Nhưng quan niệm đó đã và đang thay đổi với định nghĩa “mọi đứa trẻ đều thông minh”.
Mỗi cá nhân sử dụng tám loại hình thông minh giống như cách kết nối các nốt nhạc để tạo thành một giai điệu riêng biệt. Trên thực tế, sự thành công trong cuộc sống của nhiều học sinh từng bị đánh giá là kém, hay cá biệt đã khiến nhiều chuyên gia, nhà giáo dục tìm kiếm khái niệm khác nhằm đánh giá chính xác hơn năng lực của từng cá nhân trong quá trình học tập.
Đáng chú ý là quan điểm thuyết đa trí tuệ (đa trí thông minh) của Gardner cho rằng mỗi cá nhân đều tồn tại một vài kiểu thông minh trong số 8 loại: ngôn ngữ, lôgic/toán học, âm nhạc, không gian, vận động cơ thể, giao tiếp (tương tác cá nhân), nội tâm (hướng nội), thiên nhiên (tự nhiên học). Tuy nhiên, ứng với mỗi cá nhân sẽ có những trí thông minh vượt trội hơn các loại còn lại.
Đặc biệt, mức độ này không phải là “hằng số” trong suốt cuộc đời của mỗi người mà có thể sẽ thay đổi (tăng hay giảm) tùy vào sự trau dồi của mỗi cá nhân.
Theo Howard Gardner, trí thông minh đa dạng cho thấy mỗi con người có khả năng biểu đạt tri thức của mình theo 8 cách khác nhau và học theo cách tốt nhất như thế nào.
Mô hình giáo dục hiện nay tại nhiều trường học của Việt Nam đang chú trọng vào điểm số, đánh giá chủ yếu cho hai loại trí thông minh: ngôn ngữ và logic/toán học, thông qua bài kiểm tra viết, suy luận,... Vì vậy, nhà trường đã bỏ qua việc đánh giá năng lực của học sinh và không coi trọng những em có trí thông minh về âm nhạc, không gian, vận động, giao tiếp, nội tâm, tự nhiên học.
Để khắc phục điều này, với các cấp THCS, THPT, việc giao bài tập đồng loạt (mức cơ bản/bắt buộc) và nâng cao (không bắt buộc) nên được tăng cường để mỗi học sinh có mảnh đất phát triển tài năng của mình và cũng không bị áp lực học tập khi phải làm những bài tập không phù hợp với khả năng của mình.
Nhận xét, đánh giá học sinh cuối mỗi học kì, trong suốt năm học giáo viên chủ nhiệm cần quan sát học sinh, tham khảo thêm giáo viên bộ môn, các thầy cô dạy năm trước, các học sinh khác trong lớp, các bạn thân của học sinh, cha mẹ học sinh,… để có một sự đánh giá đầy đủ, nhân văn, tránh dán nhãn mác tiêu cực cho học sinh.
Chẳng hạn, giáo viên nên nhận xét, ghi nhận: học sinh Nguyễn Văn A học tốt môn toán, có năng khiếu về vẽ, thích sưu tập các tranh ảnh về loài hoa, con vật nuôi,… em Trần Văn B viết văn tốt, thích học môn lịch sử, có năng khiếu đọc diễn cảm và có khả năng nói tốt trước đông người, có năng khiếu làm MC, chơi cầu lông giỏi,… không nên chỉ dùng điểm số để có nhận xét khá, giỏi, trung bình theo thang điểm một cách cứng nhắc.
Đánh giá học sinh theo tinh thần khích lệ điểm nổi trội của từng em sẽ giúp các em tự tin hơn, tiến bộ hơn và thành công hơn!
Thực hiện được điều này, mới đúng “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, thầy cô giáo và các bậc cha mẹ học sinh đều vui với sự tiến bộ hàng ngày của con em mình, giảm thiểu những bức xúc không đáng có khi nói về việc học tập của con em mình ở trường.
Đó cũng là một trong những cách làm thiết thực đổi mới dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện, góp phần đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục và đào tạo nước nhà theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.
Hàng ngày mỗi chúng ta đều sử dụng tám loại hình thông minh nhưng cách thể hiện hoàn toàn khác nhau giống như cách kết nối các nốt nhạc để tạo thành một giai điệu riêng biệt.