Khi cha mẹ vẫn ngại "chuyện khó nói"

Khi cha mẹ vẫn ngại "chuyện khó nói"

(GD&TĐ) - Trẻ em bị xâm hại ngày càng nhiều, trẻ “vỡ kế hoạch” do quan hệ tình dục không an toàn… cho thấy thiếu hụt kiến thức sức khỏe sinh sản, tình dục ở đối tượng này đã đến lúc báo động.

Trẻ “sốc” khi cơ thể thay đổi

Theo BS Nguyễn Thu Giang (Trung tâm phát triển cộng đồng Ánh Sáng), vị thành niên là lứa tuổi chứa đựng nhiều “mâu thuẫn” bởi sự phát triển mạnh về hệ thần kinh trung ương, sự phát triển tầm vóc, sức khỏe sinh sản. Nét tâm lý chủ đạo ở tuổi này là xu hướng vươn lên người lớn để khẳng định cái tôi của mình thông qua thái độ và hành động. Ở độ tuổi này, trẻ có mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn về cơ thể và thế giới xung quanh.

Qua những lần tiếp xúc với vị thành niên, BS nhận thấy có tới 90% học sinh THCS khi được hỏi về giới tính đều rất lúng túng. Hoặc là các em lảng tránh câu hỏi, hoặc là đưa ra những câu trả lời hết sức ngô nghê “Giới tính là sự phân biệt giữa nam và nữ”. Có học sinh nam từng khóc nói với mẹ rằng mình bị bệnh rất nghiêm trọng bởi ngực cương lên, sưng to. Còn chuyện học sinh nữ hoảng hốt tưởng mình mắc trọng bệnh khi thấy máu ra ở “cửa mình” không phải là không có. Những thắc mắc đại loại như: “Màng trinh là gì?”, “Tại sao có màng trinh rồi mà máu của người phụ nữ hàng tháng vẫn chảy ra ngoài được?”, “Hôn nhau bằng miệng có con không?”, “Con được chui ra từ đâu?”, “Thuốc tránh thai có ngăn ngừa được HIV không?”, “Nạo phá thai thường xuyên dẫn đến hậu quả gì?”... luôn là câu hỏi các em mong có người giải đáp.

Giáo dục sức khỏe sinh sản, trẻ cần kiến thức gia đình hơn xã hội. Ảnh minh họa: Tuấn Hải
Giáo dục sức khỏe sinh sản, trẻ cần kiến thức gia đình hơn xã hội. Ảnh minh họa: Tuấn Hải

Lớn lên sẽ tự hiểu

Là quan niệm của đa phần phụ huynh đối với những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, tình dục. Thiếu kiến thức, ngại nói chuyện khiến cha mẹ đều có chung đáp án là lắc đầu hoặc trả lời cho qua chuyện khi con trẻ đề cập đến những vấn đề trên. Nhiều bà mẹ thú nhận khi con hỏi “Làm thế nào mà mẹ lại có thai? Cứ nằm cạnh người khác giới thì có thai à?” đã trả lời con một cách lấp liếm: “Chuyện đó lớn lên con sẽ hiểu”. Theo bà Lê Thị Ngọc Dung (Viện nghiên cứu phát triển TPHCM), gần 1/2 trẻ vị thành niên cho rằng cha mẹ ít nói chuyện với mình và 10% không cảm nhận được tình thương của cha mẹ… Kết quả của sự lảng tránh trên là trẻ tham khảo kiến thức qua mạng, qua bạn bè. 

Nghiên cứu của nhóm tác giả Bùi Tú Quyên, Trần Hữu Bích (Trường ĐH Y tế công cộng) đối với 1849 cha/mẹ có con tuổi vị thành niên ở 7 xã, thị trấn của huyện Chí Linh (Hải Dương) cho thấy, hầu hết các bậc cha mẹ chỉ kiểm soát việc học hành, bài vở và thời gian đi chơi của con. Rất ít phụ huynh quan tâm đến việc con vui chơi, giải trí ra sao. Điều tra của Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển cho thấy chỉ có 19% nguồn cung cấp thông tin là thầy cô giáo và nhà trường, 14% từ nhân viên y tế hay dân số, 15% từ mẹ, 3% từ cha.

Một điều đáng lưu ý là các thầy cô giáo, nhân viên y tế, cha mẹ cũng không đủ kiến thức, kỹ năng để trao đổi, hướng dẫn những vấn đề “tế nhị” này cho con em mình. BS Giang cho rằng cha mẹ không giám sát hoạt động vui chơi giải trí của con nên không thể kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của trẻ, không biết trẻ mong muốn điều gì. Kết quả nghiên cứu của trường ĐH Y tế công cộng cũng cho thấy những trẻ không được cha mẹ giám sát hoạt động vui chơi giải trí sẽ có nguy cơ quan hệ tình dục trước hôn nhân cao gấp 3 lần trẻ được cha mẹ giám sát.

Vương Trần

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...