Mỹ áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc: Đóng sập cánh cửa đàm phán

GD&TĐ - Vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kết thúc vào ngày 31/7 mà không có bước đột phá. Ngày 1/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, từ 1/9 sẽ áp thuế 10% với lượng hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc, trị giá khoảng 300 tỷ USD. 

Donald Trump: Nếu tôi giành chiến thắng, thỏa thuận mà họ nhận được sẽ khó khăn hơn nhiều
Donald Trump: Nếu tôi giành chiến thắng, thỏa thuận mà họ nhận được sẽ khó khăn hơn nhiều

Động thái của Mỹ được không ít chuyên gia đánh giá là bất ngờ và nguyên nhân Washington đưa ra là do chiến thuật trì hoãn của Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ không thể kết thúc trong ngày một, ngày hai.

Khi không tìm được tiếng nói chung

Trước thềm vòng đàm phán tại Thượng Hải, báo chí Trung Quốc cho thấy, Bắc Kinh cần một thỏa thuận tạm thời để ngăn chặn giai đoạn nóng bỏng của cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, trên Twitter của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ có các điều kiện cứng rắn cho một thỏa thuận thương mại trong tương lai với Trung Quốc. Bắc Kinh bị buộc tội trực tiếp trì hoãn quá trình đàm phán.

“Chúng tôi đang đàm phán với họ, nhưng cuối cùng họ luôn thay đổi thỏa thuận vì lợi ích của chính họ. Có lẽ họ đang chờ đợi cuộc bầu cử của chúng tôi để xem liệu chúng tôi hay ... Joe mơ ngủ (cựu Phó Tổng thống Joe Biden - ND) sẽ chiến thắng. Sau đó, họ sẽ có thể kết thúc một thỏa thuận khổng lồ như trong 30 năm trước, và sẽ tiếp tục tước đoạt của Hoa Kỳ, thậm chí nhiều hơn và tốt hơn trước đây…”- Donald Trump viết trên Twitter.

Tổng thống Mỹ cảnh báo người Trung Quốc: Nếu tôi giành chiến thắng, thỏa thuận mà họ nhận được sẽ khó khăn hơn nhiều so với những gì đang được đàm phán bây giờ... hoặc sẽ không có thỏa thuận nào.

Còn nhớ, cuộc đàm phán Trung - Mỹ về tranh chấp thương mại đã kết thúc tại Washington vào tháng 5 năm nay mà không có kết quả cụ thể. Washington cho rằng trách nhiệm thuộc về Trung Quốc, người muốn thực hiện các thay đổi đối với một thỏa thuận đã sẵn sàng.

Về phần mình, Bắc Kinh dự tính khả năng kết thúc thỏa thuận “đình chiến” thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trước cuối năm nay.

“Dự kiến Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ đạt được thỏa thuận thương mại một phần và tạm thời trong quý cuối năm 2019” - Tờ Thời báo Hoàn cầu nhận định. Tuy nhiên, tờ báo này không phủ nhận rằng những khác biệt chính giữa hai nước như loại bỏ thuế quan, trợ cấp của chính phủ và tranh chấp về bảo vệ sở hữu trí tuệ vẫn còn.

Thời báo Hoàn cầu cho rằng, Trump hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vào cuối năm nay để loại bỏ mối đe dọa tăng trưởng thấp trong năm tới và tập trung vào các vấn đề trong nước. “Trở thành nạn nhân và là người tiếp nhận thụ động cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, Trung Quốc cũng hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ càng sớm càng tốt” - Thời báo Hoàn cầu viết.

Tuy nhiên, người Trung Quốc tin rằng nhiều mối đe dọa có thể cản trở mong muốn đạt được thỏa thuận này. Ví dụ, đạt được một thỏa thuận “ngừng bắn” nghĩa là phải bãi bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc do Hoa Kỳ áp đặt, việc mua sản phẩm của Trung Quốc phải phù hợp với thực tế và phải công bằng đối với cả hai bên... Thỏa thuận này cũng không gây nguy hiểm cho vị thế quốc gia của Trung Quốc, đặc biệt là về các vấn đề ảnh hưởng đến các cơ chế và chính sách kinh tế trong nước của Trung Quốc.

