Bắt học sinh viết cam kết “tự xử”
Đồng nghiệp cho biết trước đây đã có cô giáo cho học sinh viết bản cam kết “tự xử” với nội dung tự chịu hình phạt do mình đề xuất nếu vi phạm những điều cô đưa ra như: nói chuyện trong giờ học, không học thuộc bài, khi phát biểu không đứng lên, đi muộn, nghỉ không xin phép, trang phục không đúng quy định… Bản cam kết “tự xử” này đưa xuống, các em tự đưa ra nhiều hình thức chịu phạt như: quỳ gối suốt tiết, tự vả miệng nhiều cái, thụt dầu 50 lần, hít đất 20 cái…
Cô giáo hài lòng vì có thể bào chữa rằng cô không vướng vào quy định cấm xúc phạm thân thể, nhân phẩm học sinh mà vẫn phạt học sinh được. Rằng đây là các em “tự xử” theo cam kết. Cô cũng tỏ ra dân chủ cho học sinh biểu quyết chọn lựa trong 2 hình thức trừng phạt: hít đất hay thụt dầu. Cuối cùng cả lớp chọn: nếu vi phạm quy định của cô, học sinh sẽ phải thụt dầu - hai tay nắm lấy hai vành tai, đứng lên ngồi xuống vài chục lần tùy mức độ do cô định. Thật ra, việc học sinh có nói chuyện riêng trong giờ học cũng là bình thường.
Nếu làm ảnh hưởng việc tiếp thu của cá nhân và của các bạn, thầy cô có thể nhắc nhở chứ không thể tùy tiện phạt các em. Chưa kể có thể nguyên nhân làm các em không tập trung là bài giảng của thầy cô không gây hứng thú cho HS, các em chán nản không thích học nữa. Chưa kể nói là “tự xử” nhưng thực chất là cô đã ép học sinh phải kí tên tự nhận hình phạt vì cô đâu chịu áp dụng hình thức nhắc nhở, phê bình, bản cam kết này do cô soạn sẵn, đưa tận tay từng em. Học sinh nào dám không ký.
Phê sổ với kết luận nặng nề
Trong giáo dục học sinh có thầy cô dùng biện pháp trấn áp học sinh bằng cách phê vào sổ bằng những kết luận nặng nề như: vô lễ với giáo viên, thách thức thầy cô… mỗi khi các em chưa ứng xử đúng mực với thầy cô. Thầy cô chủ nhiệm nhìn thấy, căn cứ vào đấy mà đánh giá hạnh hiểm học sinh hay thông báo về gia đình. Lẽ ra, thầy cô phải độ lượng, kiên nhẫn và chân tình chỉ ra cái sai của học sinh và nếu cần thiết sẽ nghiêm khắc phê bình giúp các em nhận thức tốt, biết sửa chữa, cả lớp rút ra được bài học rèn luyện cho từng em…, trái lại thầy cô chỉ biết thỏa mãn tự ái của mình muốn khẳng định quyền lực của mình.
Học sinh vì vậy ngày càng xa cách, mất lòng tin thầy cô trong khi ngành Giáo dục kêu gọi xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực từ nhiều năm qua. “Sáng kiến” ấy được một số giáo viên áp dụng xem như lá bùa hộ thân vì họ nghĩ rằng người thầy không trực tiếp tác động đến thân thể học sinh! Mãi cho đến khi có một thầy giáo quá hưng phấn đã yêu cầu một học sinh thụt dầu 1.000 lần vì tội không thuộc bài, không làm bài tập thầy giao.
Học sinh này ốm yếu, nhỏ con dù đang học lớp 9. Không hiểu được vì sao em thực hiện được đến lần 750 mới xin thầy cho ngưng lại vì chịu hết xiết, phần còn lại em xin trả nợ vào tiết sau. Thầy đồng ý với điều kiện vì thiếu nợ nên tiết sau, học sinh này phải thụt cho đủ 500 lần chứ không phải 250. Đúng như lời thầy đã nói, tiết học sau đó, học sinh này phải thực hiện đúng con số 500 lượt đứng lên ngồi xuống như vậy.
