Cùng với những tên tuổi vĩ đại của nền văn học Pháp như Arthur Rimbaud, Louis Aragon... Eluard đem đến một tiếng thơ mới, nội dung mới cho văn học. Theo GS Lê Huy Bắc, thơ P. Eluard dung dị và mang đậm hơi thở cuộc sống nhưng cũng thật kì diệu và huyền bí. Sự hòa trộn giữa những đặc tính này có nguyên nhân từ địa hạt thơ mà P. Eluardlựa chọn trong sáng tác. Đó là những vần thơ tiêu biểu cho trường phái thơ siêu thực.
Trường phái siêu thực là trường phái thơ ca xuất hiện vào đầu thế kỉ XX, khi thế giới bước ra từ đại chiến I với nhiều giá trị đảo lộn. Chủ nghĩa siêu thực trở thành một cuộc cách mạng phá vỡ những khuôn mẫu, chuẩn mực về tư tưởng. Trong đó, nguyên tắc mĩ học của chủ nghĩa siêu thực là đề cao cái ngẫu hứng, chú trọng những ghi chép thoáng qua, không qua sự kiểm soát của lý trí. Chủ nghĩa siêu thực còn đề cao vai trò của vô thức, vứt bỏ mọi sự phân tích lô-gic. Các nhà thơ siêu thực tin vào năng lực trực giác. Họ xem sáng tạo nghệ thuật là sự lên tiếng của những giấc mơ. Phương pháp sáng tác của chủ nghĩa siêu thực là đề cao sự tự do tuyệt đối. Họ gạt bỏ mọi quy tắc ngữ pháp, gạt bỏ mọi dấu chấm câu, gạt bỏ mọi nguyên tắc lô-gic của lý tính, đề cao sự liên tưởng cá nhân. Mọi ranh giới trong nguyên tắc sáng tác của chủ nghĩa này dường như bị xóa nhòa...
Xuất phát từ một cái nhìn của một nhà thơ siêu thực, mọi sự phân cách về cái cụ thể và cái trừu tượng, cái cao cả và thấp hèn, sự sống và cái chết, quá khứ và tương lai... đã không còn trong thơ P. Eluard.
Tự do là một trong những kiệt tác của thơ ca Pháp. Bài thơ Tự do được ông sáng tác vào năm 1942, đúng thời điểm phát xít Đức đang giày xéo nước Pháp. Lúc này văn chương là thứ vũ khí để cổ vũ động viên khích lệ nhân dân đấu tranh chống phát xít, đề cao lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Nếu Alphonse Daudet có Buổi học cuối cùng ca ngợi nước Pháp muôn năm, tiếng Pháp muôn năm khi nước Pháp bị quân Phổ chiếm đóng và chúng buộc người Pháp phải học tiếng Đức thì P. Eluard có Tự do.
Trong những ngày tháng bom đạn dập vùi ấy, bài thơ Tự do được in hàng vạn bản, được máy bay rải xuống khắp nơi trên đất Pháp để cổ vũ nhân dân chống quân thù. Thấm đẫm trong từng ý thơ, hình ảnh thơ là khát vọng tự do thường trực của nhà thơ. Dường như bất cứ nơi đâu trên đất Pháp, từng viên sỏi, chiếc lá, từng ngọn gió, hơi thở... đều mang khát vọng ấy. Tự do trở thành hình tượng và chất liệu nghệ thuật, “con mắt thơ” chạy dọc xuyên suốt bài thơ. Nó được nhà thơ giấu nhẹm một cách mơ hồ ở mỗi khổ và đến khổ cuối, từ khóa Tự do xuất hiện như sự bung nở của cảm xúc nhân vật trữ tình.
Bài thơ nguyên bản không có vần, không có các loại dấu chấm câu, trừ dấu chấm kết thúc ở cuối bài... Sự tự do tuyệt đối thể hiện ngay trong chính hình thức thơ. Bản dịch của GS Phùng Văn Tửu đã giữ lại được vẻ đẹp dung dị mà cũng đầy huyền bí của thơ P. Eluard. Trí tưởng tượng của người đọc được bay đi không giới hạn nhờ cách sắp đặt các câu thơ cạnh nhau đầy ngẫu hứng của nhà thơ. Thế nhưng, bài thơ vẫn mang một cái tứ rất đẹp. Tứ thơ trong Tự do vận động thu dần về điểm kết: Tự do được nhà thơ viết, được gọi tên. Lối kết cấu trùng điệp về từ ngữ và cú pháp tạo cho ý thơ những liên tưởng bất ngờ và thú vị. Bằng ngôn ngữ thơ ca vô cùng phóng khoáng, P. Eluard ngợi ca, bộc lộ tình yêu thiết tha và khát vọng cháy bỏng của mình đối với tự do.
