Khéo léo 'chuyển tiếp' giúp trò bắt nhịp năm học mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đã có sự chuẩn bị để ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau lễ khai giảng năm học mới.

Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) trong tiết học đầu tiên năm học mới.
Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) trong tiết học đầu tiên năm học mới.

Các biện pháp “chuyển tiếp” giúp học sinh (HS) bắt nhịp nền nếp học tập một cách hào hứng, không quá căng thẳng được chú trọng thực hiện.

Nhanh chóng ổn định nền nếp dạy - học

Sau 30 phút khai giảng được tổ chức vui tươi, gọn nhẹ, 1.290 HS Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội) bắt đầu tiết học đầu tiên của năm học mới theo thời khóa biểu để bảo đảm đúng tiến độ chương trình học. Cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Bích Thu thông tin, nền nếp dạy - học ổn định ngay bởi công tác chuẩn bị đã hoàn thành trước khai giảng.

HS có 3 ngày đến trường để sẵn sàng tâm thế, thời gian này với HS lớp Một là 1 tuần. Ghi nhận chung, HS phấn khởi, cha mẹ yên tâm hơn bởi được khai giảng và học trực tiếp thay vì trực tuyến như năm học trước. Dù vậy, công tác phòng dịch và sẵn sàng chuyển đổi trạng thái nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp vẫn được nhà trường nghiêm túc thực hiện.

“HS tiểu học chưa phủ 100% vắc-xin nên công tác phòng dịch không thể lơ là. Nhà trường sẵn sàng điều kiện dạy học song song trực tiếp, trực tuyến, để HS nếu có vấn đề sức khỏe không thể đến trường vẫn có thể tham gia học tập, bảo đảm chương trình dưới sự hỗ trợ của giáo viên” - cô Hoàng Thị Bích Thu cho hay.

Ngay sau khai giảng năm học mới, thầy cô, HS mầm non, tiểu học, THCS tại 71 cơ sở giáo dục của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An bắt nhịp luôn vào hoạt động dạy - học. Theo đó, sáng 5/9, các nhà trường tổ chức 2 tiết học. HS bán trú sẽ ăn, nghỉ luôn tại trường và tiếp tục 4 tiết học vào buổi chiều. Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, cho biết: Nhìn chung, cả thầy và trò đều ổn định nền nếp dạy - học tốt ngay ngày đầu của năm học mới vì đã có thời gian làm quen, chuẩn bị chu đáo trước khai giảng.

Ông Phan Văn Thiết cũng chia sẻ, với đặc thù huyện miền núi còn nhiều khó khăn, Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn luôn chủ động lên kế hoạch tựu trường sớm để có thời gian tu bổ cơ sở vật chất, cảnh quan nhà trường; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cho HS bán trú, từ phòng ở đến nhà ăn…; ôn lại kiến thức cho HS sau thời gian nghỉ hè.

“Trong thời gian HS tựu trường, làm quen trước năm học mới, ngành Giáo dục Kỳ Sơn đã huy động được khoảng 80% HS ra lớp. Việc vận động HS tiếp tục được thầy cô thực hiện. Để có được con số này, ngoài nỗ lực của thầy cô, ngành Giáo dục, còn có sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương, đồn biên phòng và cơ quan ban ngành đóng trên địa bàn” - ông Phan Văn Thiết cho hay.

Trước đó, Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn đã có công văn hướng dẫn các nhà trường chuẩn bị tốt điều kiện để thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Do đó, những khó khăn đặc thù cơ bản có giải pháp khắc phục. Cụ thể, năm học 2022 - 2023, toàn bộ HS lớp 3 được chuyển về cơ sở chính để ăn ở bán trú và học tập. Các điểm trường chính đã chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học bảo đảm các yêu cầu triển khai chương trình mới. Với vấn đề đội ngũ, việc thiếu giáo viên Tiếng Anh được khắc phục với giải pháp phân công dạy liên trường và huyện sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đi lại cho thầy cô.

