Khi con trẻ là 'nạn nhân' của người lớn: 'Chiêu' cũ tái diễn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều trẻ trở thành nạn nhân khi bị ngăn đến trường để tạo áp lực lên chính quyền địa phương về một chủ trương liên quan đến đời sống KTXH...

Một góc thư viện Trường Tiểu học Hòa Bắc xây dựng mới tại thôn Phò Nam được đầu tư hiện đại, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Ảnh: PV
Một góc thư viện Trường Tiểu học Hòa Bắc xây dựng mới tại thôn Phò Nam được đầu tư hiện đại, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Ảnh: PV

Ngăn học sinh đến trường để tạo áp lực lên chính quyền địa phương về một chủ trương liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội là câu chuyện không mới nhưng lặp lại nhiều lần ở một số nơi. Các em trở thành nạn nhân khi bị lôi kéo, dụ dỗ, thậm chí là ngăn cản việc đến trường.

Buộc trẻ nghỉ học để gây áp lực

Gần 3 tuần sau khai giảng năm học 2023 - 2024, một số học sinh Trường Tiểu học Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng) mới đến trường học buổi đầu tiên. Em N.B.N - học sinh lớp 2 cho biết, được đi học trở lại, em rất vui vì gặp cô giáo, bạn bè. Ở nhà không có ai chơi cùng vì các bạn đến trường hết. Còn em N.H.Y.N kể, mỗi buổi sáng, nhìn các anh chị gần nhà đi học, em muốn đến trường. Đi học vừa có bạn chơi cùng lại không mất bài.

Trong khi các bạn cùng trường náo nức gặp bạn bè sau kỳ nghỉ hè thì 54 học sinh trú tại thôn Nam Yên (Hòa Vang, TP Đà Nẵng) không có ngày khai giảng. Thay vì đưa con đến trường mới được đầu tư hiện đại, phụ huynh đưa con đến điểm trường cũ không được sử dụng.

Mấy chục em mặc đồng phục học sinh, ngồi ở hành lang rồi bày đủ trò chơi. Nhưng tự chơi với nhau mãi cũng chán. Trong khi đó, phụ huynh đứng ngồi, tụ tập bàn tán, phản đối việc chuyển học sinh về trường mới xây dựng với kinh phí khoảng 24 tỷ đồng.

Ngôi trường mới này được xây dựng tại thôn Phò Nam, các phụ huynh cho hay, từ nhà tới trường mất khoảng 2km. Trong khi đó, hầu hết làm công nhân, nương rẫy nên không có người đưa đón. Từ trước đến nay, phần lớn học sinh đi bộ đến học tại điểm trường thôn Nam Yên. Em nào nhà ở xa thì tự đạp xe hoặc có ông bà đưa đón.

Theo thông tin từ ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng GD&ĐT Hòa Vang, những ngày đầu, một số học sinh lớp lớn, đạp xe đến trường mới nhưng không dám vào bên trong vì sợ ba mẹ. Hàng chục học sinh phải đến trường cũ chỉ để chơi vì phụ huynh không đưa đi học ở trường mới. Trong khi bạn bè đã học những bài học đầu tiên của năm học mới.

Cũng lấy việc học của trẻ để gây áp lực lên chính quyền, từ ngày 18/10, rải rác các lớp học tại trường mầm non, tiểu học và THCS tại xã Hải Hà (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) có học sinh nghỉ học. Đỉnh điểm nhất, ngày 23/10, đông người dân kéo theo con em độ tuổi đến trường tập trung ra khu vực bờ biển để phản đối, ngăn chặn thi công công trình cảng container Long Sơn số 3.

Chia sẻ của cô Phan Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Hà: “Một số người dân phân công nhau bắt học sinh nghỉ học. Có em nghỉ một ngày, em nghỉ 2 - 3 ngày rồi lại đi học trở lại. Cùng việc báo cáo tình hình với Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn, nhà trường chỉ đạo giáo viên tập trung vận động phụ huynh cho con em đến trường học tập”.

