Disney đối mặt với vụ kiện vi phạm công nghệ tạo hình khuôn mặt
Ba bộ phim bom tấn được nêu tên là Guardians of the Galaxy, Avengers: Age of Ultron và Beauty and the Beast. Cả ba đều bị điều tra về tính hợp pháp trong việc sử dụng công nghệ tạo hình khuôn mặt. Công nghệ này có tên gọi đầy đủ “Performance Motion Capture-MOVA”. Bên khởi kiện là công ty Rearden LLC chuyên về phần mềm tạo ảnh VFX và bên bị kiện là công ty Walt Disney.
Công ty nguyên đơn do doanh nhân xuất thân từ Silicon Valley Steve Perlman làm chủ. Ông yêu cầu tòa án ra phán quyết buộc Disney rút khỏi thị trường ba bộ phim trên. Vụ kiện diễn ra chỉ một năm sau khi Rearden thắng vụ kiện chống lại hai công ty TQ vì tội khai thác trái phép công nghệ MOVA do ăn cắp mà có.
Vào lúc đó, một số chuyên viên pháp lý sau khi xem phán quyết của tòa án đã lưu ý các studio Hollywood là nên thận trọng khi sử dụng công nghệ tạo hình khuôn mặt. Theo đơn kiện mới của Rearden gửi đến tòa án liên bang tại California, Disney đã không hề nghe lời khuyên này.
“Hệ quả là hãng đã dùng hệ thống và phương pháp MOVA Contour bị ăn cắp để sản xuất phim rồi phát hành sau đó mà đáng chú ý là ba bộ phim bom tấn Guardians of the Galaxy, Avengers: Age of Ultron và Beauty and the Beast, vi phạm trắng trợn tác quyền trí tuệ của Rearden Mova LLC” – đơn kiện nêu rõ.
Từng làm việc tại Apple và Microsoft, Perlman tự gây quĩ để biến ý tưởng của mình thành hiện thực vào thập niên 1990. Ông nắm trong tay hơn 500 bằng phát minh sáng chế và từ năm 2006 bắt đầu nghiên cứu cách sử dụng MOVA cho điện ảnh và videogame.
Công nghệ tạo hình khuôn mặt của ông được nhiều người quan tâm từ sau thành công của bộ phim The Curious Case of Benjamin Button (2008). MOVA tạo ra phiên bản máy tính của nhân vật do Brad Pitt đóng khi anh cứ nhỏ tuổi dần. Benjamin Button đoạt Oscar hạng mục VFX.
Nhiều bộ phim dùng công nghệ này ra đời sau đó. Năm 2015 công nghệ MOVA được Viện Khoa học và Kỹ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) thừa nhận bằng giải thưởng SciTech Award. Lúc đó Perlman vừa thắng cuộc tranh chấp với cựu đồng nghiệp Greg LaSalle làm việc tại Digital Domain 3.0 (FBI phải vào cuộc vì liên quan đến do thám kinh tế).
Hiện Digital Domain đang kháng lại quyết định này tại tòa phúc thẩm liên bang. Nay Rearden quay sang chống lại Disney về vi phạm tác quyền và bằng sáng chế, đòi bồi thường thiệt hại ngoài việc rút ba bộ phim trên ra khỏi thị trường. Bên đứng đơn có ba đại diện là Steve Berman, Mark Carlson và Rio Pierce thuộc công ty luật Hagens Berman. Cả Disney và Digital Domain đều không trả lời báo chí về vụ kiện.
Sony Pictures mất nguồn tài trợ làm phim quan trọng vì thua lỗ liên tiếp
Đây là thỏa thuận rất quan trọng để bảo đảm kinh phí cho hoạt động sản xuất phim, tuy nhiên, Sony Pictures khẳng định việc kết thúc hợp đồng không phải là thỏa thuận đơn phương của LStar Capital mà là quyết định của cả hai sau những cuộc thương lượng căng thẳng.
