Khi người nổi tiếng làm quảng cáo

GD&TĐ - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có đề xuất bổ sung quy định về hoạt động quảng cáo của người có tầm ảnh hưởng.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hiểu nôm na, “người có tầm ảnh hưởng” tức là người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, cả chính thống lẫn trên mạng xã hội.

Sở dĩ phải “bổ sung quy định” vì rằng, thời gian qua, cả trên mạng xã hội lẫn trên truyền hình, khán giả/độc giả luôn chứng kiến hình ảnh những người nổi tiếng, nhất là trên lĩnh vực sân khấu - điện ảnh và cầu thủ bóng đá làm các clip quảng cáo về công dụng của nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng có tác dụng “bớt bịnh ngay lập tức”. Vì tin vào các “thần tượng” của mình nên nhiều người mua sản phẩm từ những quảng cáo ấy về dùng và không ít người đã thất vọng.

MC Quyền Linh - người nổi tiếng trên truyền hình lâu nay đã có lần phải xin lỗi người tiêu dùng đã trót mua sản phẩm mà anh này tham gia quảng cáo trong một clip.

Bên cạnh các clip quảng cáo do nghệ sĩ trực tiếp “diễn”, nhiều người nổi tiếng cũng bị các “nhà” làm quảng cáo cắt ghép hình ảnh để đưa vào clip. Không phải tất cả các sản phẩm mà người nổi tiếng tham gia quảng cáo đều kém chất lượng nhưng không ít clip quảng cáo, nhất là các loại thực phẩm chức năng thì không như kỳ vọng của người tiêu dùng.

“Một người khỏe hai người vui”, hẳn mọi người quen nghe câu này trên tivi. Nhiều anh muốn “hai người vui” nên tặc lưỡi bấm bụng mua uống xem sao. Vui đâu chẳng thấy chỉ thấy… mất tiền.

Mới đây thì xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội về các loại thực phẩm chức năng và sữa chữa bệnh mất ngủ. Xem quảng cáo, có người ngỡ đó là thuốc… tiên. Nắm bắt tâm lý của những người cao tuổi thường khó ngủ, nhà sản xuất đã tung ra các chiêu quảng cáo loại sữa dễ ngủ do các nghệ sĩ nổi tiếng thủ vai.

Rồi sẽ có người thức suốt đêm do uống sữa này, không phải do bệnh tật mà do… ấm ức vì bị mắc lừa. Rồi “đau lưng mỏi gối tê tay…”, uống vào là bớt ngay dù đó là một loại thực phẩm chức năng. Xin lưu ý là, thực phẩm chức năng chứ không phải thuốc tân dược mà “uống vào là khỏi ngay”.

Nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung quy định về hoạt động quảng cáo của người có tầm ảnh hưởng là vì lý do này.

Quy định có nhiều mục nhưng đáng chú ý là mục: Người quảng cáo phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện.

Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, người quảng cáo phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm. Nghĩa là, anh phải có bằng chứng về tác dụng của loại sản phẩm mà anh quảng cáo từ chính bản thân mình chứ không thể “nói cho được việc” như lâu nay!

Những người nổi tiếng kiếm thêm thu nhập từ quảng cáo sản phẩm cho nhà sản xuất là việc làm chính đáng. Có điều, sản phẩm mà anh quảng cáo phải đúng với thực tế còn không thì anh như một kẻ tiếp tay cho cái xấu vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong một trường nội trú dành cho trẻ mới biết đi tại Lesotho.

Trường nội trú cho trẻ mới biết đi

GD&TĐ - Ở Lesotho, quốc gia miền Nam châu Phi, không khó để bắt gặp những khu nhà nhỏ với khoảng 10 đứa trẻ mặc đồng phục học sinh chạy chơi trong sân.