Ở bậc học mầm non, tiểu học, khi bố mẹ là giáo viên trực tiếp các em học sinh sẽ có người dìu dắt trong những năm tháng thơ dại đầu đời. Bố mẹ sẽ kiêm luôn cả việc chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ của các em ở trường.
Nhưng khi lên bậc học THPT, cùng với sự thay đổi của tâm sinh lí lứa tuổi mọi việc liệu sẽ còn như cũ? Cùng lắng nghe tâm sự của các bạn học sinh tại trường THPT Kỳ Anh (Hà Tĩnh) về vấn đề này.
- Trải nghiệm thú vị:
Anh Trinh, học sinh 12A1 (trường THPT Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chia sẻ : “Em rất thích được học cùng với mẹ. Em rất thích được ngắm nhìn mẹ trên bục giảng mỗi ngày. Cảm giác đó rất lạ, vừa thân thương gần gũi vừa khá là thú vị. Có lẽ cũng chính từ ấn tượng đó mà em quyết định thi vào khoa Toán, ĐH Huế để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo như mẹ".
Nhiều bạn học sinh cũng cảm thấy sự an tâm vì luôn có nguồn động viên, khích lệ. Mỗi ngày đến trường sẽ luôn là một ngày vui và hạnh phúc.
- Áp lực vô hình
Tuy nhiên, việc có bố mẹ là giáo viên cũng tạo những áp lực vô hình cho học sinh, nhất là ở tuổi dậy thì. Áp lực đó đến từ nhiều phía như: Bạn bè nghi ngờ điểm số, cho rằng thành tích đạt được là do có sự nâng đỡ và tác động. Nhiều học sinh phải gồng mình lên cố gắng để chứng minh bản thân vì danh dự của bố mẹ, để khẳng định khả năng và phản bác lại những ý kiến trái chiều.
“Bạn cũng sẽ dễ trở thành đối tượng so sánh với các bạn cùng trường, cùng lớp. Vì khi đó chẳng ai có thể bao quát tình hình học tập của bạn hơn bố mẹ bạn. Mỗi năm có 2 kì họp phụ huynh đã rất căng thẳng, nhưng với bạn thì tình hình học tập sẽ được cập nhật thường xuyên đến từng ngày. Bạn yên tâm vì nhất cử nhất động của bạn sẽ luôn nằm trong tầm ngắm.” – Trần Thị Quỳnh Chi, cựu học sinh 12A4 trường THPT Kỳ Anh tâm sự.
Giờ học đôi khi cũng trôi qua trong căng thẳng nếu bố mẹ bạn trở thành giáo viên trực tiếp giảng dạy. Bạn tự thấy không phải cứ bố mẹ dạy bộ môn nào thì bạn sẽ giỏi bộ môn đó. Vì vậy thật không mấy dễ chịu khi nhìn ánh mắt phụ huynh chăm chăm đợi câu trả lời từ con mình.
Nhìn chung, dù ít hay nhiều khi hầu hết các bạn được phỏng vấn đều trả lời là “Có áp lực”. Vấn đề là áp lực đó đến từ những người xung quanh hay đến từ bản thân các bạn.
- Đồng hành cùng con
Không chỉ học sinh mà bản thân những "phụ huynh giáo viên" cũng cảm nhận được những áp lực của con mình. Cô Kiều Thị Mĩ Nhàn- giáo viên bộ môn Ngữ văn, phụ huynh em Quỳnh Chi thẳng thắn : "Là một giáo viên trong trường, hơn ai hết tôi cảm nhận được những áp lực mà các con phải trải qua. Chính vì vậy, tôi luôn tế nhị trong việc theo dõi kết quả rèn luyện và học tập của con. Bố mẹ chỉ là người động viên, khích lệ còn kết quả tùy thuộc vào sở thích và năng lực của con quyết định”.
Cô Thiều Thị Hoa, giáo viên giảng dạy môn Toán, có con học ở trong trường cho biết: “Khi bước vào bậc học THPT, cháu có nhiều sự lựa chọn trường. Nhưng là một người mẹ, tôi vẫn thích con học tại trường mình. Vì như vậy, tôi sẽ có điều kiện quan tâm, bảo ban cháu. Tôi cũng hiểu được áp lực mà cháu sẽ gặp phải khi học ở trường có bố mẹ giảng dạy ở đó.”
Nhiều giáo viên khác khi được hỏi cũng có câu trả lời tương tự. Nhiều giáo viên lựa chọn cách gửi gắm con mình các thầy cô khác hơn là mong muốn dạy trực tiếp. Nếu dạy trực tiếp thay vì tạo áp lực, các giáo viên thường sẽ tạo điều kiện, cung cấp tài liệu, định hướng cách học. Và xem con bình đẳng như mọi học sinh khác. Điều đó sẽ làm giảm đáng kể những áp lực cho các cháu và giúp các cháu thoải mái học tập và phát triển khả năng.
- Tự tin khẳng định
Học sinh bậc học THPT là những người đã và đang trưởng thành về mặt nhận thức, có nhiều thay đổi về mặt tâm sinh lí. Mặt khác, sự phát triển của xã hội cũng đưa lại cho các nhiều những tác động tích cực. Thay vì tự bó buộc mình vào những áp lực, họ chọn cách nỗ lực để tự khẳng định bản thân mình ở những sân chơi lớn.
Trong các kỳ thi Tốt nghiệp THPT, trường THPT Kỳ Anh cũng chứng kiến nhiều nỗ lực thành công của các bạn có bố mẹ là giáo viên như em Trần Thị Quỳnh Chi, học sinh đầu tiên học bậc THPT ở Thị xã Kỳ Anh đã xuất sắc giành IELTS 8.0. Trong kì thi THPT vừa qua, Quỳnh Chi đạt 27 điểm và được tuyển thẳng vào trường ĐH Ngoại thương...
Điều này cho thấy được ý chí, nỗ lực của chính các bạn. Và sự động viên, quan tâm, thấu hiểu của những “ thầy cô vô cùng đặc biệt”.
Là nghề giáo, thật hạnh phúc khi chứng kiến học trò đỗ đạt và trưởng thành. Càng hạnh phúc hơn khi các con của mình vượt qua được chính bản thân, cởi bỏ áp lực và vươn lên tự khẳng định.