Cấm đoán và tẩy chay
Bất đồng thương mại Nhật - Hàn đang ở hồi cao trào. Bắt đầu từ vấn đề liệu Nhật đã đều bù đầy đủ cho những người Hàn từng làm việc trong các nhà máy của Nhật trong thời kỳ bán đảo Triều Tiên bị chiếm đóng năm 1910 - 1945 hay chưa, căng thẳng đã lan ra thành xung đột thương mại.
Một trong những đối tượng phải chịu tác động nhiều nhất từ đó là các công ty công nghệ toàn cầu. Đầu tháng Bảy, Nhật Bản thông báo hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc một số vật liệu sử dụng trong sản xuất chip bộ nhớ và các linh kiện quan trọng khác cho điện thoại thông minh, máy tính xách tay, server. Nhật cho rằng đây là một hành động nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Đáp lại, các công đoàn Hàn Quốc đã tung ra những biện pháp trả đũa. Họ tạo nên ở Hàn Quốc một làn sóng tẩy chay sản phẩm Nhật Bản, từ bia tới quần áo, tới việc du lịch sang Nhật. Tuần trước, các công nhân vận chuyển Hàn Quốc từ chối xử lý các chuyến hàng của hãng bán lẻ thời trang Nhật Uniqlo. Công nhân ở các trạm xăng từ chối phục vụ xe hơi mang nhãn hiệu Nhật. Một cuộc thăm dò ý kiến tuần trước của đài phát thanh Nhật Bản TBS cho biết, 62,8% trong số 504 người trả lời tham gia cuộc tẩy chay – trang Diplomat cho biết.
Ở quy mô lớn hơn, khoảng 23.000 nhà bán lẻ đã quyết định rút bia hơi, gia vị, mỹ phẩm, bút máy Nhật Bản khỏi kệ hàng, thông báo tới khách hàng rằng họ sẽ không bán hoặc mua các sản phẩm sản xuất tại Nhật Bản. Theo báo chí Hàn Quốc, doanh số bán bia Nhật đã giảm 15,6% tại chuỗi siêu thị lớn E-Mart của Hàn Quốc, còn doanh số bia Hàn tăng 19%.
Du khách Hàn đi Nhật giảm mạnh, khiến nhiều hãng hàng không Hàn Quốc đã cắt giảm dịch vụ tới Nhật Bản. Korean Air đã thông báo giảm các chuyến bay từ Busan tới
Sapporo từ 3,9 do lượng du khách giảm mạnh. Hãng này cũng đang cân nhắc việc giảm số chuyến bay giữa hai nước, hoặc chuyển sang máy bay nhỏ hơn từ giữa tháng Tám. Hãng Asiana Airlines cũng dự định chuyển sang máy bay nhỏ hơn đối với một số tuyến đường bay tới Nhật, bắt đầu từ tháng Chín.
Trong khi đó, quyết định của Nhật hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao khiến các công ty của Hàn Quốc điêu đứng. Một quan chức cấp cao của Samsung nói: “Đây là một trong những thời điểm tồi tệ nhất mà chúng tôi từng trải qua”. Ông chỉ trích các chính trị gia không chịu trách nhiệm về sự rắc rối này, cho dù tình hình “đang gần như giết chết chúng tôi”.
Cuối tuần này, vào ngày 2/8, Nhật Bản sẽ quyết định có đưa Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng” - tức danh sách các điểm xuất khẩu tin cậy hay không. Nếu Tokyo xóa quy chế này, hàng trăm sản phẩm của Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Hàn Quốc đang vận động mạnh ở Tổ chức Thương mại thế giới cũng như tại Mỹ, để các bên này tham gia can thiệp để Hàn Quốc không bị đưa khỏi danh sách trắng.
Thỏa thuận đình chỉ
Theo Bloomberg, thật ra từ nhiều tuần nay cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều tìm cách kéo Mỹ về phía mình trong căng thẳng thương mại song phương nhưng không có ích gì. Song giờ đây Mỹ đã tỏ dấu hiệu sẽ can dự để xoa dịu căng thẳng giữa hai đồng minh thân cận của họ.
Trên đường tới dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hôm 31/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với các phóng viên rằng, ông sẽ có các cuộc gặp riêng rẽ cũng như gặp chung với Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha bên lề ASEAN, và sẽ thúc giục các đồng minh nới lỏng căng thẳng. “Cả hai đều là những đối tác lớn của chúng tôi. Cả hai đều hợp tác chặt chẽ với chúng tôi trong nỗ lực giải trừ hạt nhân ở Triều Tiên” - ông Pompeo nói và cho rằng điều đó rất quan trọng với nước Mỹ.
Trước đó, một quan chức cấp cao Mỹ tại Washington nói rằng chính quyền Trump đã thúc giục hai bên đạt được một “thỏa thuận đình chỉ” để cho hai bên có khoảng trống đàm phán. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã gặp những người đồng cập Nhật Bản và Hàn Quốc, còn ông Pompeo cũng gặp ngoại trưởng hai nước này vào ngày 31/7.
Trong những tuần gần đây cả Nhật và Hàn đều cử các quan chức cấp cao tới Mỹ để gặp các nhà lập pháp, các quan chức chính phủ Mỹ để lập luận cho lý lẽ của mình, và đều vận động giới báo chí cũng như giới doanh nghiệp Mỹ. Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung, nếu có thêm một cuộc chiến tranh thương mại nữa thì chuỗi cung cấp toàn cầu sẽ bị cản trở và có thể làm gián đoạn việc sản xuất các thiết bị bán dẫn và màn hình tiên tiến mà các công ty Mỹ dựa vào đó để chế tạo điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Quan hệ ổn định Nhật - Hàn sẽ tạo nên một trục ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á. Vì thế, việc Mỹ tham gia làm giảm căng thẳng thương mại giữa hai đồng minh châu Á được đánh giá cao. Bà Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Hội Châu Á cho rằng hiệp định đình chỉ có thể là “bước đi hữu ích đầu tiên để giảm căng thẳng”.
Các doanh nghiệp Mỹ cũng đang lo xung đột thương mại Nhật - Hàn mất kiểm soát. 5 công ty trong nhóm công nghiệp công nghệ lớn nhất nước Mỹ đã gửi thư đến bộ trưởng thương mại cả Hàn Quốc và Nhật Bản, trong đó viết rằng tranh chấp có thể dẫn đến tổn hại lâu dài với các công ty hoạt động cả ở trong và ngoài hai nước, cũng như hàng trăm nghìn người lao động. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, đầu tháng Bảy ông đã nhận được điện thoại của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề nghị ông can dự và ông Trump cũng tỏ ý sẵn sàng. Evan Medeiros, cựu chuyên gia Hội đồng Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Obama, trong một bài viết trên tờ Washington Post cho rằng, “Washington là tác nhân duy nhất cả hai bên sẽ lắng nghe”.