Cụ thể, tỷ lệ tốt nghiệp của cả nước với giáo dục THPT, đăng ký dự thi là 823.950; số đỗ tốt nghiệp là 815.907, đạt 99,02% (năm 2013 là 98,97%). Trong đó: Loại giỏi: 27.854, chiếm 3,41%; Khá: 162.468, chiếm 19,91%.
Hệ GDTX đăng ký dự thi là 86.806; số đỗ tốt nghiệp: 77.263, đạt 89,01% (năm 2013 là 78,08%). Trong đó: Loại giỏi: 154, chiếm 0,2%; Khá: 3.067, chiếm 3,97%.
Với tỷ lệ này, cả nước có 17.586 thí sinh (bao gồm 8.043 thí sinh giáo dục THPT và 9.543 thí sinh GDTX) không đỗ tốt nghiệp.
Tỷ lệ tốt nghiệp năm nay tăng nhẹ so với năm 2013; song, tỷ lệ thí sinh xếp loại tốt nghiệp khá, giỏi không cao và nhìn chung phù hợp với tỷ lệ xếp loại học lực khá, giỏi của học sinh trong các nhà trường phổ thông (khoảng 20%).
Điều này chứng tỏ những đổi mới trong tổ chức thi theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW đã có hiệu quả tích cực đối với việc nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT; kết quả thi đã đánh giá sát đúng năng lực của học sinh, phản ánh đúng thực tế dạy học, có thể làm căn cứ tin cậy để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng; đồng thời có tác động tích cực thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường phổ thông.
Những tín hiệu vui
Trước kết quả thi năm nay, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) chia sẻ:
Tín hiệu vui khi đề thi các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí đã gắn với thực tiễn đời sống chính trị xã hội và yêu cầu kiến thức liên bộ môn.
Phần đọc hiểu trong đề thi môn Ngữ văn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa; đề thi các môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lí có câu hỏi gắn với nội dung bảo vệ chủ quyền, biển đảo, cập nhật được những vấn đề thời sự đang được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân; đồng thời phát huy tính tích cực, độc lập, chủ động, sáng tạo, tình cảm của thí sinh.
Như vậy, với việc đề thi không yêu cầu các em phải ghi nhớ máy móc nhiều số liệu, sự kiện mà đòi hỏi các em vận dụng kiến thức đã học, hiểu biết thực tiễn, kinh nghiệm sống để giải quyết vẫn đề thì năng lực của các em được bộc lộ rõ hơn, các em hứng thú hơn với các môn học này.
Nhận định kết quả thi phản ánh đúng tình hình dạy học các môn này trong các nhà trường, ông Mai Văn Trinh cho biết thêm:
Qua các kỳ thi dành cho học sinh THPT, ví dụ như Đường lên đỉnh Olympia, cho thấy nhiều học sinh có hiểu biết sâu, rộng về lịch sử, địa lý, văn hóa nước nhà.
Kết quả học tập các môn học này của các em không chỉ có vai trò của các nhà trường, mà còn có vai trò của các tổ chức xã hội như Hội Khoa học lịch sử, các chương trình giáo dục qua các phương tiện thông tin, truyền thông, các chương trình giáo dục qua di sản...
Điều chỉnh quá trình dạy học từ kết quả kỳ thi
Khẳng định rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT không nhằm đánh trượt học sinh, Cục trưởng Mai Văn Trinh đồng thời làm rõ: Kỳ thi tốt nghiệp với mục tiêu đánh giá, xác nhận trình độ phổ thông của người học, đánh giá chất lượng dạy và học để từ đó tác động, điều chỉnh quá trình dạy học, nhất là đổi mới PPDH và kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường.
Kết quả của kỳ thi này sẽ được đánh giá, phân tích làm cơ sở để điều chỉnh quá trình dạy học trong nhà trường, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng dạy học. Ngay cả ở một số nước phát triển thì kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được tiến hành.
Cũng như quá trình sản xuất ra sản phẩm tiêu dùng, phần lớn các sản phẩm được sản xuất đều đạt yêu cầu về chất lượng. Tuy nhiên, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm vẫn phải được coi trọng nhằm giảm thiểu phế phẩm và nâng cao dần, nâng cao mãi chất lượng sản phẩm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng vậy, cần hướng đến tác động nhằm đổi mới hoạt động dạy học để không chỉ học sinh đỗ tốt nghiệp mà chất lượng của kỳ thi phải ngày càng thực chất hơn, cao hơn, phản ánh trung thực sự nỗ lực của cả thầy và trò trong quá trình dạy học.
Khởi đầu cho lộ trình đổi mới
Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định, kỳ thi sẽ không được tổ chức theo lối cũ gây nặng nề, tốn kém như trước đây. Những đổi mới của kỳ thi năm nay là sự khởi đầu cho lộ trình đổi mới toàn diện và sâu sắc hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Lộ trình đổi mới thi hướng tới có kỳ thi chung, kết quả của kỳ thi này vừa làm căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp, vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng vào tuyển sinh (phối hợp các hình thức khác phù hợp với các ngành đào tạo của các trường).
Hình thức tổ chức kỳ thi, các lực lượng tham gia vào kỳ thi, vai trò của các cơ sở giáo dục phổ thông và đại học đối với kỳ thi sẽ có những thay đổi theo hướng giảm áp lực, tốn kém cho xã hội nhưng bảo đảm độ tin cậy cảu kỳ thi.
“Bộ GD&ĐT chủ động đề xuất phương án, sẽ tham khảo ý kiến của các cơ sở giáo dục, các chuyên gia và xã hội để có phương án hợp lý và khả thi. Trong quá trình này, Bộ GD&ĐT mong nhận được sự phản biện có trách nhiệm, sự ủng hộ của các phóng viên báo chí, truyền thông” - Ông Mai Văn Trinh bày tỏ.