Khi tác phẩm văn học lên sân khấu kịch

Không ồn ào như những vở kịch ma, kinh dị, những vở kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học đang trở thành món ăn tinh thần của khán giả. 

Cảnh trong vở kịch “Đàn bà dễ có mấy tay” được chuyển thể theo “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng
Cảnh trong vở kịch “Đàn bà dễ có mấy tay” được chuyển thể theo “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng

Gần đây khi dòng kịch giải trí ma, kinh dị, hài nhảm… nở rộ trên sân khấu thì dòng kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học đang tạo những dấu ấn trong lòng khán giả.

Nguồn kịch bản phong phú

Xu hướng chọn tác phẩm văn học lên sân khấu không phải là công việc mới của nhiều nhà hát mà đã xuất hiện khá lâu. Đã có nhiều tác phẩm văn học được chuyển thể và có sức sống lâu dài và đem lại cho khán giả nhiều dư âm. 

Chẳng hạn như Số đỏ (Vũ Trọng Phụng) đã được sân khấu Phú Nhuận dàn dựng hơn chục năm nay vẫn còn diễn. Nửa đời ngơ ngác (Chiều vắng - Nguyễn Ngọc Tư) của sân khấu Hoàng Thái Thanh từ 2010 đến nay vẫn hút khán giả.

Nhiều năm nay, sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng là địa chỉ quen thuộc trong việc chuyển thể các tác phẩm văn học như: Hãy khóc đi em (Trăng nơi đáy giếng - Thùy Mai); Nửa đời ngơ ngác (Chiều vắng - Nguyễn Ngọc Tư); sắp tới đây là tác phẩm Bao giờ sông cạn (Dòng nhớ - Nguyễn Ngọc Tư); Sân khấu Thế giới trẻ thành công với tác phẩm Đời Như Ý (Nguyễn Ngọc Tư)…

Mới đây, sân khấu Hồng Vân đã mạnh dạn ra mắt Đàn bà dễ có mấy tay được chuyển thể theo Giông tố của Vũ Trọng Phụng. Với lối diễn xuất dí dỏm, tự nhiên của diễn viên cùng với những sáng tạo trong kịch bản, vở diễn đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn và khán giả.

Có thể nhận thấy, các tác phẩm của các nhà văn đã có sự nổi tiếng, có sức nặng nội dung câu chuyện đã góp phần không nhỏ vào dòng kịch nghệ thuật. 

Trong lúc các sân khấu xuất hiện nhiều vở diễn mang hơi hướng kịch ma, kinh dị, hài nhảm thì dòng kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học đang tạo những dấu ấn trong lòng khán giả. Đây là nguồn kịch bản dồi dào để tạo ra những vở kịch hấp dẫn.

Kịch hấp dẫn như truyện: Vẫn là một thách thức

Thế mạnh dễ thấy nhất của việc chuyển thể chính là sức hấp dẫn sẵn có từ tác phẩm văn chương, bởi hiếm khi người ta chuyển thể một tác phẩm dở. Nhưng việc chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch sân khấu không phải dễ dàng.

Theo NSƯT Lê Chức (Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), kịch bản văn học là cái gốc để đạo diễn dựa vào thực hiện những bộ phim có giá trị. 

Để chọn những tinh túy của văn học, người chuyển thể phải biến hóa nhiều thứ, trong đó có việc tận khai những ý hay tiềm tàng trong văn học... 

Nhưng biến hóa gì cũng phải giữ được tinh thần, không khí nguyên bản. Đây là một thách thức cho nhà chuyển thể khi phải cô đọng một tác phẩm văn học đồ sộ trong 90 phút. Nếu không đủ nhạy cảm và kinh nghiệm, người chuyển thể dễ bị “nhặt cát rơi ngọc”.

Xu hướng chọn tác phẩm văn học xem ra vẫn là giải pháp trong việc thiếu kịch bản hay cho sân khấu. Tuy nhiên, việc xuất hiện khá nhiều kịch chuyển thể cho thấy tình trạng thiếu hụt kịch bản mới và hay cho sân khấu hiện nay. 

Các tác phẩm văn học bản thân đã có sức nặng về nội dung, nhân vật sẽ đảm bảo tốt cho một vở diễn. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, sân khấu kịch vẫn cần những nhà viết kịch để đưa những vấn đề của cuộc sống hiện đại hôm nay lên sân khấu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