Thầy hả hê vì đã phạt được một học sinh “bất trị”. Lớp kinh hoàng vì hình phạt của thầy. Cứ đến tiết thầy, em nào, em nấy sợ như gặp cọp, còn đâu là thân thiện. Học sinh này sau lần “tự xử” ấy đã phải nghỉ học mấy ngày vì đau nhức toàn thân, gia đình phải mua thuốc cho em uống. Em vẫn không nói lý do nên gia đình cứ ngỡ em bệnh. Mãi tháng sau, em lại vi phạm quy định về học tập do thầy đề ra, sợ chịu không nổi hình phạt, em bỏ học. Gia đình gặng hỏi mãi mới biết sự thật, đòi làm lớn chuyện. Nhà trường và giáo viên phải tốn công dàn xếp mọi việc mới êm. Thế nhưng vẫn còn giáo viên khác chống chế: 1.000 thì quá nhưng 100 thì được!
GD khởi đầu từ yêu thương |
Đuổi học sinh ra khỏi lớp
Rồi có giáo viên thấy có học sinh vi phạm nội quy, ồn ào trong lớp, không ghi chép bài…, nhắc nhở nhiều lần không được nên cứ đến giờ là đuổi học sinh này ra ngoài, không cho ngồi trong lớp. Có trường hợp giáo viên đưa các em này lên văn phòng phạt đứng suốt tiết để rồi không giúp các em sửa đổi được gì. Có giáo viên chọn phương pháp bắt viết tự kiểm, cứ vi phạm là viết, không nghĩ rằng viết tự kiểm mãi học sinh đâm nhàn, không phấn đấu tiến bộ nữa mà cũng chẳng sợ kỷ luật.
Tìm hiểu mới biết được các em này phần lớn sống trong một gia đình có hoàn cảnh phức tạp, đáng thương. Cha mẹ thường đã li dị hay do kiếm sống phải đi xa, gởi con cho ông bà lo. Em nào còn sống với cha mẹ thì cả ngày cha mẹ không trò chuyện với con được năm phút nói chi dạy dỗ, quan tâm đến việc học tập, rèn luyện đạo đức của con vì đã quá mệt mỏi sau một ngày lao động.
Các năm học trước, để cho yên mọi bề, không ảnh hưởng đến thành tích cá nhân và của lớp, thầy cô buông xuôi, không quan tâm dạy bảo mặc cho các em ngày càng lún sâu trong sai sót. Cuối năm, các em này vẫn được xếp loại hạnh kiểm ở mức khá, tốt. Các em vì thế chưa ngoan, chưa học tốt được. Một số hành vi, lời nói của các em có sai trái là điều dễ hiểu. Nếu người thầy độ lượng, quan tâm, thương yêu, cảm thông với cuộc sống các em, chắc chắn sẽ có cách giúp học sinh sửa sai, tiến bộ. Đằng này, học sinh nhìn thấy thầy cô là nhìn thấy hình phạt thì còn gì gần gũi, thương yêu nữa (?)
Giáo dục phải khởi đầu từ yêu thương
Hiện nay, nhà trường đang thực hiện giáo dục học sinh sai phạm bằng hình thức kỷ luật tích cực. Kỷ luật nhưng không phải là trừng phạt học sinh. Trên hết là tạo sự thay đổi trong nhận thức từng học sinh về tự đánh giá hành vi và hình thức điều chỉnh cho phù hợp nội quy, pháp luật.
Khi kỷ luật học sinh, người thầy không thể bỏ qua cảm xúc với các em. Các em phải hiểu được thầy cô cũng đau lòng, luôn mong muốn và tạo điều kiện để các em khắc phục khuyết điểm. Các em tin tưởng thầy cô không thành kiến vì những sai lầm của mình… Cụ thể, ban giám hiệu cần nhắc nhở thầy cô không được đuổi học sinh khỏi lớp, cần thiết, thầy cô phối hợp với giáo viên phụ trách nề nếp, tổng phụ trách Đội và phụ huynh uốn nắn các em. Các hình thức xử phạt không được làm tổn hại thân thể, tinh thần học học sinh, việc “tự xử” không được chấp nhận.
Những việc đáng tiếc gần đây mà báo chí thông tin vì cách giải quyết tình huống ở lớp học của thầy cô còn nhiều sai sót chắc chắn có yếu tố chưa thật sự thương yêu học sinh, không xây dựng được mối quan hệ tương tác thân thiện giữa thầy và trò.