Khi con trẻ là 'nạn nhân' của người lớn: Bảo đảm cho trẻ được nuôi dạy an toàn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, song dường như chưa hoặc ít đi vào cuộc sống.

Sau ngày khai giảng năm học 2022 - 2023, hàng trăm học sinh ở xã Lạng Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) chưa được đến trường vì người lớn phản đối việc sáp nhập trường. Ảnh minh họa: INT
Sau ngày khai giảng năm học 2022 - 2023, hàng trăm học sinh ở xã Lạng Sơn (Anh Sơn, Nghệ An) chưa được đến trường vì người lớn phản đối việc sáp nhập trường. Ảnh minh họa: INT

Các luật sư, chuyên gia giáo dục có những phân tích và đề xuất để qua đó đảm bảo cho trẻ em được chăm sóc, nuôi dạy và phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Luật sư Trịnh Văn Tuyến - Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Phạt đủ răn đe

Luật sư Trịnh Văn Tuyến. Ảnh: NVCC

Luật sư Trịnh Văn Tuyến. Ảnh: NVCC

Hiện hệ thống quy định pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của nước ta cơ bản đầy đủ và toàn diện. Tuy nhiên, thực tế hành vi ngược đãi, bạo hành, bóc lột, xâm phạm tinh thần, sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm… trẻ em chưa được đẩy lùi, thậm chí có chiều hướng gia tăng.

Bằng chứng là trên các phương tiện truyền thông, báo chí liên tục xuất hiện thông tin, hình ảnh về những vụ việc đau lòng mà ở đó, trẻ em là nạn nhân.

Để bảo đảm trẻ em được chăm sóc, nuôi dạy và phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh thì nhất định cần làm cho người lớn, gia đình, cộng đồng, xã hội nhận thức, hiểu rõ tầm quan trọng của “chủ nhân tương lai” đất nước. Muốn vậy, ngay trong mỗi gia đình, lớp học, nhà trường, trẻ em phải được tôn trọng, chăm sóc, bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mọi nơi, mọi lúc.

Theo quy định, trường hợp cha, mẹ, người chăm sóc có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em thì bị phạt từ 20 đến 25 triệu đồng. Điều 22, Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em, mức từ 10 đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn chịu mọi chi phí để khám, chữa bệnh (nếu có) và buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em.

Các hành vi bị coi là bạo lực đối với trẻ theo quy định tại Điều 22 gồm: Bắt nhịn ăn, uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển; Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần và thường xuyên đe dọa bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi...

Trường hợp xâm hại quyền của trẻ em ở mức nghiêm trọng và bị xác định là nguy hiểm đối với xã hội sẽ bị xử lý hình sự. Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa từng hành vi tương ứng với từng tội danh cụ thể đối với chủ thể xâm hại tình dục trẻ em, gồm các tội như: Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Trong đó, người phạm tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi và tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi có thể phải chịu mức án cao nhất lên đến tù chung thân hoặc tử hình.

Tương tự, Bộ luật Hình sự cũng có các chế tài, tội danh về ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu; người khác; mua bán người hoặc các tội cố ý gây thương tích; giết người, trong đó nếu bị hại là trẻ em thì đây luôn là tình tiết định khung, định tội hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội...

Tất cả điều nêu trên cho thấy, pháp luật nước nước ta về cơ bản có đầy đủ các quy định nhằm nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trẻ em được sống, phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh. Vì thế mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ, chủ động ứng xử phù hợp với trẻ em.

Luật sư Diệp Năng Bình – Văn phòng Luật sư Tinh thông luật (Hà Nội): Tăng cường kiểm tra, giám sát

Luật sư Diệp Năng Bình. Ảnh: NVCC

Luật sư Diệp Năng Bình. Ảnh: NVCC

Để Luật Trẻ em đến gần với người dân và phụ huynh, có thể thực hiện những biện pháp như tăng cường, tổ chức chương trình giáo dục, hội thảo, chiếu phim để thông tin về Luật Trẻ em có thể được truyền đạt đến cộng đồng dễ dàng và rõ ràng.

Sử dụng phương tiện truyền thông như: Quảng cáo truyền hình, radio, mạng xã hội để lan truyền thông điệp về Luật và quyền lợi của trẻ em.

Tạo ra và phát triển các tài liệu hướng dẫn, bản tin thông tin và sách báo về Luật Trẻ em, đưa thông tin rõ ràng, dễ hiểu đến cộng đồng và phụ huynh. Hợp tác với cơ sở giáo dục tổ chức các buổi thông tin, hội thảo cho phụ huynh tại trường học, đào tạo giáo viên về Luật trẻ em để họ có thể truyền đạt thông tin này đến học sinh và phụ huynh cũng như chủ động thực hiện quy định mà luật đề cập.

