Khi chồng cũ “quên” nghĩa vụ nuôi con

GD&TĐ - Đôi co về lý thì dễ nhưng thực tế chuyện đòi tiền cấp dưỡng nuôi con là vấn đề vô cùng mệt mỏi và khó khăn khiến nhiều người đang trực tiếp nuôi dạy con phải buông xuôi. Khi người có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con đã vô trách nhiệm và cạn tình thì việc phải nhờ đến pháp luật can thiệp thật “cực chẳng đã” và cũng còn nhiều bất cập….

Khi chồng cũ “quên” nghĩa vụ nuôi con

“Nợ xấu” khó đòi

“Khi bố mẹ chia tay nhau, bố đã đưa cháu và em Bảo Minh đi chơi, rồi bố ôm chúng cháu và hứa cho dù bố mẹ không sống cùng nhau nữa, nhưng tình yêu thương và sự quan tâm dành cho hai đứa là không hề suy suyển, không gì thay thế được. Hàng tháng ba bố con vẫn gặp nhau và chia sẻ mọi điều. Mọi việc chỉ diễn ra theo đúng lời bố hứa trong nửa năm đầu nhưng mấy năm nay bố cháu chẳng gặp chúng cháu nữa.

Lần nào gặp con bố mẹ cháu cũng cãi nhau, nhiếc móc nhau.Tất cả chỉ vì bố cháu nợ tiền, không chuyển tiền đúng hẹn vào tài khoản của mẹ…Ban đầu, bố còn gọi điện hỏi han đôi điều, nhưng cả năm nay bố “biệt tích” luôn. Đến món quà sinh nhật bố đã hứa mua cho hai chị em mà bố cũng quên luôn…” - cô bé Bảo Hà, học sinh lớp 5 buồn rầu kể cho tôi nghe câu chuyện của mình.

Nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học, hàng chục loại hóa đơn đổ lên đầu mỗi tháng mà một mình đơn thân gánh vác, nhiều lúc chị Hà Thủy (Công ty Vật phẩm Văn hóa HN) tưởng như không thể gồng gánh nổi. Thế nên, nhiều lúc ức chế quá, ghé vào “phây” của con gái thấy chồng cũ lên mạng toàn khoe chuyện ăn nhậu, đi chơi với vợ mới mà ruột gan chị như sôi lên…

Cả hai đứa con của chị Thủy bây giờ rất sợ có chuyện gì đụng chạm hoặc ai hỏi han về bố chúng, vì sẽ phải chịu đựng cơn giận dữ kể tội cùng với thái độ khinh ghét của mẹ. Thỉnh thoảng mẹ lại thông báo số tiền bố nợ mẹ lên cho hai đứa nghe. Số nợ đã lên tới cả trăm triệu đồng. Những khi hết sạch tiền, không thể giữ được bình tĩnh và ôn hòa nữa chị Thủy gọi điện nhắc giục, gặp thái độ cùn rỉ, bất cần của chồng cũ, chị lại nổi cáu, rủa xả chồng cũ đủ điều.

Cạn tình quên luôn nghĩa vụ

Một trong những vấn đề “hậu ly hôn” khiến nhiều phụ nữ cay đắng, giận dữ, buồn tủi chính là chuyện chồng cũ nợ tiền hoặc “bùng” tiền cấp dưỡng nuôi con.

Luât sư Trần Đình Thắng - Giám đốc Công ty Luật KOCI - Đoàn Luật sư TP Hà Nội chia sẻ: “Sau ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ góp phần cấp dưỡng cho đến khi con đủ 18 tuổi. Trong trường hợp có đứa trẻ bị tàn tật thì mức chu cấp là vô thời hạn và phải đảm bảo được nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt của người được chu cấp. Song điều bất cập giữa luật và thực tế là mức tiền chu cấp lại căn cứ theo điều kiện của người chu cấp tại thời điểm ly hôn và giữ nguyên đến lúc con đủ 18 tuổi. Tuy là khoản đóng góp bắt buộc nhưng nhiều người trốn tránh thực hiện nghĩa vụ hoặc cố tình bỏ rơi con.

Nhiều năm phải hỗ trợ tư vấn luật để giúp những đứa trẻ và người trực tiếp nuôi chúng đòi được quyền lợi hợp pháp, tôi thấy một thực tế đáng buồn: Ngay cả khi có luật sư hoặc cơ quan thi hành án vào cuộc, đề nghị phối hợp, một số cơ quan vẫn cho rằng đây là việc cá nhân nên không nhiệt tình phối hợp. Nếu họ không hợp tác thì rất cần khấu trừ khoản tiền cấp dưỡng nuôi con của người đang phải thực hiện nghĩa vụ đó từ tiền lương, tiền công lao động.

Nan giải hơn khi “người nợ xấu” lại chẳng làm việc trong cơ quan hoặc công ty nào thì không biết căn cứ vào đâu để đòi tiền cấp dưỡng nuôi con của họ cả. Đây là kẽ hở trong Luật Hôn nhân và Gia đình. Nếu không điều chỉnh, bổ sung chế tài xử phạt thật nặng những người trốn tránh nghĩa vụ nuôi con thì còn rất nhiều hệ lụy phát sinh trong xã hội từ mỗi câu chuyện “tan đàn xẻ nghé”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học trò nghèo tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. (Ảnh: HT)

Lặng thầm trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Thời gian qua, Báo GD&TĐ tại miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phối hợp Hội nội thất ô tô Tây Nguyên hỗ trợ học bổng, quà cho học trò nghèo.