Khi chuyện bình thường bị bóp méo

GD&TĐ - Trên mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh một số giáo viên trước khi vào phòng chấm thi phải qua bước kiểm tra an ninh. Vấn đề trở thành đề tài tranh cãi: Việc kiểm tra an ninh này phải chăng đang, hạ thấp lòng tin với nhà giáo?

Ảnh: minh họa
Ảnh: minh họa

Thủ tục kiểm tra an ninh giờ không xa lạ với nhiều người. Như đi máy bay, để bảo đảm an ninh hàng không, quy định tại các cảng hàng không nêu rõ hành khách phải cởi bỏ áo khoác, mũ, giầy, dép, thắt lưng, vật dụng cá nhân và các đồ đạc khác như bật lửa, bao thuốc lá, chìa khóa, các vật dụng bằng kim loại khác mang trên người để vào khay đưa qua máy soi tia X trước khi đi qua cổng từ.

Ngay nhân viên hàng không cũng phải qua các bước soi chiếu này, không miễn trừ bất cứ đối tượng nào. Làm nghiêm ngặt thế phải chăng ngành Hàng không hạ thấp lòng tin với nhân viên của mình? Câu trả lời là: Không. Để bảo đảm an toàn một chuyến bay gồm hàng trăm con người, tất cả mọi người đều phải chấp hành một cách bình đẳng. Thực tế cho thấy mọi người đều vui vẻ hợp tác khi tiến hành kiểm tra an ninh hàng không.

Ảnh: MH
Ảnh: MH 

Ai đã từng vào đại sứ quán, lãnh sự quán các nước cũng thấy việc bảo vệ an ninh, an toàn tại cơ quan ngoại giao và quan hệ quốc tế có những quy định riêng rất nghiêm ngặt. Khách vào trong đại sứ quán đều trải qua các thủ tục kiểm tra an ninh, phải thực hiện rà quét bằng thiết bị dò kim loại cầm tay và trực quan theo một quy trình chuẩn, thống nhất, mục đích không cho mang bất kỳ thiết bị điện tử hoặc thiết bị chạy bằng pin vào trong và một số các vật dụng cấm khác được đề ra bởi đại sứ quán. Các vị khách đều chấp hành nghiêm túc quy định bảo đảm an ninh của đại sứ quán, lãnh sự quán mà không ai có suy nghĩ cảm thấy bị xúc phạm, hạ thấp nhân phẩm.

Hình ảnh các GV chấm thi THPT quốc gia 2019 được kiểm tra bằng thiết bị dò kim loại cầm tay thiết nghĩ chỉ nói lên duy nhất một thông điệp: Các quy định đặt ra của Kỳ thi đang được tuân thủ nghiêm túc. 

Với các cuộc họp, hội thảo, hội nghị do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ chủ trì hoặc tham dự, để bảo đảm an toàn, lực lượng kiểm soát an ninh cũng sử dụng máy soi tia X kiểm tra túi xách, vật dụng mang vào dựng cổng từ, dùng thiết bị dò kim loại cầm tay để kiểm tra các đại biểu tham dự. Khách mời trong nước, quốc tế của cả một hội thảo, hội nghị cấp quốc gia đều tuân thủ tuyệt đối các quy định, không một lời phàn nàn. Bởi nghiêm cẩn trong thủ tục an ninh không chỉ an toàn cho lãnh đạo mà cho cả chính họ.

Còn tại các khu vực phục vụ Kỳ thi THPT quốc gia 2019, phòng nghiệp vụ công an các tỉnh đã triển khai các biện pháp, kế hoạch bảo vệ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau khi diễn ra kỳ thi, bảo đảm an toàn từ khâu nhận, in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bài thi, công tác coi thi, giám sát các công tác liên quan như làm phách, chấm thi và nơi bảo quản bài thi.

Một số địa phương bảo vệ khu vực chấm thi bằng 3 vòng nghiêm ngặt, phá sóng khu vực chấm thi. Vòng 1 có công an bảo vệ khu vực chấm thi tự luận và khu vực chấm thi trắc nghiệm, phòng bảo quản bài thi. Vòng 2 có nhân viên an ninh trực 24/24 giờ, kiểm tra kiểm soát an ninh đối với những người ra vào khu vực chấm thi. Vòng 3 có cảnh sát bảo vệ trong giờ làm việc. Mọi biện pháp đề ra được triển khai nhằm bảo đảm một kỳ thi THPT quốc gia an toàn, nghiêm túc.

Hình ảnh các GV chấm thi THPT quốc gia 2019 được kiểm tra bằng thiết bị dò kim loại cầm tay thiết nghĩ chỉ nói lên duy nhất một thông điệp: Các quy định đặt ra của Kỳ thi đang được tuân thủ nghiêm túc.

Khi thầy cô giáo làm nhiệm vụ trông coi, giám sát, chấm thi chứ không phải dạy học thì việc soi kiểm tra tránh hiện tượng mang thiết bị liên lạc, tài liệu... là điều đương nhiên phải thực hiện. Chuyện rất bình thường ở khu vực cần bảo mật cấp quốc gia nhưng đang bị bóp méo bởi một số người thiển cận. 

Nếu suy nghĩ phiến diện rằng thế là coi thường, là hạ thấp nhân phẩm nhà giáo, chẳng lẽ cứ là giáo viên thì đi qua cửa an ninh sân bay không phải soi chiếu? Là giáo viên thì đi vào đại sứ quán, lãnh sự quán không phải kiểm tra? 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.