Tổ chức các hoạt động cộng đồng như ngày hội, cuộc thi, sự kiện từ thiện để tạo cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với cộng đồng về Luật trẻ em. Những biện pháp này có thể đưa Luật Trẻ em đến gần người dân và phụ huynh, từ đó nâng cao nhận thức đồng thời tuân thủ quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của trẻ em tại Việt Nam.

Để xử lý, răn đe các vụ bạo hành, lợi dụng trẻ em, học sinh vào một số hoạt động xã hội của người lớn thì trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức xã hội rất quan trọng. Một số biện pháp cần thực hiện là:

Thứ nhất, phát triển và áp dụng chính sách, quy định và luật pháp cụ thể để bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành và lợi dụng trong các hoạt động xã hội của người lớn. Các biện pháp này có thể bao gồm việc thiết lập quy trình báo cáo, xử lý khiếu nại, xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ.

Nâng cao nhận thức thông qua tổ chức chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chức năng, giáo viên và người chăm sóc trẻ để có kỹ năng nhận biết, phòng ngừa, xử lý tình huống liên quan đến bạo hành, lợi dụng trẻ em trong hoạt động xã hội. Đồng thời, cung cấp dịch vụ hỗ trợ tâm lý, y tế và pháp lý cho nạn nhân, gia đình bị ảnh hưởng bởi bạo hành và lợi dụng trẻ em.

Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo tuân thủ quy định và ngăn chặn hành vi lạm dụng trẻ em trong các hoạt động xã hội của người lớn.

Để hạn chế tối đa những vụ bạo hành và lợi dụng trẻ em trong hoạt động xã hội của người lớn, tôi khuyến nghị: Tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bạo lực gia đình và lợi dụng trẻ em. Xây dựng các chương trình giáo dục về kỹ năng làm cha mẹ để giúp phụ huynh hiểu rõ hơn việc nuôi dạy con cái và phòng ngừa bạo hành trẻ em.

Tạo ra môi trường an toàn, hỗ trợ thông qua thúc đẩy báo cáo và xử lý nhanh chóng các trường hợp nghi ngờ về bạo hành và lạm dụng trẻ em. Tăng cường kiểm soát và giám sát trong hoạt động xã hội mà trẻ em tham gia, bao gồm giáo dục, thể thao, và các hoạt động nghệ thuật. Các biện pháp này cần sự phối hợp chặt chẽ từ phía cộng đồng, tổ chức xã hội và chính quyền để đảm bảo an toàn và bảo vệ tốt nhất cho trẻ.

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội: Hiểu luật để chuyển biến nhận thức, hành vi

PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: NVCC

PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: NVCC

Hành vi ngăn cản trẻ em tới trường, lôi kéo, thao túng tâm lý ép buộc bỏ học, nghỉ học là vi phạm pháp luật theo điều Điều 30 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định cấm cản trở quyền học tập của trẻ em có thể phải nộp phạt từ 1 đến 3 triệu đồng.

Nếu những hành vi này đến từ phụ huynh, sử dụng chúng như công cụ tạo áp lực lên chính quyền địa phương thì cần thêm sự nhìn nhận về khía cạnh phổ biến pháp luật của xã hội; đặc biệt là việc phổ biến Luật Trẻ em, Luật Giáo dục đến các phụ huynh.

Mặc dù theo kết quả khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2022, có 91,7% người dân biết đến Luật Trẻ em; nhưng có lẽ bộ phận hiểu được luật, từ nhận thức chuyển biến thái độ và dẫn đến hành vi phù hợp có thể chưa cao như con số khảo sát. Ngoài ra, cũng có sự khác biệt giữa vùng miền, nông thôn, thành thị, các nhóm nghề nghiệp của cha mẹ.

Những giải pháp cho vấn đề này là cần tiếp tục. Trong đó có tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quyền được đi học của trẻ em; tăng cường đầu tư cho giáo dục, đặc biệt giáo dục vùng sâu, xa, khó khăn. Cũng cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi xâm hại, bóc lột trẻ em, các hình thức bạo lực và ngăn chặn trẻ đến trường.

Với chủ trương, chính sách sáp nhập, di chuyển điểm trường, nhà trường có thể truyền thông trước để giúp phụ huynh hiểu rõ và đồng thuận ủng hộ.

Công việc cụ thể có thể tham khảo thực hiện là: Tổ chức họp phụ huynh toàn trường để thông báo kế hoạch sáp nhập, di dời điểm trường. Tại buổi họp, nhà trường cần cung cấp đầy đủ thông tin về mục đích, lợi ích, tác động, lắng nghe ý kiến, góp ý của phụ huynh về việc sáp nhập, di dời điểm trường.

