Khi hoa hậu làm giảng viên

GD&TĐ - Bỏ qua những hào quang cùng những ồn ào của ngôi vị Hoa hậu Đại Dương Việt Nam năm 2017 và Á hậu 4 Hoa hậu Liên lục địa 2018 ở Philippines, Lê Âu Ngân Anh trở thành giảng viên ở Trường ĐH Hoa Sen (HSU, TPHCM).

Hoa hậu Ngân Anh đến thư viện trường để soạn giáo án. Ảnh: C.Chương
Hoa hậu Ngân Anh đến thư viện trường để soạn giáo án. Ảnh: C.Chương

Một người đẹp, hot girl đứng lớp sẽ khác gì với một giảng viên bình thường? Báo Giáo dục & Thời đại có cuộc trò chuyện với Lê Âu Ngân Anh.

Không muốn chạy theo các cuộc thi nhan sắc

- Cơ duyên nào khiến một hoa hậu quyết định rẽ hướng sang làm giảng viên ĐH? 

- Cuối năm 2019, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Salford (Anh), tôi quyết định tập trung cho sự nghiệp lâu dài và khởi đầu với vị trí quản lý phát triển dự án cho một công ty về đầu tư và tư vấn tài chính. Đến tháng 3/2020, Trường ĐH Hoa Sen liên hệ mời tôi về hợp tác giảng dạy. Đúng là một sự trùng hợp tình cờ, khi tấm bằng thạc sĩ của tôi thuộc chuyên ngành Quản trị sự kiện, đồng thời trong năm học 2020 – 2021, trường cũng là đơn vị tiên phong mở đào tạo trình độ ĐH chuyên ngành này. Tôi xem đây là một cơ hội tuyệt vời, đồng thời cũng là thách thức cho mình. Bởi tại thời điểm đó, môi trường làm việc trong lĩnh vực về giáo dục và những kỹ năng sư phạm còn mới mẻ. Muốn đi dạy, chắc chắn tôi phải trau dồi nhiều thêm nữa. 

- Ngân Anh mất bao lâu để chuẩn bị cho công việc này?

- Để trở thành giảng viên chính thức như hiện nay, ngoài trình độ về chuyên môn, soạn giáo án cho những môn học đảm nhiệm, trong suốt những tháng vừa qua tôi còn phải học thêm về những khóa đào tạo kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, những khóa giảng dạy bằng tiếng Anh, tham gia những buổi dự giờ, sinh hoạt chuyên môn từ các thầy cô đi trước để lấy kinh nghiệm. 
Vì ngành Quản trị sự kiện là hoàn toàn mới nên ngoài công việc giảng dạy, tôi còn đồng hành cùng các giảng viên cơ hữu trong khoa để phát triển cho chương trình đào tạo, liên kết với các doanh nghiệp để tạo cơ hội cho SV được thực hành, cọ xát với thực tế.

- Ngân Anh quyết định rời  xa showbiz? 

- Từ hai năm trước tôi đã nói chưa bao giờ xem hoạt động showbiz là một nghề lâu dài hay là nơi để kiếm thu nhập và đến bây giờ, tôi cũng vẫn giữ quan điểm đó. Tôi quyết định thi hoa hậu vì đó là ước mơ từ bé của mình, bản thân luôn muốn có nhiều trải nghiệm thú vị, đặc biệt là làm cho thanh xuân của mình thật rực rỡ, khó quên. Tôi nghĩ, chỉ vài lần vậy là đủ rồi. Tôi không muốn tuổi trẻ của mình chỉ mải miết chạy theo những cuộc thi về nhan sắc. 

Thời gian còn lại, tôi muốn đầu tư nhiều hơn về công việc, hoàn thành tiếp những mục tiêu phía trước. Đôi khi trong những sự kiện giải trí, nhận được sự chú ý nhất định nhưng nếu là danh vọng thì đó không phải là mục tiêu cuối cùng của tôi. Với cá tính thẳng thắn nên tôi thấy mình khá “nhạt”, không phù hợp với showbiz. Hoạt động nghệ thuật cần sự năng động, hoạt bát, hài hước… trong khi tôi lại khá nghiêm túc, cộng với việc không có tài lẻ nghệ thuật nào nên môi trường này không phải là thế mạnh để tôi vùng vẫy. 

- Chị có nghĩ mình phù hợp và đi theo hẳn con đường làm một giảng viên ĐH?

- Như tôi đã từng chia sẻ, tính cách của mình không phù hợp với showbiz. Tuy nhiên, những công việc hiện tại tôi đang làm, từ việc quản lý phát triển dự án đến giảng viên đều đầy thách thức, chứ không hề an nhàn, thuận lợi. Đó là chưa kể đến vai trò giảng viên, khi mà ít nhiều thầy cô trong trường và SV biết đến mình. Giả sử, tôi có mắc sai sót gì thì cũng sẽ bị lan truyền rất nhanh. Do đó, giảng viên không phải là một con đường để tôi bao bọc mình lại trong vùng an toàn đâu.

