Trên lớp đảm bảo đủ ánh sáng thì ở nhà cũng phải cố gắng đảm bảo được ánh sáng, như vậy mới không hư mắt của trẻ… Đó là một nỗi đau đáu của người dân vùng khó khi chưa có điện lưới, đang tiếp cận những thiết bị điện sử dụng pin mặt trời cho nhu cầu sinh hoạt và học tập.
Năng lượng tái tạo giúp học sinh vùng khó có điện để học tập
TS Nghiêm Vũ Khải (Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho biết ưu tiên hàng đầu về điện đối với người dân nông thôn, vùng khó khăn, đó là có điện để có thông tin và phục vụ việc học tập của trẻ em. Sau đó mới nói tới dùng điện vào các nhu cầu khác. Ở những khu vực điện lưới khó “kéo” tới, người dân có thể sử dụng năng lượng tái tạo (pin mặt trời) để có điện phục vụ cho việc thắp sáng tối thiểu và ở nhà có cái đèn đủ để trẻ con học bài, để không phải học tối tù mù với đèn dầu.
Tuy nhiên, theo TS Nghiêm Vũ Khải, vấn đề cần hỗ trợ những người dân vùng khó hiện nay chưa hẳn là vốn để sử dụng năng lượng tái tạo, mà lại là cách sử dụng nguồn điện không quá tốn kém. “Phải dạy cho người dân biết cách lắp ráp pin mặt trời, để hấp thụ bức xạ của mặt trời”- TS Nghiêm Vũ Khải nêu - “Hướng dẫn người dân cách bảo trì, bảo dưỡng thiết bị cấp điện mặt trời. Cũng như cách thay thế các linh kiện, dụng cụ trong quá trình sử dụng bị hư hỏng, hết niên hạn. Đặc biệt là cách sử dụng an toàn. Phải thiết kế toàn bộ hệ thống pin mặt trời và các vật dụng tiêu thụ một cách hợp lý nhất”.
Đến tận nhiều vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, TS Nghiêm Vũ Khải không chỉ hướng dẫn và trực tiếp giúp người dân lắp đặt các thiết bị điện mặt trời, ông còn đặc biệt quan tâm đến học sinh vùng khó có đủ điện cấp ánh sáng trong lớp học hay không. Hỗ trợ một lớp học vùng khó thuộc tỉnh An Giang có đủ ánh sáng cho học sinh học tập, vị TS này vẫn băn khoăn về chuyện đủ ánh sáng ở trường, vậy còn ở nhà, làm sao mỗi gia đình lo được 1 cái đèn đủ sáng vào buổi tối cho học sinh học bài.
“Cộng đồng là nhân tố quyết định về việc có thay thế năng lượng truyền thống bằng năng lượng sạch” - TS Nghiêm Vũ Khải nêu - “Đầu tư điện cho người dân nông thôn phải phối hợp với chính quyền, các tổ chức, quần chúng, những người sản xuất, người tiêu dùng”.
![]() |
Năng lượng mặt trời giúp cải thiện cuộc sống của người dân nông thôn |
Năm học mới xã vùng khó loay hoay lo đủ điện
Sau nhiều năm, những đứa trẻ vùng khó hoàn toàn học bài buổi tối bằng đèn dầu, những lớp học ở trường không đủ ánh sáng. Gần đây, sử dụng năng lượng tái tạo (pin mặt trời) đã mang lại hy vọng nhiều hơn về nguồn điện phục vụ sinh hoạt tối thiểu cho người dân tại một số địa phương chưa được cung cấp điện lưới.
Ông Phạm Văn Năng (Phó Bí thư, Trưởng ban Dân vận, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho phóng viên Báo GD&TĐ biết rằng tại xã Tân Lợi, người dân đang rất hứng khởi với việc sử dụng điện mặt trời, trong khi điện lưới truyền thống chưa cung cấp được cho nhu cầu học tập và cuộc sống.
