1. Kỳ thi tốt nghiệp THPT khép lại với nhiều dư âm đẹp. Chưa chấm thi, chưa biết kết quả nhưng đã thấy được số thí sinh vi phạm quy chế và bị đình chỉ thi giảm nhiều so với các năm trước. Không còn tình trạng “phao thi” trắng sân trường. Những hiện tượng tiêu cực nghiêm trọng như một vài năm trước đã không xảy ra. Đó là ghi nhận đầu tiên và dễ nhận thấy nhất sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Sau mỗi buổi thi, những đề thi mà hơi thở cuộc sống, nội dung thời sự cũng như kiến thức liên môn được đan cài khéo léo là tâm điểm để không chỉ giáo viên, học sinh mà toàn xã hội hứng thú, khen ngợi.
Quan trọng hơn cả, cách ra đề theo tinh thần mới đã thực sự tác động tích cực trở lại cách dạy, cách học trong nhà trường phổ thông, là động lực để cả thầy và trò thoát ra khỏi cách dạy - học đối phó, truyền thụ một chiều, học thuộc lòng máy móc...
Họ đã sẵn sàng tâm thế dạy như thế nào, học ra sao cho mùa thi năm sau, những bước chuẩn bị chỉ có được khi trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
2. Tuy nhiên, chính những con số tổng hợp từ kỳ thi tốt nghiệp năm nay, mới đọc lên tưởng chừng khô khan lại cất lên tiếng nói mạnh mẽ, phản ảnh rõ ràng nhất tình hình dạy – học, thực lực học sinh sau một năm học.
Bộ GD&ĐT công bố: Tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp toàn quốc với 99,02% học sinh hệ giáo dục phổ thông và 89,01% học viên giáo dục thường xuyên. Kết quả này với hệ phổ thông hầu như không biến động (tăng rất ít so với năm 2013);
Trong số 99,02% học sinh phổ thông đỗ tốt nghiệp, chỉ có 3,41% đạt loại giỏi; 19,91% loại khá. Tỷ lệ khá giỏi còn thấp hơn nhiều ở hệ giáo dục thường xuyên với 3,97% loại khá và xếp loại giỏi: 0,2%.
Không phải chuyên gia có lẽ cũng có thể “phiên dịch” được một vài điều từ con số này. Đó là đừng chỉ nhìn là hơn 99% rồi đổ đồng chất lượng.
Vẫn có sự chênh lệch rõ rệt về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giữa hệ phổ thông và giáo dục thường xuyên, và có sự phân hóa rõ ngay trong chính hệ phổ thông, hệ thường xuyên, giữa các học sinh với nhau, phản ánh đúng bức tranh dạy – học trong mỗi nhà trường.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hàng năm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi trong trường phổ thông đạt khoảng 20%. Tỷ lệ đạt loại giỏi – 3,41%, loại khá - 19,91% trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua cũng sát với con số này. Ở hệ giáo dục thường xuyên, tỷ lệ này là 0,2%.
Ngay chính học sinh hệ phổ thông để đỗ tốt nghiệp đạt loại khá cũng không phải đông đảo, khi con số này là 19,91%. Tỷ lệ này ở hệ giáo dục thường xuyên là 3,97%.
Những con số là liều vaccine mạnh đánh bay virus bệnh thành tích, đánh giá sát năng lực học sinh và phản ánh trung thực sự nỗ lực của cả thầy và trò trong quá trình dạy học.
Cùng đỗ tốt nghiệp nhưng không phải kiểu “đồng phục” mà có phân loại rõ rệt. Với lưới sàng lọc này, ai đỗ khá, ai đạt giỏi, đến ngả rẽ hướng nghiệp sẽ lại càng tỏ tường hơn nữa.
Để từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, bước đầu cũng sẽ là căn cứ tin cậy giúp các trường ĐH, CĐ sử dụng để tuyển chọn người học phù hợp với yêu cầu đào tạo của mình.
Những đổi mới của kỳ thi năm nay, theo Bộ GD&ĐT sẽ là sự khởi đầu cho lộ trình đổi mới toàn diện và sâu sắc hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT - lộ trình đổi mới thi hướng tới có kỳ thi chung mà kết quả của kỳ thi này vừa làm căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp, vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng vào tuyển sinh.
Kết quả đó cũng đem đến niềm tin cho thành công của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT mà đổi mới thi cử là giải pháp đột phá.