Dễ đồng cảm, chia sẻ với SV

ThS Lê Âu Ngân Anh chia sẻ kinh nghiệm cho các tân sinh viên. Ảnh: NVCC
ThS Lê Âu Ngân Anh chia sẻ kinh nghiệm cho các tân sinh viên.     Ảnh: NVCC

- Là một giảng viên trẻ tuổi, Ngân Anh nghĩ mình cần thêm những gì để tự tin trước SV - những bạn trẻ chỉ kém Ngân Anh ít tuổi?

- Tôi nghĩ, trẻ tuổi vừa là ưu thế nhưng cũng là yếu tố khiến mọi người có thể có sự hoài nghi về kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm. Tôn chỉ đào tạo của Trường ĐH Hoa Sen là định hướng ứng dụng thực tế, cho nên giảng viên vừa phải nắm vững kiến thức chuyên môn, vừa phải có kinh nghiệm thực tiễn để hướng dẫn các đề án, các dự án thực hành của SV.

Ngoài kiến thức học thuật trong ngành Quản trị sự kiện đã học trong chương trình thạc sĩ tại Anh, tôi cũng đã có kinh nghiệm tổ chức những sự kiện M.I.C.E cho những doanh nghiệp mình làm việc. Bên cạnh đó, ở mảng sự kiện văn hóa - nghệ thuật - giải trí, tôi cũng có lợi thế về kinh nghiệm thực tế khi đã có cơ hội tham gia nhiều chương trình trong lĩnh vực này suốt 3 năm qua. Ngoài ra, tôi cũng kết nối những mối quan hệ sẵn có của mình với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sự kiện - truyền thông để mời họ về định hướng, chia sẻ với SV qua những buổi workshops. 

Còn tại sao tôi lại nói trẻ tuổi là một lợi thế? Khi không có khoảng cách quá xa về độ tuổi thì mình có thể nắm bắt tâm lý của SV được thuận lợi hơn. Đồng thời khi hiểu SV cần gì, mong muốn điều gì, thì sẽ dễ có sự tương tác, trao đổi với các bạn hơn. SV ngày nay đặc biệt rất năng động, chủ động và sáng tạo nên một giảng viên như tôi để tự tin hơn thì có lẽ là định hình phong cách giảng dạy để vừa mang nét riêng của mình, vừa truyền đạt chính xác kiến thức chuyên môn với những phương pháp sinh động, dễ hiểu, lấy SV làm trung tâm.

- Trong môi trường sư phạm, với vai trò là giảng viên trẻ lại nổi tiếng, Ngân Anh có gặp khó khăn khi tương tác với người học?

- Thời tôi còn đi học, thầy cô và HS thường có khoảng cách với nhau, ít có sự tương tác, như vậy vô tình làm giảm đi ít nhiều hiệu quả giáo dục. Tôi không muốn có khoảng cách như vậy với SV của mình. Tôi muốn có sự gần gũi, thu hẹp khoảng cách để SV có cơ hội tương tác với mình nhiều hơn. Thực tế, SV chỉ kém tôi 3 - 4 tuổi, ngoài đời có thể xưng hô là chị em. Nhưng tôi nghĩ mình có lợi thế nắm bắt được tâm lý của các bạn nên sẽ không quá khó khăn trong việc tương tác, chia sẻ. 

Khi đi dạy, tôi vẫn giữ phong cách hằng ngày của mình là nữ tính, thanh lịch. Tôi vẫn mặc đầm váy, thậm chí đồ hiệu nhưng không quá ngắn, hở hang hay có họa tiết cầu kỳ để tránh làm SV bị phân tâm. Tôi quan niệm, đây là môi trường sư phạm chứ không phải thảm đỏ sự kiện.

Do đó, khi là giảng viên, chuyện ăn mặc cần phải chú trọng, bảo đảm khi xuất hiện trước SV lúc nào cũng chỉn chu, lịch sự. Còn trong lớp học, tôi có nguyên tắc không được chụp hình hay quay phim khi tôi đang giảng bài. Các bạn có thể sử dụng điện thoại, hoặc chụp lại bài giảng. Tôi muốn SV chú tâm đến nội dung bài giảng, chứ không phải ngồi trong lớp để xem tôi là một người đẹp đi dạy học.

- Xin cảm ơn Ngân Anh!

Tôi không tiếp cận công việc giảng dạy để làm hình ảnh cho mình. Bất cứ công việc nào tôi làm tôi đều xác định đây không phải là cuộc dạo chơi. Muốn trở thành giảng viên được công nhận về mặt chuyên môn, tôi phải nỗ lực rất nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.