Thế giới công nhận chất lượng, trình độ học sinh Việt Nam

GD&TĐ - Trao đổi với báo chí về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều địa phương đạt hơn 99%, có trường tỷ lệ này là 100%, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nêu ví dụ rất cụ thể: Qua các kỳ thi PASEC, PISA, Olympic, ISEF... thế giới công nhận chất lượng, trình độ của HS Việt Nam. Vậy tại sao chính người Việt lại không đặt niềm tin vào trình độ con em mình?

Thế giới công nhận chất lượng, trình độ học sinh Việt Nam

Kỳ thi tốt nghiệp đã đáp ứng được hai mục tiêu quan trọng

100% HS đỗ tốt nghiệp không có nghĩa là đảm bảo sang năm 100% HS cũng đạt được yêu cầu đó. Bởi vậy, không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT -
 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Nói về mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phân tích: 

Thứ nhất, kỳ thi tốt nghiệp nhằm xác định học sinh có đạt được trình độ để công nhận tốt nghiệp THPT hay không. 

Thứ hai - rất quan trọng - là thông qua kỳ thi để tác động trở lại đến quá trình dạy và học, để dần nâng cao chất lượng giáo dục.

Vị lãnh đạo ngành Giáo dục đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay về cơ bản đáp ứng được hai mục tiêu trên. Và ở những kỳ thi năm sau sẽ đáp ứng được tốt hơn khi tiếp tục có những cải tiến.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, việc kiểm tra để đánh giá chất lượng đạt được yêu cầu công nhận đỗ tốt nghiệp hay không là việc phải làm, không thể bỏ được. 

Ông đặt câu hỏi: Có cơ sở, doanh nghiệp nào khi 100% sản phẩm đạt yêu cầu thì bỏ luôn việc kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu ra không? Giáo dục cũng như vậy, 100% học sinh đỗ tốt nghiệp, đạt yêu cầu không có nghĩa là đảm bảo sang năm 100% số học sinh cũng đạt được yêu cầu đó. Bởi vậy không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Việc cần làm chính là: Cố gắng để việc thi cử ngày càng đánh giá đúng chất lượng dạy và học của nhà trường, kết quả học tập của học sinh; việc đánh giá được tiến hành khách quan, công bằng, nghiêm túc.

“Đừng thấy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao rồi cho rằng ta đặt chuẩn thấp. Chuẩn chương trình đã đặt ra ngay từ đầu. Chất lượng học sinh đại trà của Việt Nam thi PISA, thi PASEC rất tốt; Chất lượng học sinh Việt Nam đi thi học sinh giỏi về nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thi Olympic các môn khoa học cũng rất ấn tượng. 

Thế giới công nhận chất lượng giáo dục của Việt Nam. Vậy tại sao chính người Việt lại không đặt niềm tin vào trình độ con em mình?” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đặt câu hỏi.

Quyết tâm, đồng bộ, tạo sức mạnh cộng đồng để đổi mới thi cử

Nhìn nhận lại quá trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng bài học kinh nghiệm đầu tiên chính là cần phải có sự quyết tâm đổi mới. 

Ông phân tích: Vượt qua những khó khăn từ khâu chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT đã rất quyết tâm và được toàn Ngành, toàn xã hội ủng hộ, với kết quả đã có một kỳ thi nhận được đánh giá bắt đầu đổi mới đúng hướng và sẽ tạo điều kiện cho đổi mới tiếp theo ở những năm sau. Nếu ngại khó thì không thể dám làm và không có được những thành quả bước đầu hôm nay.

Kinh nghiệm thứ hai là tiến hành có hiệu quả, đồng bộ đổi mới - từ đổi mới việc thi để đổi mới việc dạy và học. Nếu chất lượng học không thực chất thì không thể nói đến một kỳ thi nghiêm túc. Nếu chất lượng học không hướng tới đánh giá năng lực thì không có năng lực để đánh giá -  sẽ không có một kỳ thi đúng với mục tiêu đã đặt ra.

Kinh nghiệm thứ ba là những đổi mới giáo dục rất cần sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội. 

Vai trò và trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là làm cho giáo viên và học sinh hiểu được yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng chuyển từ mục tiêu trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất người học; hiểu thế nào là giáo dục toàn diện, và trong giáo dục toàn diện đó lại phát huy cao nhất khả năng riêng của từng học sinh. 

Nghĩa là chúng ta đảm bảo sự khác nhau, sự phân hóa, định hướng nghề nghiệp. Bộ GD&ĐT quyết tâm, cùng với sự góp sức của toàn xã hội tổ chức nghiêm túc kỳ thi, tác động trở lại cho việc dạy và học ngày càng tốt hơn.

Cơ hội để đổi mới đã đến 

Trước câu hỏi về thời điểm đổi mới thi cử đã chín muồi, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phân tích: Thi cử, kiểm tra, đánh giá chỉ là một khâu trong toàn bộ chương trình. Khi chúng ta thay đổi chương trình thì có điều kiện để tính đến đổi mới toàn bộ thi cử phù hợp với mục tiêu, nội dung, cách thức dạy - học.

Lần này đổi mới chương trình nghĩa là đã có cơ hội để đổi mới thi cử nhiều hơn. Trước đây, chúng ta đã đặt ra vấn đề đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá nhưng với một chương trình như cũ.

“Mặt khác, đối với thi ĐH, Luật GD Đại học đã cho phép các trường được chủ động việc tuyển sinh với cách thức khác nhau, nội dung khác nhau phù hợp với yêu cầu “đầu vào” để đào tạo. Cho nên ta có điều kiện để thay đổi việc này” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.

Vị lãnh đạo ngành Giáo dục cho biết: Theo lộ trình sẽ tiến tới một kỳ thi chung để xét tốt nghiệp và có thể dùng để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ. 

Cụ thể, các trường ĐH có thể sử dụng toàn bộ kết quả tốt nghiệp để tuyển sinh hoặc thêm cách thức kiểm tra, đánh giá phù hợp với nhu cầu tuyển sinh, nhu cầu đào tạo của trường. Cách thức này, một số trường đã áp dụng ngay từ kỳ tuyển sinh năm nay.

Nghị quyết 29 cũng nêu rõ: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Để tiến tới được một kỳ thi như vậy, có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, có việc đề thi phải phản ánh được những yêu cầu về phẩm chất và năng lực người học và có tác dụng phân hóa tốt. Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay đã đáp ứng được điều đó, nhưng vẫn cần phải làm tốt hơn nữa.

Trên thế giới đã có những mô hình như có tổ chức đánh giá thi độc lập. Và có thể thi môn ngoại ngữ một kỳ thi riêng, còn thi các môn văn hóa một kỳ thi riêng rồi kết hợp.

Bên cạnh việc phát huy kinh nghiệm sẵn có, chúng ta sẽ đồng thời học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng phương án, xin ý kiến rộng rãi trong và ngoài ngành, sau đó trình Chính phủ phê duyệt, đạt yêu cầu sẽ triển khai – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ.

 

“Trong quá trình thảo luận, chúng tôi rất mong xã hội, các cơ quan tuyên truyền ủng hộ cho chủ trương đổi mới. Bộ GD&ĐT sẵn sàng lắng nghe, trao đổi thẳng thắn và tiếp thu các vấn đề”.                                                                         

                                                    Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