Các nguyên thủ gồm nhiều thủ tướng, một nhà vua, một hoàng tử và ca sĩ Madonna đã quyên góp được 8 tỷ USD. Tổng thống Trump bỏ qua cơ hội đóng góp này, trong khi ông vẫn nhấn mạnh rằng Mỹ đang rót hàng tỷ USD vào các nỗ lực nghiên cứu của nước này.
Một hội nghị gây quỹ do EU tổ chức đã kết nối nhiều nước trên thế giới - từ Nhật Bản đến Canada, Australia đến Na Uy - để tài trợ cho các phòng thí nghiệm có triển vọng hàng đầu trong việc phát triển và sản xuất vắcxin. Các nhà lãnh đạo toàn cầu đã đưa ra các đề nghị đóng góp từ quốc gia của mình, tùy theo điều kiện của từng nước, không phân biệt ít hay nhiều như Romania đóng góp 200.000 USD trong khi Canada 850 triệu USD…
Đây là một chương trình hiếm hoi mang tính toàn cầu do châu Âu tổ chức. Thực tế, để giải quyết đại dịch, các quốc gia trên thế giới đã và đang theo đuổi nhiều phương pháp khác nhau, và thường mang tính cạnh tranh. Liên minh châu Âu gây ấn tượng với nỗ lực gây quỹ toàn cầu, ngoài ra khối này đấu tranh để 27 thành viên của mình có sự tương đồng nhất định về các biện pháp y tế, du lịch và tài chính để đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19.
Ủy ban châu Âu, cơ quan của Liên minh châu Âu cho biết, số tiền này sẽ được sử dụng trong hai năm tới để hỗ trợ các sáng kiến đầy triển vọng khác trên toàn cầu. Mục tiêu cuối cùng là giúp người dân có thể tiếp cận các loại thuốc phòng chống Covid-19 với giá cả phải chăng. Trong bối cảnh các nhà khoa học thế giới chạy đua trong việc phát triển vắcxin ngăn chặn virus đã tàn phá hầu hết các khu vực trên toàn cầu, khiến 250.000 người thiệt mạng, nỗ lực đa phương này trái ngược hoàn toàn với con đường đơn độc của Mỹ.
Đầu tháng 3, các quan chức chính phủ Đức cho biết, họ tin rằng ông Trump đã cố gắng lôi kéo CureVac, một công ty có trụ sở ở Tây Nam nước Đức đang nghiên cứu vắcxin, chuyển nghiên cứu họ sang Mỹ. Mặc dù, công ty này phủ nhận thông tin này, nhưng tin tức này cũng đủ sức mạnh thúc đẩy Ủy ban châu Âu cam kết chi thêm 85 triệu USD cho công ty, trong khi CureVac vốn đã được hỗ trợ từ một tập đoàn vắcxin châu Âu.
Các quan chức cấp cao của chính quyền Trump luôn nhắc đến những đóng góp của Mỹ cho các nỗ lực phát triển vắcxin phòng Coronavirus trên toàn thế giới, chẳng hạn như nỗ lực tạo ra các bộ dữ liệu khoa học có sẵn cho đến nay đã được tải xuống hơn 54.000 lần, hay việc chia sẻ thông tin từ ít nhất 30 dự án nghiên cứu hiện tại để phát triển vắcxin.
Tuy nhiên, họ không giải thích gì về sự vắng mặt của Mỹ tại hội nghị nói trên, mà chỉ nhấn mạnh số tiền mà chính phủ Mỹ đã chi cho nghiên cứu và phát triển vắcxin, bao gồm 2,6 tỷ USD thông qua Cơ quan nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến thuộc Bộ Dịch vụ y tế và con người. Jim Richardson, Giám đốc hỗ trợ nước ngoài của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết, các công ty Mỹ cũng đã cung cấp 7 tỷ USD cho việc nghiên cứu vắcxin và điều trị.
Đáng chú ý, người gây quỹ bao gồm những người và tổ chức đã nảy sinh xích mích với ông Trump và chính quyền của ông về việc xử lý đại dịch, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới và Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus; vợ chồng tỷ phú Bill Gates quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates.
Cùng tham gia vào chương trình gây quỹ của châu Âu còn có các đồng minh chủ chốt của Mỹ như Ả-rập Xê-út và Vương quốc Anh, cũng như Canada và Mexico.
Những người đóng góp lớn nhất là Liên minh châu Âu và Na Uy, với mỗi bên cam kết một tỷ euro, tương đương 1,1 tỷ USD.