu lý luận phê bình và dịch văn học. Kết quả giải thưởng đã được đa số dư luận bạn đọc cũng như các nhà chuyên môn đánh giá tốt”, thông báo của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

TS Vũ Thị Trang là 1 trong 5 tác giả được trao giải thưởng ở mùa đầu tiên của giải thưởng Tác giả trẻ. Đây được xem là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam có quyết định tạm thu hồi giải thưởng đã trao.

Nhân chuyện cuốn sách của tác giả Vũ Thị Trang, lại nhớ lời ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản phát biểu trong hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2022. Ông nói: “Chất lượng sách chưa cao, vẫn còn xuất hiện nhiều sách vô bổ, nội dung sai sót, ít sách có giá trị cao, có sức lan tỏa…”.

“Nội dung sai sót” là một trong những vấn nạn dễ thấy trong hoạt động xuất bản ở Việt Nam. Mới đây, NXB Hà Nội ra công văn thu hồi các sách đã phát hành để đính chính, sửa chữa sai sót - liên quan đến bài viết về Đại tướng Lê Trọng Tấn, nhưng nhầm ảnh Thiếu tướng Võ Bẩm.

Nhầm là bởi sự hạn chế, nhưng ăn cắp tri thức lại là cố ý. Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, “ăn cắp tri thức là hành động đáng sợ nhất” và “anh không thể lấy cái của người khác làm cái của mình, mang tên mình, đặc biệt là trong sáng tạo văn học nghệ thuật thì càng ghê gớm”.

Đáng sợ nhưng lại không hiếm sách vi phạm bản quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ khi sách được phát hành, hay được giải thưởng lớn thì “cái kim trong bọc” mới bị… lộ.

Như sách của TS Vũ Thị Trang là một ví dụ. Sách qua mặt được NXB, qua mặt được cả Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương… để nhận giải thưởng cao quý.

Như vậy có thể thấy hệ thống “màng lọc” phát hiện sách vi phạm bản quyền đang rất yếu. Nhưng yếu hơn nữa là tư cách đạo đức của một bộ phận trí thức, muốn khẳng định mình qua các tác phẩm đi “mượn”.

Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng trí thức đi ăn cắp là điều rất khó hiểu. Tuy nhiên, chúng ta không thể ngồi chờ kẻ cắp “giác ngộ”, mà cần phải có chế tài để không ai dám ăn cắp và không ai còn muốn mình trở thành kẻ cắp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.