Lương Mạnh Hải trò chuyện với Lao Động về bộ phim ma được làm với kinh phí thấp nhưng được hứa là không kém ly kỳ hấp dẫn của mình.
“Muốn thực tế, xin mời… xem phim tài liệu”!
Lần đầu tiên đóng vai trò nhà sản xuất, anh cảm thấy thế nào?
- Mọi thứ giống như chơi bóng đá: Hồi hộp, hưng phấn, bất ngờ, mạo hiểm... Phút 90 vẫn còn bất ngờ. Nhưng “đã” hơn cả, là 3 chữ: “Phim - của - mình”. Nó khác rất nhiều so với cảm giác đi làm thuê.
Phim ma Việt thường khiến khán giả… bò ra cười hơn là thót tim vì kịch bản lối mòn, dễ đoán, tình tiết phi lý, thiếu logic và nhất là kỹ xảo. “Con ma nhà họ Vương” với kinh phí thấp liệu có thoát được khỏi những căn bệnh “kinh điển” đấy?
- Thì ai bảo mọi người mang kỹ xảo ra để dọa. Mang cái sở đoản ra đọ với sở trường của người ta sao được. Khán giả quen xem được những thứ đỉnh cao rồi, mình còn cố trưng trổ phô trương làm chi. Mà phim này thực ra cũng không hẳn là phim kinh dị. Tâm lý kinh dị thì đúng hơn.
Nhìn chung, khán giả Việt chỉ ác cảm với phim luộm thuộm, thảm họa mà thôi, không riêng một thể loại nào.
Vậy, cách các anh dụ khán giả là gì?
- Vì tên phim là “Con ma…” nên trong phim rõ ràng có ma. Có điều, khán giả phải xem mới hiểu tại sao, ai mới thực là “con ma nhà họ Vương”. Chiêu dụ khán giả thì đây: Câu chuyện (do chính đạo diễn Vũ Ngọc Đãng viết kịch bản) rất bất ngờ, khó đoán; Vũ Ngọc Đãng khác hẳn với những gì các bạn đã mặc định khi kể câu chuyện về con ma. Dàn diễn viên thì vô cùng tuyệt vời, nhất là sự trở lại - phải nói là xuất sắc - của “hotboy nổi loạn” Hồ Vĩnh Khoa sau 4 năm vắng bóng. Khoa có cái hay là nhìn bề ngoài thì vẻ như hơi nhạt, nhưng đứng trước máy quay thì hoàn toàn khác hẳn. Và tất nhiên khán giả sẽ lại vẫn tiếp tục được mãn nhãn với “Việt Nam đất nước ta ơi” với miền đất Tây Ninh hiện lên vô cùng lộng lẫy.
“Chưa khi nào phim Đãng… có nhiều người chết đến thế”
Vũ Ngọc Đãng khoe rằng, tài của Đãng là… làm phim kinh phí thấp?
- Gần 4 tỉ, cho tất tật. Thì ngay từ đầu là xác định làm phim kinh phí thấp rồi mà! Đại loại là lấy công làm lời thôi, vì hầu hết các khâu quan trọng nhất (giám đốc sản xuất, điều hành sản xuất, đạo diễn, kịch bản…) là mình tự làm hết rồi. Và ngay cả yếu tố “ngôi sao”, “câu khách” như Minh Hằng là cũng tham gia với tinh thần “đồng đội”. Dù nếu xét về đất diễn, vai của Hằng lần này chỉ là ở dạng khách mời, không thoại, chỉ mỉm cười và… xinh đẹp thôi. Hằng nhận lời vì đạo diễn, vì tất cả những gì Vũ Ngọc Đãng từng làm cho Minh Hằng.
Anh có tin là phim sẽ thắng ở phòng vé?
- Phim kinh phí thấp vậy thì kiểu gì cũng thắng.
Chưa hình dung nổi Vũ Ngọc Đãng mà làm phim ma thì thế nào nhỉ?
- Phim này có tất cả những gì mà phim trước của Vũ Ngọc Đãng còn thiếu: Mạnh hơn, bạo lực hơn, lắt léo hơn và bất ngờ hơn. Chưa bao giờ phim Đãng có nhiều máu me và người chết đến thế.
Và “tội” của anh là biến một gã nhà quê ngây thơ chuyên làm phim về người tốt thành một gã “máu lạnh”?
- Đó là lý do tôi và Đãng cứ phải dính lấy nhau. Mình cứ phải kích vào để Đãng làm mạnh dần lên. Và hiện tại, Đãng có vẻ thích “làm việc với ma” rồi nên đến phim sau có khi chả cần kích nữa, Đãng cũng sẽ “bạo liệt”.
Đức Trí từng được trả mức nhuận bút kỷ lục cho một ca khúc nhạc phim của Lê Hoàng. “Có thật không tôi” trong “Con ma nhà họ Vương” thì sao?
- Vừa đủ cho Trí. Không ít không nhiều.
Lại vẫn “tô hồng nông thôn” như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” à?
- Điện ảnh là bán giấc mơ mà! Mình nhìn quê mình nghèo khó mà lộng lẫy như vậy lại chả sướng hơn à? Vào rạp 2 tiếng là để quên đi thực tại cũng tốt mà! Còn nếu muốn nhìn thực tế thì xin mời… xem phim tài liệu.