Đồng thời, tuyên truyền trên loa phát thanh, mạng xã hội với nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu về kế hoạch sáp nhập, di dời điểm trường đến từng gia đình. Tờ rơi, thông báo cần trình bày rõ ràng, có thông tin chính như mục đích, lợi ích, tác động việc sáp nhập, di dời điểm trường; thời gian, địa điểm thực hiện;...

Cũng có thể tổ chức các buổi ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề về Luật Trẻ em. Từ đó giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về quyền, bổn phận trẻ em, trách nhiệm gia đình, nhà trường và xã hội đối với trẻ em.

NGƯT Tô Ngọc Sơn - giảng viên Trường ĐH Đồng Tháp: Rõ vai trò của chính quyền địa phương

NGƯT Tô Ngọc Sơn. Ảnh: NVCC

NGƯT Tô Ngọc Sơn. Ảnh: NVCC

Tôi từng là giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (Cao Lãnh, Đồng Tháp); chuyên viên của phòng, Sở GD&ĐT Đồng Tháp; công tác tại một cơ sở giáo dục ĐH ở nước bạn Lào và hiện công tác tại Trường ĐH Đồng Tháp.

Từ trải nghiệm thực tiễn, tôi thấy trước đây quê tôi (An Giang, Đồng Tháp), nhiều phụ huynh lấy chuyện học hành của trẻ để đòi hưởng quyền lợi, chính sách,… chẳng hạn cấp hộ nghèo, trợ cấp khó khăn,… Nếu chính quyền địa phương không thực hiện, giải quyết thì cho con nghỉ học, đi làm thuê, bán vé số… Tuy nhiên, vấn đề này hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất hiếm gặp, thậm chí không còn.

Việc học bị mang ra làm công cụ đấu tranh của một bộ phận phụ huynh đã gây hậu quả trực tiếp đến trẻ em như: Hổng kiến thức không theo kịp bạn bè; ức chế tâm lý. Có em tự ti, mặc cảm không muốn đến trường học. Nhiều em bỏ học đi làm lao động phổ thông, chân tay nơi xứ xa,... Kết quả cuối cùng gia đình li tán, túng thiếu hoàn túng thiếu. Trong khi nhiều gia đình vượt khó, lo cho con học hành đến nơi đến chốn sau đó đi làm, trở thành công/viên chức, cuộc sống khấm khá.

Hiện trạng này còn xảy ra và tiếp diễn, tôi thiết nghĩ nguyên nhân quan trọng do ý thức người dân kém: Chưa thấy được giá trị của tri thức; không hiểu thấu lợi ích của việc học tập; chưa nhận thấy quyền lợi chính đáng của lao động chân tay và trí óc,… Phần lớn những phụ huynh này chỉ nhìn thấy và mong quyền lợi trước mắt từ địa phương mà không thấy được giá trị lâu dài, bền vững của việc học tập.

Giải pháp cho việc này, tôi cho rằng, về phía chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa các lực lượng xã hội như: Hội Bảo trợ xã hội, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Các tổ chức xã hội cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về nghĩa vụ và quyền lợi của con em trong độ tuổi đi học; giá trị của người có học vấn. Thu hút, kết nạp các gia đình vào tổ chức trên và thường xuyên tổ chức hoạt động để họ tham gia.

Địa phương cũng cần có những ưu đãi tình thế để trấn an tâm lý từ đó có phương án xây dựng ý thức học tập lâu dài. Chẳng hạn gia đình khó khăn phải lo con cái đi học nên được tặng quà vào dịp lễ, Tết,… hay được xếp hộ nghèo, hộ khó khăn, được tuyên dương khen ngợi trong các kỳ họp,…

Cần tập trung khuyến khích, tặng thưởng thành tích học tập tiến bộ của học sinh để đánh vào ý thức, giá trị việc học. Khuyến khích hoặc tài trợ các em học tập cao hơn: Học nghề, cao đẳng, đại học,… Đặc biệt quan tâm đến con em học cao, tốt nghiệp nghề, cao đẳng, đại học… giới thiệu việc làm để ổn định cuộc sống.

Chính quyền địa phương cần tìm đối tác kinh tế tạo công ăn việc làm cho những hộ gia đình có con em đi học này tránh để họ nhàn rỗi, thiếu thốn,… Chắc hẳn con em sẽ được gia đình, cha mẹ quan tâm động viên việc học tập nhiều hơn.

“Tôi nghĩ, hiện trạng thiếu ý thức của gia đình, cha mẹ để ảnh hưởng việc học tập của con cần phải được chính quyền địa phương quan tâm sâu sắc. Bên cạnh hỗ trợ vật chất, ưu đãi các chính sách, tạo công ăn việc làm như trên, cần tăng cường nâng cao ý thức học tập cho người dân, giúp họ thấy rõ quyền và lợi ích chính đáng khi trình độ học vấn được nâng cao”, NGƯT Tô Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