Bày tỏ cảm nhận của “người trong cuộc” về sự thay đổi khi lắp thiết bị chiếu sáng phù hợp cho lớp học, ông Phạm Văn Năng phân tích: “Khi chúng tôi so sánh lớp học trang bị đèn cũ và lớp học được trang bị đèn mới sử dụng năng lượng mặt trời thì thấy ánh sáng giữa hai lớp học có sự khác xa nhau. Thiết bị đèn sử dụng năng lượng mặt trời cho ánh sáng rõ hơn, giúp việc học trên lớp của bọn trẻ thuận lợi hơn”.
Xã Tân Lợi đang cố gắng xã hội hóa để trang bị đủ ánh sáng cho học sinh trong các lớp học, mà theo ông Phạm Văn Năng thì: “Xã hội hóa bằng cách vận động cha mẹ học sinh, người dân địa phương và nhất là các mạnh thường quân là doanh nghiệp... hỗ trợ trang bị thiết bị chiếu sáng cung cấp đủ ánh sáng cho các phòng học. Ở trường đã vậy, rồi còn ở nhà, cần phải làm sao để gia đình có thể trang bị một cái đèn Led tối thiểu khoảng 4- 5W, để đảm bảo cho trẻ trong gia đình có ánh sáng học bài. Tại trường đảm bảo được ánh sáng thì ở nhà cũng phải cố gắng đảm bảo được ánh sáng, để không hư mắt của trẻ”.
Ông Phạm Văn Năng cũng cho biết, nhờ sử dụng thiết bị điện mặt trời, trụ sở của xã Tân Lợi cũng đã tiết kiệm được chi phí, khi thay hết sang sử dụng đèn Led tiết kiệm điện mà ánh sáng vẫn đảm bảo. “Vừa có một con đường được dự án năng lượng tái tạo tài trợ được xây dựng xong. Đường đã đến với khu vực chưa có điện lưới trong xã, hệ thống đèn đường cũng đã được lắp”- ông Phạm Văn Năng kể - “Riêng hệ thống trường học thì phải làm sao cho những lớp học đã được Nhà nước đầu tư từ xây trường đến hệ thống điện, nhưng điện chiếu sáng không đủ thì phải làm sao đủ ánh sáng cho học sinh học tập, trước hết là trang bị đèn Led cho các lớp học, mà cái khó nhất vẫn là vận động xã hội hóa”.
“Năm học này, chính quyền xã tiếp tục vận động cha mẹ học sinh để xã hội hóa làm sao có đủ điện thắp sáng cho trường học, trang bị điện đủ sáng cho các phòng học, nhưng khó lắm. Ngay cả muốn cho học sinh tiểu học được học hai buổi/ngày, vận động cha mẹ học sinh đóng thêm vài ngàn cho mỗi học sinh/ngày thôi cũng khó thực hiện. Nhiều gia đình nghèo không có khả năng. Đó là điều chính quyền xã băn khoăn và kêu gọi các mạnh thường quân cùng chung tay giúp đỡ, ít ra là mục tiêu đủ ánh sáng cho bọn trẻ học tập” - ông Phạm Văn Năng bày tỏ mong muốn có điện ở một xã nghèo đông dân cư là đồng bào dân tộc.
Theo TS Nghiêm Vũ Khải, để người dân vùng khó có điện sinh hoạt, trẻ em có điện phục vụ việc học tập, cần tiến hành từ việc thay đổi những thiết bị rẻ tiền, dễ lắp ráp, dễ sử dụng, dễ thay đổi nhưng số lượng lớn. Đặc biệt, phải tiến hành nghiên cứu, chế tạo các thiết bị mẫu, thực nghiệm và truyền bá kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Để chuẩn bị cho tương lai, phải đưa kiến thức về năng lượng mới và cách sử dụng nó vào học đường”- Vị tiến sĩ gắn bó với việc đưa pin mặt trời đến với vùng khó chia sẻ quan điểm.