Cứ đầu buổi học, nếu thấy học sinh vắng, giáo viên sẽ gọi điện cho phụ huynh. Phải có sự đồng ý của phụ huynh thì nhà trường mới được phép đến nhà đón các em đi học. Có tình trạng cô giáo đến nhà đón học sinh ra lớp thì bị một số người đe dọa. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, phòng GD&ĐT thị xã yêu cầu các trường khi cử giáo viên đến nhà vận động phụ huynh cho con ra lớp phải báo cáo công an xã để cử cán bộ, chiến sĩ đi cùng.

Học sinh Trường Tiểu học Hòa Bắc trong một giờ học. Ảnh: PV

Học sinh Trường Tiểu học Hòa Bắc trong một giờ học. Ảnh: PV

Dạy bù, học đuổi

Trong số 54 em bị ngăn cản đến trường tại Hòa Bắc, đa phần là học sinh khối lớp 1, lớp 4 và 5. Trong thời gian học sinh ở nhà, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Hòa Bắc đã hướng dẫn giáo viên gửi bài vào nhóm Zalo lớp để phụ huynh chưa đưa con đến trường có thể xem, hỗ trợ con tự học. Đây cũng là cách nhà trường giữ mối liên lạc với gia đình.

Sau 3 tuần tích cực vận động, đối thoại, những nỗ lực của ngành Giáo dục và chính quyền huyện Hòa Vang đã có kết quả, học sinh điểm trường thôn Nam Yên được đi học trở lại.

Tuần cuối tháng 9 và suốt tháng 10, Trường Tiểu học Hòa Bắc đã lên lịch vào ngày cuối tuần để bù đắp kiến thức cho học sinh đi học muộn hơn các bạn. Cô Dương Thị Mai - giáo viên chủ nhiệm lớp 2/2 kể: “Từng thầy, cô sẽ hỗ trợ các em bắt kịp kiến thức. Trong đó, vừa đảm bảo cho học sinh không bị áp lực nhưng vẫn nắm vững kiến thức trọng tâm”.

Còn theo cô Nguyễn Thị Như Ngọc - Tổ trưởng tổ chuyên môn khối 4, giáo viên trong tổ phân chia nhau dạy bù vào các ngày cuối tuần chứ không chỉ giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh nghỉ học đảm nhiệm.

Trong khi đó, các trường học ở xã Hải Hà giao cho giáo viên chủ động, linh hoạt việc bù lấp kiến thức cho số học sinh vắng học vì áp lực từ phụ huynh. Bà Vũ Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn cho biết: “Qua nắm số lượng học sinh các trường tiểu học, THCS Hải Hà thì không em nào nghỉ học suốt một tuần. Em vắng nhiều nhất chỉ 2 - 3 buổi. Số học sinh vắng học không tập trung vào một lớp nào mà nằm rải rác các khối lớp. Vì vậy, rất khó để tổ chức lớp phụ đạo cho học sinh bởi thời khóa biểu của THCS khác nhau giữa các lớp”.

Ban giám hiệu các trường học trên địa bàn xã Hải Hà đã giao cho giáo viên chủ nhiệm và bộ môn chủ động, linh hoạt trong việc bổ sung kiến thức cho học sinh. “Thầy cô căn cứ vào khả năng tiếp thu của từng học sinh cũng như số buổi học các em vắng để hướng dẫn nhiệm vụ học tập cho phù hợp. Ưu tiên không để em nào bị hụt kiến thức, không theo kịp bài học mới”, bà Vân thông tin.

Anh Đ.X.V - phụ huynh Trường Tiểu học Hòa Bắc cho biết, thời điểm nhà trường tổ chức dạy bù, thứ Bảy, Chủ nhật nào anh cũng đưa đón con mất 4 vòng. “Chuyện qua rồi, tôi không muốn nhắc lại nữa. Nhưng mình phải thu xếp thời gian, công việc để việc học của con không bị ảnh hưởng”, anh V chia sẻ.

So với một số bạn, em N.N.K.V - học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Hòa Bắc chỉ nghỉ học 1 tuần. V kể: “Trong thời gian nghỉ học, em tự soạn sách vở ra học bài nhưng ‘cái thì hiểu, cái không’, bài nào không làm được em đành bỏ trống. Khi được ba mẹ cho đi học trở lại, em rất vui nhưng có chút bỡ ngỡ vì chưa kịp làm quen với trường mới. Trong khi các bạn đã thông thuộc hết rồi”.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