Khi nhà sản xuất phim cũng “dính” Covid-19

GD&TĐ - Rạp chiếu đóng cửa, phim đã làm thì “đắp chiếu”, phim mới thì không thể bấm máy… đó là tình trạng của điện ảnh Việt suốt nhiều tháng qua.

Các nhà làm phim nêu nguyện vọng sống chung có kiểm soát với dịch bệnh.
Các nhà làm phim nêu nguyện vọng sống chung có kiểm soát với dịch bệnh.

Trong công văn gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, 20 công ty sản xuất phim cho biết, thời gian qua ngành sản xuất phim và chương trình truyền hình đang gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí đối diện với nguy cơ phá sản hàng loạt khi phải dừng hoạt động vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Bốn tháng lỗ gần trăm tỉ

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến cho việc giãn cách xã hội kéo dài, làm các đơn vị sản xuất phim trở nên khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản và khó có khả năng phục hồi.

Bà Nguyễn Mai Hoa - Tổng Giám đốc Galaxy cho biết, chỉ tính riêng một cụm rạp chiếu phim như Galaxy đã phải chịu lỗ gần trăm tỉ đồng sau hơn 4 tháng đóng cửa hoàn toàn 18 rạp chiếu trên cả nước.

Bà Mai Hoa cho biết thêm, 18 cụm rạp của hãng có thể tiêu tốn 700 - 800 triệu đồng tiền điện mỗi tháng, chỉ riêng cho việc vận hành máy móc nhằm tránh hỏng hóc vì không hoạt động lâu ngày. Bên cạnh đó, đơn vị còn chịu áp lực vì phải trả gốc và lãi ngân hàng.

Từ khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, những nhân viên trong tổ sản xuất, điều phối, âm thanh, ánh sáng của các đoàn phim bế tắc vì không còn phương tiện mưu sinh. Nhiều người phải chạy ăn từng bữa, rồi lo tiền thuê trọ hằng tháng.

Đơn vị BHD và CGV cho biết, họ đang cố gắng duy trì tiền lương và số lượng nhân viên. Để đảm bảo 10.000 lao động toàn ngành không rơi vào cảnh đồng loạt sa thải. Các doanh nghiệp từng đề nghị được gia hạn các khoản bảo hiểm của nhân viên.

Trong suốt hơn 4 tháng qua, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phim và chương trình truyền hình luôn trong tình trạng “không thể làm được gì”. Dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Doanh thu của ngành điện ảnh truyền hình nói chung, và ngành sản xuất phim, chương trình truyền hình nói riêng đều “đóng băng”. Trong khi các đơn vị đều phải thuê mặt bằng và chi trả lương cho nhân viên.

Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến TPHCM giãn cách xã hội nhiều tháng qua đã làm cho kế hoạch sản xuất và phát hành của nhiều bộ phim, chương trình truyền hình bị lùi lại hoặc trì hoãn vô thời hạn.

Điều quan trọng hơn, trong thời gian sắp tới nguồn phim và chương trình truyền hình nội địa sẽ không đáp ứng đủ cho nhu cầu của công chúng. Từ đó, dẫn đến nguy cơ ngành điện ảnh, truyền hình Việt Nam phải lệ thuộc vào nguồn phim và chương trình truyền hình nước ngoài.

Số liệu của trang thống kê độc lập Box Office Việt Nam cho biết, doanh số toàn ngành trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt trên 2.000 tỉ đồng. Trong khi đó, cả năm 2020 chỉ đạt 750 tỉ.

Ông Đoàn Thạch Cương - Giám đốc kinh doanh của Lotte cho hay, tính riêng trong khoảng thời gian từ tháng 5 - 7/2020, nhà phát hành này đạt gần 4 triệu lượt vé bán ra. Nhưng tới cùng kỳ năm 2021, số vé bán ra chẳng được bao nhiêu. Nhiều đơn vị phải chịu lỗ trung bình từ 15 - 20 tỉ đồng mỗi tháng.

Năm 2020 và 2021, bốn doanh nghiệp điện ảnh từng hai lần gửi văn bản đến cơ quan chức năng để xin hỗ trợ trước nguy cơ phá sản. Chính vì thế, các nhà làm phim khẳng định đang ở tình trạng kiệt quệ về nguồn lực, khó phục hồi hoạt động trong thời gian ngắn.

Do dịch Covid-19, phim đã làm thì “đắp chiếu”, phim mới thì không thể bấm máy.

Do dịch Covid-19, phim đã làm thì “đắp chiếu”, phim mới thì không thể bấm máy.

Xin cơ chế “phá băng”

Đối diện với nguy cơ phá sản hàng loạt, 20 doanh nghiệp sản xuất phim và chương trình truyền hình vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và UBND TPHCM với 8 đề xuất nhằm đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch từ ngày 15/10.

Đại diện 20 doanh nghiệp điện ảnh cho biết, họ không xin hỗ trợ tài chính mà chỉ xin cơ chế để hoạt động trong bối cảnh bình thường mới. Các nhà làm phim nêu nguyện vọng sống chung có kiểm soát với dịch là chiến lược chung của thế giới hiện nay. Bởi vậy, họ mong lãnh đạo các cấp cho phép các đoàn phim được hoạt động sản xuất kết hợp phòng chống dịch.

Theo nội dung kiến nghị, các đơn vị đề xuất được sản xuất ở những bối cảnh biệt lập như: Phim trường, các khu du lịch sinh thái không hoạt động, các khu nhà ở không có dân cư sinh sống. Thực hiện trực tuyến các công việc tiền kỳ, thực hiện xét nghiệm PCR gộp theo nhóm 10 người trước ngày tiến hành quay. Xét nghiệm nhanh từng người 7 ngày một lần cho toàn bộ nhân sự trong suốt thời gian quay.

Các đơn vị sản xuất phim cam kết sẽ thu hẹp quy mô nhân sự khi quay và sản xuất. Đồng thời đảm bảo 100% nhân sự đoàn phim đã được tiêm vắc-xin và xét nghiệm âm tính, khai báo y tế thường xuyên và luôn đảm bảo thực hiện 5K. Mỗi đoàn phim chỉ định một nhân sự kiểm soát việc tuân thủ các hoạt động phòng chống Covid-19, đặc biệt không tập trung quá 10 người trong mỗi khu vực.

Nhà sản xuất phim - đạo diễn Hồng Ánh cho hay: “Chúng tôi mong kiến nghị này sẽ được các cấp lãnh đạo xem xét. Bởi đây là nguyện vọng chính đáng, và cũng chắc chắn sẽ đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng chống dịch Covid-19, như các nước trên thế giới khi cho phép sản xuất phim, rạp bán vé trở lại”.

Nhà sản xuất phim này cũng bày tỏ hi vọng giữa tháng 10 hoặc đầu tháng 11, rạp phim sẽ được mở lại phục vụ cho 1/3 số ghế của rạp trong các buổi chiếu. Khán giả đến rạp phải là những người đã được tiêm ngừa vắc-xin Covid-19.

“Nếu đợi đến đầu năm 2022, mới cho phép các hệ thống rạp chiếu phim mở cửa thì doanh nghiệp rất khó trụ được đến thời điểm đó. Ai cũng biết các đơn vị sản xuất phim đã kiệt quệ, vì luôn là lĩnh vực đóng cửa đầu tiên nhưng mở cửa cuối cùng” - Nhà sản xuất phim, đạo diễn Hồng Ánh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.