LStar ký hợp đồng cấp vốn 200 triệu USD cho Sony vào năm 2014 khi cựu phó chủ tịch Sony Amy Pascal còn điều hành hãng. LStar là cánh tay đầu tư vào lĩnh vực phim ảnh của công ty tài chính tư nhân Lone Star trụ sở tại Texas. Lẽ ra hợp đồng được kéo dài đến 2019 nhưng do Sony thua lỗ liên tiếp nên LStar không còn thiết tha và quan hệ giữa hai bên ngày càng căng thẳng.
Phim Ghostbusters (2016) |
Thật ra, từ năm LStar đã thoái vốn khỏi bộ phim hè Ghostbusters trước khi khai máy một tháng. Những người trong cuộc nói ông Tom Rothman, chủ tịch Sony Motion Picture Group không còn muốn làm ăn với LStar từ 2014 nên ông muốn kết thúc sớm hợp đồng.
Hiện Sony cũng chưa tìm đối tác mới nào khác. “Lone Star là đồng hành lớn đã nhiều năm nhưng vì lý do bất khả kháng chúng tôi đành kết thúc sự hợp tác. Quyết định này không ảnh hưởng đến các kế hoạch của hãng phim. Những bộ phim đã lên lịch vẫn sản xuất bình thường”.
Các hãng phim Hollywood ngoài Disney thường dùng chiến thuật đối tác tài chính để có thêm tiền sản xuất phim và chia sẻ rủi ro. LStar mất tiền trong đa số phim nó góp vốn (khoảng 30 phim), kể cả Passengers, The Brothers Grimsby và Aloha. Chỉ có loạt phim hoạt hình Hotel Transylvania và phim mới Spider-Man: Homecoming là chiến thắng. LStar có ý định góp vốn 25% cho các bộ phim như The Emoji Movie, Flatliners, The Star, Peter Rabbit và Hotel Transylvania tập tiếp theo, nhưng nay tất cả đã bị hủy bỏ.
Netflix bị kiện ăn cắp nội dung tác phẩm Burning Sands để chuyển thành phim
Tác giả xuất thân từ ngành giáo dục khẳng định bộ phim do Netflix tài trợ dựa trên cuốn sách có tên tương tự của ông hư cấu về chuyện nội bộ của một tổ chức huynh đệ da đen. Hai diễn viên chính trong Burning Sands là Trevor Jackson và Steve Harris. Bên kiện là Al Quarles Jr.
Bên bị kiện vi phạm tác quyền là dịch vụ kinh doanh phim ảnh Netflix cả công ty sản xuất Mandalay Entertainment Group. Quarles Jr (hiện điều hành một dịch vụ khẩn cấp trợ giúp người vô gia cư tại hạt trường Philadelphia) cho biết ông đã bỏ ra gần 20 năm viết cuốn sách hai tập có tựa Burning Sands chỉ để bị… Netflix ăn cắp nội dung và tung ra bộ phim gốc mới của nó! Nay ông muốn được tòa ra lệnh cấm các bị đơn khai thác cuốn sách trong mọi lĩnh vực và phải bồi thường thỏa đáng.
Burning Sands lấy cảm hứng từ những hoạt động mà Quarles Jr từng trải qua tại phân hội Lamda Tau của tổ chức huynh đệ da đen Kappa Alpha Psi vào cuối thập niên 1980 nhưng tránh nêu tên người thật, việc thật. Cuốn sách nói về 6 thanh niên trẻ nuôi ý định thành lập một trường đại học dành cho người da mầu tại vùng nông thôn.
“Sách và phim có những tình tiết giống nhau đến bất thường, kể cả tên nhân vật ” – luật sư Bryan Lentz, đại diện cho nguyên đơn viết trong đơn khởi kiện gửi lên tòa án Pennsylvania. Điều giống nhau bất thường khác là sách và phim đều có trích cùng một đoạn thơ của nhà thơ Edward Guest. Netflix và Mandalay chưa phản ứng với đơn kiện.
Trevor Jackson (trái) và Steve Harris trong phim Burning Sands |