Khi chiến tranh thương mại thành chiến tranh tài chính

GD&TĐ - Cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục leo thang. Nhà Trắng hứa sẽ thực hiện “các biện pháp quyết định” khi Bắc Kinh cố tình phá giá đồng tiền quốc gia. 

Peter Navarro hứa sẽ thực hiện “những biện pháp quyết định” trong cuộc chiến chống lại sự thao túng tiền tệ của Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Peter Navarro hứa sẽ thực hiện “những biện pháp quyết định” trong cuộc chiến chống lại sự thao túng tiền tệ của Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Vòng đàm phán tiếp theo đang được đặt trước dấu hỏi lớn. Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ rõ rằng nó có thể bị hủy do cuộc xung đột trầm trọng hơn. Trên thực tế, một cuộc chiến thương mại đang dần biến thành cuộc chiến tiền tệ hoặc thậm chí là cuộc chiến tài chính, đe dọa khủng hoảng toàn cầu.

Phản ứng dữ dội của Washington

Trung Quốc rất muốn kết thúc bằng một thỏa thuận – ông Donald Trump viết trên Twitter. Hàng ngàn công ty rời đi do thuế quan - ông Trump nói. Mặc cho nhà lãnh đạo Mỹ chỉ ra rằng Trung Quốc rất muốn ký một thỏa thuận, bản chất của cuộc đối đầu thương mại giữa hai nước sẽ kéo dài.

Cụ thể, Washington đe dọa Bắc Kinh bằng các biện pháp trả đũa cho việc phá giá đồng nhân dân tệ. Trả lời phỏng vấn CNBC, ông Peter Navarro, người đứng đầu Hội đồng Thương mại quốc gia Nhà Trắng nói: “Họ có thể điều khiển tỷ giá tiền tệ của mình trong thương mại. Họ sẽ làm điều đó và chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp quyết định chống lại họ”. Theo ông Peter Navarro, “Trung Quốc đã hạ thấp hơn 10% tiền tệ cho mục đích duy nhất là bù đắp các khoản thuế của Mỹ”. Tuy nhiên, ông không giải thích chính xác những biện pháp trả đũa nào mà chính quyền Mỹ có thể thực hiện. Ông chỉ bày tỏ sự tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ được “trải nghiệm đầy đủ các hậu quả tiêu cực” do phá giá đồng nhân dân tệ.

“Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn chúng tôi” - ông quả quyết.

Động thái trên được coi là phản ứng dữ dội của Mỹ ngay sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc một lần nữa hạ tỷ giá hối đoái xuống 7,0136 Nhân dân tệ/ 1 USD, đạt mức thấp nhất trong 11 năm qua.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Mỹ cáo buộc Bắc Kinh thao túng đồng nhân dân tệ. Trước đó, ông Navarro đã tuyên bố rằng, để ngăn chặn cuộc chiến thương mại, Trung Quốc cần phải “sám hối” với “7 tội lỗi chết người” của mình, trong đó có thao túng tỷ giá hối đoái. Khi đồng nhân dân tệ yếu hơn có nghĩa là hàng hóa Trung Quốc sẽ rẻ hơn và đủ sức cạnh tranh bất chấp thuế quan.

“Trung Quốc đã làm suy yếu đồng tiền của mình đến mức thấp lịch sử. Đây được gọi là thao túng tiền tệ và là một sự vi phạm thô bạo, làm Trung Quốc suy yếu theo thời gian” – Tổng thống Donald Trump đã viết trên Twitter tuần trước.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Stephen Mnuchin cũng cáo buộc Chính phủ Trung Quốc thao túng tiền tệ để có được một lợi thế cạnh tranh không công bằng. Ông Mnuchin hứa sẽ tham vấn với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để đáp trả những hành động của Trung Quốc.

“Trước đây, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tăng cường tính minh bạch của tiền tệ, hoạt động tài chính và các mục tiêu quản lý dự trữ” - trang web của Bộ Tài chính Mỹ có đoạn viết.

Bỏ ngỏ vòng đàm phán tiếp theo

Trước những diễn biến mới, nhận định về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tờ South China Morning Post dẫn lời cựu Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc Chen Yuan, viết: “Trên thực tế, có thể nói cuộc chiến thương mại đã phát triển thành cuộc chiến tài chính sau khi Washington gọi Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ. Điều này sẽ có tác động lớn hơn nhiều so với chiến tranh thương mại thuần túy cả về chiều sâu, chiều rộng và quy mô ảnh hưởng”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc vẫn có những con át chủ bài trong tay áo của họ. Ví dụ, có thể Bắc Kinh sẽ thoái một phần chứng khoán Kho bạc Hoa Kỳ. Trung Quốc có hơn 1 nghìn tỷ USD ở đó. Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc bán chứng khoán sẽ làm suy yếu đồng USD. Nhưng rất có thể Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm suy yếu đồng nhân dân tệ, ví dụ, đến mức 8 nhân dân tệ/ 1 USD. Điều này khiến đồng USD mạnh hơn và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Mỹ.

Nhiều khả năng Mỹ sẽ đưa ra các mức thuế và hạn ngạch mới để chống lại Trung Quốc - Alexander Razuvaev, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Alpari (Nga) cho biết. Theo ông Razuvaev, việc tăng cường cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu và do đó, giá dầu giảm mạnh.

Trong bối cảnh ấy, câu hỏi về vòng đàm phán tiếp theo giữa hai nước dự kiến tổ chức tại Washington vào tháng tới vẫn còn bỏ ngỏ. Tổng thống Donald Trump không loại trừ cuộc đàm phán với Trung Quốc có thể bị hủy do xung đột thương mại gia tăng.

“Chúng tôi đang xem liệu chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp vào tháng 9 hay không. Nếu chúng tôi làm điều này thì là bình thường. Nếu chúng tôi không làm điều này cũng là bình thường” – ông Donald Trump khẳng định.

Tuy nhiên, theo Alexander Timofeev, Phó Giáo sư Đại học Kinh tế Plekhanova (Nga), nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Chính vì vậy, bất kỳ biện pháp hạn chế nào cũng sẽ gây hại cho cả hai nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