Về phía Hoa Kỳ có 8 yêu cầu, bao gồm việc giảm thặng dư cán cân thương mại 100 tỷ USD trong suốt một năm và 100 tỷ USD khác vào năm tới, cũng như chấm dứt trợ cấp cho ngành sản xuất tiên tiến. Theo Thời báo Hoàn cầu, tất cả những mâu thuẫn này sẽ ngăn các bên “đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện và lâu dài trong tương lai gần”. Tuy nhiên, “chúng ta có thể mong đợi một thỏa thuận thương mại một phần và tạm thời” - Truyền thông Trung Quốc hy vọng và Trung Quốc tin rằng, ngay cả khi đạt được một thỏa thuận một phần, cuối cùng Washington vẫn có lợi.

Chiến tranh thương mại sẽ kéo dài

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hà, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và đại diện thương mại Robert Lighthizer tại Thượng Hải
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hà, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và đại diện thương mại Robert Lighthizer tại Thượng Hải 

Xét cho cùng, thỏa thuận thương mại với Washington là hết sức cần thiết hơn với Bắc Kinh. Theo khảo sát của Reuters, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc vào tháng 7 một lần nữa sụt giảm do chiến tranh thương mại. Cụ thể, theo các phương tiện truyền thông, chỉ số quản lý mua hàng chính thức (PMI) cho tháng 7, theo 34 nhà kinh tế, có thể tăng lên 49,6 so với 49,4 trong tháng 6. Tuy nhiên, nó vẫn dưới 50 điểm và điều này chứng tỏ tăng trưởng chậm lại.

Các chuyên gia Nga nghi ngờ rằng cuộc khủng hoảng thương mại sẽ được giải quyết nhanh chóng. Ngay khi cuộc đàm phán thương mại bắt đầu ở Thượng Hải, ông Donald Trump đã tấn công Trung Quốc bằng những lời chỉ trích. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố sự vượt trội của nền kinh tế Mỹ so với Trung Quốc và chỉ có thể ký kết một thỏa thuận có lợi cho đất nước của ông. Vì vậy, quá trình đàm phán có thể diễn ra trong một thời gian dài. Ông Gennady Nikolaev, chuyên gia tại Học viện Quản lý Tài chính và Đầu tư, nhấn mạnh rằng sự chậm chạp của Trung Quốc là một vấn đề đối với toàn thế giới. Nếu tình hình không thay đổi thì một cuộc khủng hoảng toàn cầu đang chờ chúng ta - Gannady Nikolaev cảnh báo.

Các bên sẽ không có hành động quyết liệt cho đến cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 - Oleg Skolkovo, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Skolkovo khẳng định. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra dưới thời Tổng thống Mỹ mới. Bối cảnh chính trị của quyết định này là cực kỳ cao đối với cả hai bên, vì vậy sẽ không có bên nào nhượng bộ - ông Skolkovo khẳng định. Các chi tiết kinh tế của cuộc đàm phán liên quan trực tiếp đến sự phát triển lâu dài nền kinh tế quốc gia, do đó, việc áp dụng các quyết định mang tính dân túy là đầy rủi ro về kinh tế và gây sốc cho xã hội. Hiện tại, nó không có lợi cho cả hai bên. Chính vì vậy, các cuộc đàm phán chậm chạp, kéo dài là diễn biến rất hợp lý của tình hình hiện tại - ông Skolsovo kết luận.

Trung Quốc sẽ trì hoãn việc hoàn tất các thỏa thuận về bảo vệ sở hữu trí tuệ càng lâu càng tốt - Peter Pushkarev, nhà phân tích tại TeleTrade nhận định. Theo chuyên gia này, các thỏa thuận một phần hoặc tạm thời có thể có nghĩa là không áp dụng thuế quan bổ sung với các nhóm hàng hóa mới cho đến cuối năm nay.

Tuy nhiên, chiến thuật đàm phán của Trung Quốc khiến Donald Trump nổi giận và cái gì phải đến, đã đến.

Cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thể hiện trong cuộc đối đầu kinh tế, công nghệ và tư tưởng xã hội chỉ mới bắt đầu và sẽ kéo dài ít nhất từ 10 - 20 năm - Ilya Zharsky, chuyên gia trưởng của nhóm chuyên gia Veta dự đoán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