1.
Trong con mắt nhà thơ, tự do được nhân cách hóa, tách ra thành một sinh thể biệt lập, một sự sống có thể hiện diện ở khắp nơi:
Trên những trang vở học sinh
Trên bàn học trên cây xanh
Trên đất cát và trên tuyết
Trên những trang sách đã đọc
Tôi viết tên em
Tự do hiện diện qua sự những trang giấy trắng nguyên lành của học trò, qua những trang sách đã đọc... Có thật nhiều bình yên khi người ta tĩnh lặng giở từng trang giấy đó. Và cả những gì chưa gợi mở từ những trang trắng vẫn chưa được dùng đến... Cái khủng khiếp nhất mà bom đạn có thể dập vùi là đầu độc những tâm hồn trẻ thơ. Sự vận động của hình ảnh thơ đi từ bình yên đến đổ nát. Từ bàn học, cây xanh, đất cát và trên tuyết đến sự hoang tàn mà chiến tranh đã dội xuống trường học, những mái đầu con trẻ:
Trên những trang trắng chưa dùng
Đá máu giấy hoặc tro tàn
Lối liệt kê các hình ảnh đặt cạnh nhau trong câu thơ gợi ra thật nhiều liên tưởng đến người đọc. Có đổ nát bởi những bức tường, ngôi nhà. Có đổ máu bởi chết chóc đau thương. Có những trang giấy đã vùi trong đất cát... Và còn lại có cả khói bom, có lửa đạn có thể vùi mọi thứ trong tàn tro. Chỉ với một câu thơ nhưng bao đau thương hiện hữu đến thắt lòng. Tự do đem đến sự bình yên nhưng chiến tranh thì sẽ tước đoạt đi của con người đặc quyền đó. Thế giới của màu xanh nhường chỗ cho màu đỏ của máu, màu khói bụi của tro tàn đổ nát. Đã có sự đối chứng của hai khoảnh khắc: Bình yên và chiến tranh.
Bằng một chất liệu đặc biệt, P. Eluard có thể thỏa sức viết về Tự do ở khắp nơi. Trên những những hình ảnh thiêng liêng thể hiện quyền uy vàng son lộng lẫy như “vàng son”, “gươm đao người lính chiến”, “mũ áo các vua quan”:
Trên hình ảnh rực vàng son
Trên gươm đao người lính chiến
Trên mũ áo các vua quan
Tôi viết tên em
Với trí tưởng tượng bay bổng, tự do giúp nhà thơ phiêu lưu đến những chân trời không gian và thời gian khác nhau. Từ thiên nhiên hoang sơ như sa mạc, rừng hoang, tổ chim... đến những không gian bao la, khoáng đạt của hừng đông, đại dương, vùng núi non...
Trên sa mạc trên rừng hoang
Trên tổ chim trên hoa trái
Trên thời thơ ấu âm vang
Tôi viết tên em
Có thể thấy, tự do luôn hiện diện và có mặt khắp nơi. Nó cần cho chúng ta ở mọi không gian và mọi thời khắc trong ngày. Từ sự huyền diệu và màu nhiệm của đêm, từ ánh sáng của ban ngày, sự luân chuyển của bốn mùa... Mọi khoảnh khắc đều mang tên tự do. Khát vọng tự do trở thành khát vọng thường trực và muôn đời của nhân loại:
Trên điều huyền diệu đêm đêm
Trên khoanh bánh trắng hằng ngày
Trên các mùa cùng gắn bó
Tôi viết tên em
Trên những mảnh trời trong xanh
Trên ao mặt trời ẩm mốc
Trên hồ vầng trăng lung linh
Tôi viết tên em
Trên mỗi khoảnh khắc hừng đông
Trên đại dương trên tàu thuyền
Trên vùng núi non điên dại
Tôi viết tên em
Bản dịch thơ của GS Phùng Văn Tửu đã chuyển tải rõ nét được sự kết hợp đầy ngẫu hứng giữa những cái vô hình trừu tượng với cái vô hình trừu tượng hơn. Với cách kết hợp này, sự vật được đẩy đến sự khó hình dung và nắm bắt. Chẳng hạn như sự kết hợp ở các tổ hợp từ ấn tượng “thời thơ ấu âm vang”, “vùng núi non điên dại”, “nhễ nhại cơn bão dông”, “cơn mưa rào nhạt thếch”...
