Khi giáo viên nghề phát huy khả năng sáng tạo

GD&TĐ - Trong bối cảnh các trường nghề gặp khó khăn về việc tuyển sinh và thiếu thốn thiết bị dạy nghề thì có trường vẫn trụ vững và phát triển tốt. “Chìa khóa” chính là đầu tư cho đội ngũ, cơ sở vật chất. 

Khi giáo viên nghề phát huy khả năng sáng tạo

Đặc biệt là nhà trường đã tận dụng được sức sáng tạo, niềm đam mê của giáo viên dạy nghề. Nhờ đó mà nhiều thiết bị dạy nghề tự làm được ra đời, phục vụ giảng dạy, phát huy tối đa tính ứng dụng thực tiễn…

Dạy nghề đối mặt nhiều thách thức

Đến nay, hệ thống trường nghề ở nước ta phát triển rộng khắp, kéo theo đó là số lượng người học nghề cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều trường nghề, đặc biệt là trường nghề đang gặp nhiều khó khăn vì không tuyển được người học. Nguyên nhân được xác định là cơ cấu nghề đã lỗi thời, chưa đa dạng nên không “hút” được người vào học nghề. Song song đó là thiết bị dạy nghề cũng chưa được đầu tư tương xứng hoặc thiết bị dạy nghề đã cũ, xuống cấp…

Trong khi đó nhu cầu sử dụng lao động trong bối cảnh hội nhập hiện nay yêu cầu cao về mọi mặt. Đây là vấn đề đặt ra cho lĩnh vực dạy nghề một cách cấp thiết.

Theo chia sẻ của một số giáo viên dạy nghề, thiết bị, đồ dùng dạy học có vị trí rất quan trọng trong đào tạo, đặc biệt trong dạy nghề. Bởi yêu cầu thực hành, thực tế là khâu quan trọng đối với việc hình thành nghề nghiệp cho người lao động sau đào tạo. Thực trạng trang thiết bị dạy nghề ở không ít cơ sở dạy nghề vừa thiếu, vừa cũ, lạc hậu và không đồng bộ sẽ là rào cản lớn trong việc đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.

Trước khó khăn đặt ra cho trường nghề, một số địa phương đang tính cách quy hoạch lại hệ thống trường nghề, còn một số trường nghề phải giải thể. Tuy nhiên, có những trường nghề vẫn trụ vững và “ăn nên làm ra” nhờ linh động trong đào tạo và phát huy nội lực. Trong đó, ngoài chương trình, giáo viên thì thiết bị không thể thiếu để giúp học viên có tay nghề vững vàng khi ra trường. “Chìa khóa” thành công chính là kích thích đội ngũ sáng tạo thiết bị dạy nghề.

Đây là cơ hội để đội ngũ giáo viên, học sinh và sinh viên phát huy tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo trong việc tạo nên các thiết bị đào tạo có chất lượng phù hợp với chương trình đào tạo, sát với thực tế sản xuất để ứng dụng vào thực tiễn dạy học, đồng thời tiết kiệm kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị. Nhờ cách làm này mà nhiều trường nghề không ngồi chờ đầu tư từ các bộ, ngành, doanh nghiệp mà đã tập trung cho phát huy sáng tạo, tự lực thiết kế sản xuất, lắp ráp các thiết bị dạy nghề để vừa nâng cao chất lượng dạy nghề, vừa thu hút người học…

Khuyến khích giáo viên sáng tạo

Trung tâm dạy nghề Tây Đô (TP Cần Thơ) là cơ sở dạy nghề đạt giải nhất Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ 5 (năm 2016) vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ. Với mô hình “Hệ thống điện - đèn - còi xe gắn máy Yamaha Nouvo SX”, thầy trò của Trung tâm dạy nghề Tây Đô đã chinh phục được ban giám khảo với tính sư phạm cao, ứng dụng thực tế giảng dạy rất dễ hiểu. Đặc biệt là giá thành của thiết bị dạy học rẻ hơn rất nhiều so với thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngoài mô hình đạt giải nhất tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ 5, Trung tâm dạy nghề Tây Đô cũng là “cây sáng kiến” và từng đạt giải nhì ở Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp quốc gia tổ chức năm 2010 với mô hình “Hệ thống phun xăng đánh lửa điện tử xe gắn máy Future Fi”; giải ba Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp quốc gia năm 2013 với mô hình “Hệ thống điện - đèn - còi xe gắn máy Nozza Yamaha”...

Để tồn tại và phát triển, Trường CĐ nghề Cần Thơ cũng linh động trong việc khuyến khích giáo viên sáng tạo. Với nhiều biện pháp khuyến khích giáo viên tham gia sáng tạo thiết bị đào tạo nghề nên trong 2 năm trở lại đây, Trường CĐ nghề Cần Thơ đã có 10 thiết bị tự làm mới được đưa vào phục vụ giảng dạy.

Theo chia sẻ của lãnh đạo nhà trường, các thiết bị đào tạo được giáo viên trường nghiên cứu, tự làm để phục vụ nhu cầu dạy và học thực tế chứ không phải chỉ để mục đích tham gia các hội thi. Vì thế, thiết bị đảm bảo chất lượng tốt, có tính kết nối, giảng dạy được nhiều môn học và còn nhiều hướng cải tiến, nâng chất mô hình... Kết quả là trong 6 thiết bị tham gia tranh tài ở Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ 5 vừa qua, nhà trường có 4 thiết bị đạt giải (với 2 giải nhất và 2 giải nhì).

Thực tế được các trường nghề xác định, một khi tinh thần sáng tạo và niềm đam mê của giáo viên dạy nghề được “chắp cánh” thì công tác dạy, học sẽ vận hành trơn tru và đạt hiệu quả tích cực. Những thiết bị đào tạo nghề được thiết kế từ chính đôi tay, khối óc của đội ngũ giáo viên tâm huyết không phải để dự thi xong rồi về “bỏ trong ngăn tủ” mà quan trọng là tiếp tục được đưa vào phục vụ giảng dạy, phát huy tối đa tính ứng dụng thực tiễn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