Khi giám đốc rời doanh nghiệp đứng trên giảng đường dạy học

GD&TĐ - Thay vì nghe những bài giảng đơn thuần trên lớp đôi khi trở nên khô khan, tẻ nhạt và thiếu sinh động…sinh viên cần có những lớp học kiểu mới với giảng đường là các doanh nghiệp lớn và giám đốc chính là giảng viên. 

Khi giám đốc rời doanh nghiệp đứng trên giảng đường dạy học

Tại Việt Nam, hiện có rất ít trường Đại học triển khai thành công mô hình giảng dạy tiến tiến này.

Có nhiều báo cáo cho thấy thực trạng sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp hay không tìm được việc làm theo đúng ngành nghề mong muốn xuất phát từ việc sinh viên thiếu kĩ năng hoặc không am hiểu về nhu cầu thực sự của doanh nghiệp mà mình ứng tuyển.

Bên cạnh các hoạt động hướng nghiệp, việc tạo cơ hội cho sinh viên tiếp xúc với doanh nghiệp từ giai đoạn sớm là rất cần thiết. Việc này giúp sinh viên có cái nhìn rõ ràng hơn về mô hình hoạt động hay cấu trúc tổ chức của các doanh nghiệp cũng như nâng cao am hiểu cá nhận về văn hoá làm việc của các công ty, tạo thuận lợi hơn trong quá trình xin việc sau này. Xuất phát từ nhu cầu đó, có một trường Đại học tại Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc mang lớp học vào doanh nghiệp.

Không chỉ là hoạt động tham quan doanh nghiệp đơn thuần, sinh viên tham gia những buổi học tại chính các doanh nghiệp như Deloitte, Mitsubishi, Honda, Ajinomoto Vietnam…và giảng viên chính là giám đốc, các cấp quản lý tại doanh nghiệp đó. Những kiến thức sách vở hằng ngày tưởng như khô khan trở nên thu hút và sống động hơn rất nhiều qua những câu chuyện thực tế của những vị giám đốc trực tiếp sâu xát làm việc trên thị trường. Sinh viên cũng được giao bài tập đính kèm yêu cầu mỗi cá nhân chủ động tìm hiểu, phân tích trong quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội quý giá để sinh viên tìm hiểu về cấu trúc, mô hình tổ chức và nguyên tắc vận hành của doanh nghiệp từ đó giúp khắc sâu những kiến thức chuyên ngành đã học và có sự am hiểu nhất định về văn hoá làm việc tại các công ty. Các thắc mắc của các bạn sinh viên cũng được giải thích cặn kẽ và có tính áp dụng cao với từng ngành nghề khác nhau trong tình huống thực tế.

Chủ nhiệm bộ môn Bussiness tại Đại học Greenwich (Việt Nam) chia sẻ “Nhận thấy môi trường học tập phải thay đổi phù hợp với những kiến thức xã hội thực tiễn đang thay đổi từng ngày, tôi mong muốn các bạn sinh viên trải nghiệm được rõ hơn những kiến thức các bạn học thực tế tại doanh nghiệp đối với mỗi môn học.

Khi được chính những người quản lý, giám đốc một cơ sở chia sẻ về những lĩnh vực cụ thể trong nhiều ngành nghề khác nhau đó là ví dụ cụ thể nhất để các bạn thống kê lại kiến thức và áp dụng vào công việc bản thân của mình”.

Chia sẻ về những buổi học mới mẻ mà mình đã được tham gia, Nguyễn Nhật Huy – Sinh viên chuyên ngành Quản trị Kinh Doanh tại Đại học Greenwich (Việt Nam) chia sẻ “Thực ra, không tham gia các buổi học em và các bạn vẫn có thể tìm hiểu thông tin trên mạng để làm bài tập được giao.

Nhưng các buổi học tại Doanh nghiệp luôn có sức hấp dẫn với em và các bạn sinh viên. Vì đây là kiến thức thực tế cũng là cơ hội mà mình được trải nghiệm rõ hơn, chính xác hơn bằng những cảm nhận của bản thân. Hơn nữa, những chuyến đi học tại doanh nghiệp giống như một chuyến đi dã ngoại, ngoài bài học về kiến thức còn có những kiến thức về doanh nghiệp như: quy mô, quy trình sản xuất, mục tiêu hoạt động…giúp em mở rộng vốn kiến thức của mình.”

Đại học Greenwich (Việt Nam) đang tiến tới mục tiêu vào các kỳ học tiếp theo, mỗi lớp học sẽ có trên 50% thời gian học tại doanh nghiệp. Mô hình giảng dạy này như một cơn gió mới giúp sinh viên tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả hơn đồng thời nâng cao kỹ năng tư duy, khuyến khích sự chủ động học hỏi trong môi trường xã hội luôn thay đổi.

Khi giám đốc rời doanh nghiệp đứng trên giảng đường dạy học ảnh 1Khi giám đốc rời doanh nghiệp đứng trên giảng đường dạy học ảnh 2Khi giám đốc rời doanh nghiệp đứng trên giảng đường dạy học ảnh 3

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