Khát vọng phát triển nông nghiệp hữu cơ của chàng trai người dân tộc Tày

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với khát vọng phát triển nông nghiệp hữu cơ, chàng trai người dân tộc Tày đã và đang từng bước nâng cao sinh kế cho người dân tại quê hương mình.

Làm nông sản sạch tại quê hương

Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) mong muốn góp sức mình xây dựng quê hương giàu đẹp đã thôi thúc anh Lường Đình Hùng (SN: 1989), trú tại xã Như Cố, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn trở về công tác tại địa phương. Cuối năm 2016, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã Như Cố.

Với cương vị là Bí thư Đoàn Thanh niên xã, anh Lường Đình Hùng luôn trăn trở làm sao để các mặt hàng nông sản của địa phương được nâng cao chất lượng và đến với người tiêu dùng nhiều hơn. Suy nghĩ đó đã thôi thúc chàng trai người dân tộc Tày cùng các thanh niên trong thôn mạnh dạn sáng lập “Hợp tác xã nông nghiệp thanh niên Như Cố”. Và bắt đầu từ đó, anh Hùng dấn thân vào con đường làm nông sản sạch trên mảnh đất quê hương.

Anh Hùng cho biết, năm 2017 hợp tác xã được thành lập với 11 thành viên, chuyển đổi 6.000 m2 đất ruộng sang trồng rau tại thôn Nà Chào, xã Như Cố, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Các sản phẩm chính của hợp tác xã là sản xuất rau an toàn, chế biến chè, trà mướp đắng rừng, chăn nuôi gà thịt. Đối với sản xuất rau an toàn, hợp tác xã đã đưa vào trồng các loại cây như dưa lê trái vụ, dưa lưới, thanh long ruột đỏ, rau bò khai… Ngoài ra, hợp tác xã còn nuôi 6.000 con gà/lứa, hơn 200 đôi chim bồ câu Pháp; nuôi ong lấy mật với sản lượng 3.000 lít/năm; 01 cơ sở sản xuất bún khô, sản lượng 25 tấn/năm.

Mô hình mướp đắng rừng được trồng tại địa phương.

Mô hình mướp đắng rừng được trồng tại địa phương.

Bên cạnh đó, hợp tác xã tiếp tục cùng các hộ dân triển khai trồng khoảng 2,5 ha thanh long ruột đỏ, xây dựng thêm nhà lưới CNC quy mô 100 m². Trong năm 2018 các sản phẩm Trà Như Cố và Trà mướp đắng rừng của hợp tác xã đã được công nhận sản phẩm của OCOP 3 sao của tỉnh Bắc Kạn.

Để phòng ngừa sâu bệnh hại, hợp tác xã sử dụng rượu, gừng, tỏi, ớt để pha chế thuốc trừ sâu thảo dược cho rau, củ, quả. Loại thuốc trừ sâu tự chế này vừa diệt sâu hại hiệu quả mà lại tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng. Với dưa lê, cứ 3 - 5 ngày, phải phun đuổi côn trùng 1 lần.

Áp dụng mô hình công nghệ cao

Xác định phát triển nông sản theo hướng hữu cơ, nói “không” với hóa chất để các sản phẩm an toàn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, các quy trình sản xuất được hợp tác xã thực hiện rất nghiêm túc. Các sản phẩm của hợp tác xã đều được sản xuất tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. hợp tác xã Như Cố là doanh nghiệp đầu tiên ở vùng Chợ Mới áp dụng mô hình nhà lưới công nghệ cao để trồng trọt.

Để xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm đến được với đông đảo người tiêu dùng, anh Hùng và các thành viên trong hợp tác xã nghiên cứu, thiết kế logo, nhãn mác cho sản phẩm; đồng thời xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm: rau, củ, quả, chè sạch Như Cố, trà mướp đắng rừng, bún khô, mật ong hoa rừng, rượu men lá Khuổi Chủ. Đến nay, tất cả các sản phẩm này khi bán ra thị trường đều được gắn mã truy xuất nguồn gốc hàng hóa rõ ràng.

Ngoài ra, anh Hùng cũng tích cực quảng bá sản phẩm thông các sàn thương mại điện tử, website, qua đó giúp các sản phẩm của hợp tác xã được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn nữa.

Anh Lường Đình Hùng (đứng giữa) đang giới thiệu sản phẩm tới các đại biểu tại triển lãm con đường thanh niên.

Anh Lường Đình Hùng (đứng giữa) đang giới thiệu sản phẩm tới các đại biểu tại triển lãm con đường thanh niên.

Nhờ những thành tích đã đạt được năm 2020, hợp tác xã vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn vì “đã có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Bắc Kạn giai đoạn (2018-2020)” và bằng khen của Liên minh hợp tác xã Việt Nam vì “đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2018-2020”.

Đồng thời, với những đóng góp cho hoạt động đoàn và phong trào phát triển kinh tế của địa phương, anh Lường Đình Hùng đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Đoàn cấp trên và cấp ủy chính quyền địa phương. Được vinh danh tại Chương trình "Khát vọng khởi nghiệp, bừng sáng bản làng" và được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp vùng dân tộc thiểu số năm 2018.

Chị Nguyễn Hồng Ngọc, Bí thư huyện Đoàn huyện Chợ Mới khẳng định: Phát huy tinh thần khởi nghiệp dám nghĩ, dám làm anh Lương Đình Hùng đã cùng các thành viên hợp tác xã nông nghiệp thanh niên Như Cố đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn huyện Chợ Mới.

Mô hình khởi nghiệp của hợp tác xã đã thể hiện ý chí vượt khó vươn lên làm giàu tại quê nhà, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến đông đảo thanh niên, góp phần khẳng định vai trò của thanh niên nông thôn trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