Thay vì đầu tư vào chăm sóc sức khỏe cho người dân, lãnh đạo nhiều nước và giới thượng lưu quyền lực ở châu Phi có truyền thống điều trị ở nước ngoài. Tổng thống Robert Mugabe của Zimbabwe đã qua đời tại một bệnh viện ở Singapore vào năm 2019; Tổng thống Paul Biya của Cameroon thường xuyên chữa bệnh ở nước ngoài; Tổng thống Nigeria, ông Muhammadu Buhari điều trị dài ngày tại London trong năm 2017...
Ở nhiều nước châu Phi, việc chăm sóc sức khỏe không được ưu tiên trong chi tiêu của chính phủ, nhất là khi các nhà lãnh đạo của các nước này thường đi chữa bệnh ở nước ngoài. Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Phi phải nhận ra rằng, việc đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe công cộng sẽ mang lại lợi ích cho họ và người dân trong cuộc khủng hoảng này.
Số lượng nhiễm Covid-19 trên khắp châu Phi đang tăng theo cấp số nhân. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây đã báo cáo rằng, số ca mắc bệnh ở châu Phi hiện nay đã vượt qua con số 11.000, với 600 trường hợp tử vong. Các chuyên gia lo ngại hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nhiều nước châu Phi không thể xử lý một đợt bùng phát hàng loạt Covid-19.
Đại dịch khiến các cơ sở y tế tràn ngập bệnh nhân. Máy thở vẫn còn là một điều xa xỉ ở một số nước châu Phi. Trong lúc các quốc gia giàu có lo ngại rằng hàng nghìn máy thở mà họ có sẽ vẫn không đủ, thì Cộng hòa Trung Phi chỉ có ba máy thở cho năm triệu người. Rõ ràng, cơ hội cho các quốc gia nghèo như Trung Phi trong cuộc chiến chống lại Covid-19 vô cùng hiếm hoi.
Tình trạng cũng cực kỳ tồi tệ ở Zimbabwe. Nhân viên y tế tại các bệnh viện quốc gia cho biết, họ thiếu những công cụ cơ bản như găng tay để chăm sóc bệnh nhân. Nhiều y tá và bác sĩ đã từ chối làm việc để phản đối sự thiếu hụt thiết bị bảo vệ sau khi nước này ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên vào tháng trước.
Một số bệnh viện công ở Uganda đã trở thành “cái bẫy chết người” do nhiều năm bị lãng quên, trong khi người dân vẫn phải chi trả cho các chuyến đi chữa bệnh ở nước ngoài cho lãnh đạo. Theo UNICEP, từ năm 2019 đến 2020, Uganda đã giảm chi ngân sách quốc gia cho y tế, chỉ còn 8,9% so với 9,2% của năm tài khóa trước.
Những con số cho thấy, các nhà lãnh đạo châu Phi đã liên tục bỏ bê ngành y tế của đất nước họ mặc dù có nhiều cam kết sẽ cải thiện vấn đề này. Năm 2001, các nguyên thủ quốc gia của 52 quốc gia châu Phi đã gặp nhau tại thủ đô Abuja của Nigeria và cam kết chi 15% ngân sách nội địa hàng năm cho y tế. Chỉ một số ít các quốc gia đã đạt được mục tiêu này, bao gồm Tanzania, Rwanda, Botswana và Zambia. Đa số các nước khác không hoàn thành cam kết này. Nigeria đã phân bổ ít hơn 6% ngân sách cho y tế, hầu hết các khoản tiền được chi cho tiền lương.
Trong một bài báo được xuất bản bởi Viện Brookings, các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù châu Phi chiếm tới 23% gánh nặng bệnh tật của thế giới vào năm 2015, nhưng chi tiêu y tế ở châu lục này chỉ chiếm 1% chi tiêu y tế toàn cầu.