Khi họng viêm có hạt

GD&TĐ - Viêm họng hạt là bệnh lý thuộc về đường hô hấp trên khá phổ biến, diễn biến mạn tính.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Viêm họng hạt là bệnh lý thuộc về đường hô hấp trên khá phổ biến, diễn biến mạn tính. Tình trạng tái phát nhiều lần làm các hạch lympho trên thành họng phản ứng phì đại theo nhiều kích cỡ khác nhau và trông giống như các hạt.

Nguy cơ cao với người nghiện bia - rượu

Bệnh viêm họng hạt thường gặp ở người trưởng thành hơn là các đối tượng khác. Nguyên nhân gây bệnh chính là sự xâm nhập của các tác nhân từ bên ngoài như virus, vi khuẩn và nấm.

Một “kịch bản” thường diễn ra là virus tấn công và phá hủy lớp niêm mạc họng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm xâm nhập, phát triển và gây viêm. Khi bệnh đang diễn ra, các hạch lympho chịu trách nhiệm chống đỡ bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây bệnh.

Bệnh diễn biến kéo dài tế bào lympho bị tiêu diệt nhiều, các hạch làm việc vất vả và suy kiệt. Điều này càng là điều kiện thuận lợi để tác nhân gây bệnh tấn công các hạch lympho mạnh mẽ hơn.

Hiện tượng viêm làm gia tăng kích thước của các hạch lympho khiến cho chúng nổi rõ trên thành họng như những cái hạt. Ngoài ra, các bệnh viêm họng khác, nếu như không được giải quyết tốt và dứt điểm thì biến chứng chủ yếu của chúng chính là bệnh viêm họng hạt.

Đối tượng nguy cơ cao của bệnh viêm họng hạt là những người nghiện bia rượu thuốc lá, thường xuyên ăn đồ ăn cay, nóng và tiếp xúc nhiều với môi trường độc hại hoặc ô nhiễm.

Có thể gây biến chứng

Trong chuyên môn, họng được chia thành 3 khu vực: Họng mũi, miệng và thanh quản. Ở người bình thường, niêm mạc miệng trơn láng và có màu sắc hồng. Khi bị viêm nhiễm, bề mặt niêm mạc trở nên sần sùi vì nổi lên các hạt, màu sắc biến đổi từ hồng sang đỏ hoặc tím. Những biểu hiện thường gặp điển hình gồm:

- Cảm giác khó chịu, họng ngứa, khô và nóng rát.

- Cảm giác vướng vì đàm đờm dính ở cổ họng, nhất là sau khi ngủ dậy. Người bệnh cố gắng khạc. Đờm thường đặc quánh, dẻo và có màu trắng đục.

- Khàn giọng và ho nhiều vào ban đêm, nhất là sau khi hút thuốc và uống nhiều bia rượu.

- Một số trường hợp người bệnh có sốt ở các mức độ khác nhau.

- Lúc ăn uống, có cảm giác nghẹn, vướng ở cổ họng.

Sau khi xuất hiện các biểu hiện trên, nếu như không được “giải quyết” kịp thời, bệnh có thể diễn biến nặng hơn, đặc biệt là ở người có sức đề kháng kém và tác nhân gây bệnh bên ngoài tiếp tục xâm nhập.

Bệnh viêm họng hạt có thể gây ra một số biến chứng, nhất là khi có điều kiện thuận lợi của sự thay đổi thời tiết. Các biến chứng thường thấy bao gồm:

- Viêm amidan có tác nhân từ viêm họng hạt, viêm nhiễm rộng vùng hầu họng, tiến triển thành áp xe.

- Gây bệnh lý cho toàn hệ thống tai mũi họng: Viêm thanh quản, viêm mũi dị ứng, viêm tai giữa và viêm xoang…

- Ho khạc máu (do ho nhiều gây vỡ các mạch máu nhỏ), diễn biến kéo dài gây stress tâm lý.

- Các bệnh liên quan miễn dịch: Viêm cầu thận, viêm khớp…

Ở một số bệnh nhân mắc bệnh kéo dài, các tổ chức lympho ở thành họng to lên thành hạt liên tục bị viêm nhiễm tái diễn, các tế bào niêm mạc miệng có nguy cơ bị biến đổi nhân và phát triển thành ung thư vòm họng.

Do đó, những người có vấn đề về họng và “thấy” có sự xuất hiện các hạt trên vòm họng thì cần phải đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để sớm xác định chính xác và điều trị hiệu quả.

Hướng điều trị và phòng tránh

khi hong viem co hat.jpeg
Ảnh minh họa: ITN

Sử dụng thuốc kháng sinh trong các trường hợp xác định nhiễm khuẩn hoặc nghi ngờ nhiễm khuẩn. Các loại thuốc kháng sinh không có tác dụng với nhiễm nấm và virus. Một số loại thuốc khác được chỉ định để làm nhẹ triệu chứng, mang lại sự an tâm và cảm giác dễ chịu cho người bệnh như thuốc giảm sốt, giảm đau rát họng, long đờm giảm ho...

Đối với những người không thích dùng thuốc Tây, sau đây là một số phương pháp điều trị theo Đông y lưu truyền trong dân gian và được nhiều người áp dụng:

- Tỏi: Ăn tỏi sống trực tiếp, chế biến thành các món hoặc ngâm rượu uống hàng ngày rất tốt cho người bệnh. Vì trong thành phần của tỏi chứa các chất kháng sinh tự nhiên có tác dụng loại trừ vi khuẩn và cả virus.

- Mật ong: Uống mật ong pha với nước ấm sẽ mang lại cảm giác dễ chịu ở cổ họng, vì mật ong có tính sát khuẩn và kháng viêm. Tuy nhiên, cần lưu ý để tránh dùng phải mật ong... rởm trên thị trường.

- Lá tía tô: Lá rau tía tô có vị cay nhẹ, tính ẩm, tác dụng giải độc rất tốt cho những người mắc bệnh đường hô hấp. Lá rau tía tô được sử dụng dưới hình thức rau sống hoặc chế biến các món ăn. Ngoài ra, lá tía tô phơi khô tán thành bột mịn để đành dùng dần, pha với nước ấm để uống vài lần trong ngày.

Lưu ý: Các phương pháp dân gian thường đơn giản, dễ thực hiện với “các chất liệu thuốc” rẻ tiền và có ngay quanh mình. Tuy nhiên, hiệu quả của các phương pháp này chậm và ít rõ rệt ngay.

Do đó, phương pháp dân gian chỉ phù hợp với các trường hợp bệnh nhẹ và mang tính chất hỗ trợ để làm giảm nhẹ các triệu chứng cho người bệnh. Các trường hợp bệnh nặng và nghi ngờ nặng cần phải có sự can thiệp chuyên sâu của các bác sĩ chuyên khoa chứ không thể tự ý điều trị.

Cách phòng bệnh: Giữ ấm cổ vào mùa lạnh, luôn giữ vệ sinh miệng sạch sẽ, chế độ ăn phù hợp và giàu chất dinh dưỡng. Hạn chế tối đa sự tiếp xúc với môi trường khói bụi và khói thuốc lá do người khác tạo ra. Rèn luyện thân thể qua thể dục thể thao nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.