Quan tâm động viên thay vì trách phạt

Sau thời gian dài nghỉ hè, cần có giải pháp tạo sự chuyển tiếp, để HS bắt nhịp với nền nếp học tập một cách hào hứng, không quá căng thẳng. Chia sẻ giải pháp, cô Hoàng Thị Bích Thu cho biết, từ 22 - 31/8, nhà trường tổ chức tuần “Em là HS lớp 1”, giúp trẻ làm quen với môi trường học, thầy cô, bạn bè; đồng thời rèn HS một số thói quen phải tự phục vụ tại trường, cũng như kỹ năng cần thực hiện để tự chăm sóc bản thân…

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Thời gian làm quen với trường lớp của HS khối lớp khác ngắn hơn, nhưng các em vẫn được hướng dẫn đủ nội dung chuẩn bị cho năm học mới, sách vở, đồ dùng học tập, thói quen và kỹ năng hàng ngày để có thể bắt nhịp với nền nếp học tập ngay sau khai giảng. Trong thời gian này, nhà trường phối hợp với cha mẹ HS lập lại thói quen sinh hoạt, giờ giấc, đồng thời động viên trẻ bước vào năm học mới phấn khởi, vui tươi.

“Để HS có tâm thế thoải mái khi bước vào tiết học đầu tiên của năm học mới, nhà trường bố trí một thời gian nhất định giúp giáo viên chủ nhiệm tổ chức các hoạt động vui vẻ. Chúng tôi cũng xác định, trong tuần đầu tiên HS có thể có những khó khăn nhất định trong thực hiện quy định của nhà trường, lớp. Với những HS này, thay vì phê bình, trách phạt, thầy cô cần quan tâm động viên và chủ động phối hợp với cha mẹ hướng dẫn để các em có ý thức tốt hơn, quen dần với nền nếp học ở trường” - cô Hoàng Thị Bích Thu lưu ý.

Cũng đặc biệt lưu ý thầy cô cần “chuyển tiếp” hợp lý, giúp HS bắt nhịp với việc học, ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, cho biết: HS tiểu học đã tựu trường được 2 tuần; bậc học khác tựu trường được 1 tuần. Trong thời gian qua, các trường đã ổn định nền nếp, tổ chức lớp, ôn tập củng cố kiến thức. Do đó, các em có thể bắt nhịp tốt với việc học ngay sau lễ khai giảng. Trong giai đoạn này, thầy cô luôn nhẹ nhàng, động viên, khích lệ HS yêu thích đến trường.

Với An Giang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh khẳng định: Ổn định nền nếp là nội dung quan trọng luôn được ngành Giáo dục quan tâm và đưa lên hàng đầu vào thời gian chuẩn bị năm học mới và thời điểm đầu năm học. Trước ngày khai giảng, tất cả cơ sở giáo dục đều hoàn tất việc ôn tập, thi lại cho HS; phân công chuyên môn, phân công giáo viên chủ nhiệm; tổ chức bàn giao HS giữa lớp đầu cấp và các khối lớp; nắm tình hình HS chưa đến trường để phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương huy động, nhanh chóng ổn định nền nếp…

“Sau khai giảng, Sở GD&ĐT thành lập 3 đoàn công tác do các đồng chí phó giám đốc sở làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục” năm 2022, thanh tra sau khai giảng để nắm bắt tình hình, kịp thời nhắc nhở, đôn đốc thực hiện nền nếp chuyên môn, các khoản thu đầu năm… Trong thời gian tới, trường học trên địa bàn tỉnh cần tích cực đôn đốc HS đi vào nền nếp học tập ổn định; đặc biệt những HS đầu cấp chưa quen với môi trường học tập; duy trì bảo đảm sĩ số; chấp hành nghiêm chỉnh nội quy nhà trường…” - ông Trần Tuấn Khanh cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống TOS-1A hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Vệ sĩ đặc biệt của pháo nhiệt áp TOS

GD&TĐ - Theo RIA, những hệ thống pháo nhiệt áp TOS Solntsepyok của Nga sẽ miễn nhiễm với các cuộc tấn công của UAV do được bảo vệ bởi hệ thống EW đặc biệt.