Trên áng mây trôi bềnh bồng
Trên nhễ nhại cơn bão dông
Trên hạt mưa rào nhạt thếch
Tôi viết tên em
Tự do có ở những đối cực, giữa ngày và đêm, giữa hiện tượng thiên nhiên yên ả và bất thường, ở những khoảnh khắc mà sự sống vừa đi được trọn vẹn một hành trình như cây đèn vừa thắp sáng đang lụi dần và tắt.
Trên cây đèn vừa thắp sáng
Trên cây đèn đang lụi dần
Trên cả họ hàng quây quần
Tôi viết tên em
Trên nơi trú ẩn tan hoang
Trên ngọn hải đăng đổ nát
Trên mấy bức tường ngao ngán
Tôi viết tên em
Tự do nằm ở những hi vọng mong manh về sự hồi sinh khi con người vừa trải qua lằn ranh sinh tử, sự sống và cái chết trong chớp mắt. Như vậy, tự do chính là niềm vui, là hi vọng, là nơi con người được tái sinh một lần nữa, như sức khỏe được hồi phục sau cơn bạo bệnh, như hiểm nguy đã đi qua và chỉ còn trước mắt là những ngày được sống:
Trên sức khoẻ được phục hồi
Trên hiểm nguy đã tan biến
Trên hi vọng chẳng vấn vương
Tôi viết tên em
2.
Kết thúc bài thơ là một ước vọng được tái sinh lại cuộc đời, luân hồi lại một sự sống. Nghĩa là nhà thơ được tắm mình trong bầu không khí tự do. Như vậy, phát hiện sâu sắc nhất của nhà thơ ở đây chính là Tự do là sự sống, là khát vọng mà muôn đời con người theo đuổi, hướng đến. “Không có tự do, sự sống sẽ không còn ý nghĩa. Lúc đó, sống cũng như đã chết. Sống không đáng sống... Tự do chính là lẽ sống, là ý nghĩa tồn tại cho cuộc đời”. Khát vọng đó lại được diễn tả một cách khẩn thiết và đau đáu hơn khi lúc này nước Pháp lại đang bị phát xít Đức chiếm đóng.
Không gì buồn đau hơn khi tổ quốc thân yêu, những người thân yêu, không gian, thời gian... bị cầm tù trói buộc bởi tiếng súng đạn, mùi khói bom. Nước mắt thay cho nụ cười. Trước mắt chỉ là những nơi trú ẩn tan hoang, những ngọn hải đăng đổ nát, những bức tường thành tro bụi ngao ngán... Bài thơ thể hiện lòng yêu nước thiết tha của nhà thơ khi Tổ quốc ông đang lâm nguy. Lòng yêu nước ấy được thể hiện trực tiếp bằng khát vọng tự do bùng cháy mãnh liệt. Khát vọng ấy trở thành sức mạnh tinh thần để người Pháp bấy giờ chống lại kẻ xâm lược. Bài thơ được in hàng vạn bản, được máy bay rải xuống để động viên nhân dân chống quân thù. Nó được tiếp nhận một cách tự nguyện vì đáp ứng được khát vọng bứt phá khỏi xiềng xích và là sự đồng vọng của hàng triệu con tim đang rên xiết vì bị mất nước.
Và bằng phép màu một tiếng
Tôi bắt đầu lại cuộc đời
Tôi sinh ra để biết em
Để gọi tên em
TỰ DO
Tác phẩm đặc sắc bởi lối liệt kê sự việc và phô diễn hình ảnh đã tạo nên tính liên tục cho ngôn ngữ thơ. Những liên tưởng về tự do vì thế không hề bị gián đoạn. Như vậy, ngợi ca tự do cũng đồng nghĩa với việc Eluard ngợi ca sự không giới hạn trong tư duy và cảm xúc con người. Bởi lẽ tự do là khát vọng vĩnh cửu của con người mọi thời đại. Nhưng với bài thơ này, Eluard còn thể hiện khát vọng tự do cho dân tộc, đất nước. “Khi đất nước có được tự do, khi dân tộc không bị một thế lực ngoại bang nào thống trị thì con người trong dân tộc đó, đất nước đó mới có được sự tự do thật sự. Đây là tự do chân chính mang phẩm chất nhân văn chứ không phải là thứ tự do chém giết của các thế lực thống trị độc tài và tàn bạo”. (PGS. Lê Nguyên Cẩn).
Với hành trình tư tưởng và tâm hồn đi từ “thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”, “từ chân trời của một người đến chân trời của mọi người” (P.Eluard), khát vọng của Eluard đã đồng vọng của khát vọng chung của tất cả mọi người. Tự do trở thành bài thánh ca, là lẽ sống thức tỉnh và lôi cuốn con người có những hành động theo cách riêng của mình. Bởi lẽ, mỗi ai trong chúng ta đều cần đến tự do như cần ánh sáng và khí trời vậy.