Sách của Vũ Thị Trang bị tố vi phạm tác quyền

GD&TĐ - Nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn, nhưng cuốn sách “Phê bình phân tâm học: Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của tác giả Vũ Thị Trang lại bị tố vi phạm quyền tác giả.

Đoạn trả lời phỏng vấn báo chí của TS Đỗ Hải Ninh (6/2018) đối chiếu với một số đoạn trong sách của tác giả Vũ Thị Trang.
Đoạn trả lời phỏng vấn báo chí của TS Đỗ Hải Ninh (6/2018) đối chiếu với một số đoạn trong sách của tác giả Vũ Thị Trang.

Người tố cáo là TS Đỗ Hải Ninh - Trưởng phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học. Đây là cuốn sách được tặng thưởng của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật dành cho các tác phẩm Lý luận phê bình văn học nghệ thuật (xuất bản năm 2020), và nhận giải Tác giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ I, năm 2021.

Trích dẫn không xin phép

TS Đỗ Hải Ninh cho biết, tháng 1/2022 chị tiếp cận được cuốn sách “Phê bình phân tâm học: Phía của những ám ảnh nghệ thuật” của tác giả Vũ Thị Trang. Khi đọc đến Phần III “Ám ảnh tự do - xung đột giữa những cái tôi trong tự truyện Việt Nam đương đại” (tr.199 - tr. 272) thì chị “tá hỏa” vì trong phần này – tác giả Vũ Thị Trang đã lấy rất nhiều kết quả nghiên cứu của chị trong đề tài cấp Bộ “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học” nghiệm thu năm 2019 mà không hề chú thích hay xin phép.

TS Đỗ Hải Ninh cho hay, trước đó từ tháng 11/2017, chị nhận được email của tác giả Vũ Thị Trang mời tham gia đề tài cấp Bộ “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học” do tác giả này làm chủ nhiệm.

Ngoài chị Ninh, còn có các thành viên khác tham gia, như: Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Mạnh Tiến, Nông Thị Nhung, Nguyễn Thị Hồng Hạnh. Đơn vị tổ chức chủ trì đề tài là Học viện Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Tháng 7/2018, chị Ninh gửi tác giả Vũ Thị Trang 2 nội dung thanh toán theo như Thuyết minh và dự toán kinh phí. Sau đó, để hướng tới mục tiêu xuất bản chuyên luận mà tác giả đề ra, chị đã suy nghĩ và góp ý điều chỉnh về nội dung chương 2 cho phù hợp với mục tiêu khoa học cũng như cấu trúc tổng thể của đề tài.

“Tác giả Vũ Thị Trang đã gửi email nhờ tôi viết phần này và khẳng định là xong đề tài sẽ in một cuốn chuyên khảo “phần ai viết thực chất vẫn để đúng tên người ấy. Phần kinh phí thì trừ kinh phí ngoài và các tọa đàm sẽ chia 3 đúng như dự kiến ban đầu”. Tôi viết toàn bộ phần “Tự truyện Việt Nam đương đại nhìn từ phê bình phân tâm học” và đã gửi cho Trang”, TS Đỗ Hải Ninh cho biết.

Sau đó, tác giả Vũ Thị Trang đã đưa toàn bộ phần này vào chương 2 của báo cáo tổng hợp để đưa nghiệm thu cấp Học viện Khoa học Xã hội.

Sau khi nghiệm thu đề tài cấp học viện, chị Ninh đã tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa và liên tiếp gửi lại cho tác giả Vũ Thị Trang các bản bổ sung, chỉnh sửa để nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội. 

Đổi tên, đảo đoạn và thêm thắt

Cuốn sách đang gây ồn ào trong giới học thuật vì liên quan quyền tác giả.

Cuốn sách đang gây ồn ào trong giới học thuật vì liên quan quyền tác giả.  

Ngày 15/3 trao đổi với Báo GD&TĐ, TS Vũ Thị Trang cho rằng, đây là việc cá nhân của chị Ninh."Tôi hoàn toàn theo ý kiến của Viện Hàn lâm. Giấy tờ hồ sơ đề tài cấp Bộ đều được lưu trữ. Khi tôi mời chị Ninh có hợp đồng, có thanh lý, có đề cương. Chị Ninh nói tôi không xin phép là không đúng. Cuốn sách không phải toàn bộ đề tài cấp Bộ, một nửa cuốn sách là luận án tiến sĩ của tôi", TS Vũ Thị Trang nói.

TS Đỗ Hải Ninh khẳng định: Trong Báo cáo tổng hợp của đề tài “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học” khi đưa ra nghiệm thu tại Hội đồng cấp Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, dù tác giả Vũ Thị Trang có điều chỉnh tên các mục, viết thêm vài đoạn nhưng nội dung cơ bản của chương 2 “Tự truyện Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học” là do mình viết.

Sau khi nghiệm thu đề tài, tác giả Vũ Thị Trang đã đưa công trình tập thể này in tại Nhà xuất bản Khoa học xã hội với tên sách là “Phê bình phân tâm học: Phía của những ám ảnh nghệ thuật”. Tuy nhiên, sách chỉ đề tên Vũ Thị Trang là tác giả trên bìa.

TS Đỗ Hải Ninh đưa ra dẫn chứng: “Chương 2 tôi viết trong đề tài đã bị đổi tên khác, đảo vị trí các đoạn văn và thêm thắt một số đoạn mà không hề xin phép và gửi lại văn bản để tôi xem. Nội dung cơ bản vẫn là những phần tôi đã viết, trong đó có đoạn tôi đã công bố trên tạp chí”.

Đáng chú ý, chị Ninh cho hay - Cả cuốn sách tác giả Vũ Thị Trang không hề có một dòng chú thích về việc lấy phần viết của chị trong đề tài cấp Bộ đưa vào sách cá nhân. Tác giả đã lấy hơn 40 đoạn văn (khoảng hơn 11.700 chữ) từ chương 2 mà chị đã viết trong đề tài cấp Bộ, có đoạn dài tới 2 - 3 trang.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, TS Đỗ Hải Ninh cho hay: “Khi tiếp cận được sách và phát hiện vấn đề, tôi đã gửi các kiến nghị lên Học viện Khoa học Xã hội, đề nghị xem xét giải quyết vấn đề vi phạm quyền tác giả”.

Ngày 27/1, Học viện Khoa học Xã hội có công văn trả lời, cho rằng TS Đỗ Hải Ninh đã không thực hiện toàn bộ chương 2 của đề tài “Tự truyện và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ phê bình phân tâm học” mà chỉ thực hiện 2 nội dung.

“Việc kiến nghị TS Vũ Thị Trang vi phạm bản quyền tác giả do sử dụng phần viết của TS Đỗ Hải Ninh… cần phải có minh chứng rõ ràng, xác thực và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quyền tác giả” – Công văn do PGS.TS Bùi Nguyên Khánh, Phó Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội nêu rõ.

Ngày 21/2, TS Đỗ Hải Ninh đã làm đơn kiến nghị lần 2, nhấn mạnh toàn bộ chương 2 do chị viết và là tác giả. “Đây là phần viết tôi rất tâm huyết và là kết quả nghiên cứu của riêng tôi. Được đúc kết từ quá trình tôi nghiên cứu về tiểu thuyết tự truyện và tự truyện Việt Nam đương đại hơn 10 năm nay”, TS Đỗ Hải Ninh nhấn mạnh.

Tuy nhiên đến thời điểm này, TS Đỗ Hải Ninh cho biết chưa nhận được phản hồi tiếp theo của Học viện Khoa học Xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