Khát vọng giải phóng tình cảm bản năng của nữ giới trong Truyền kỳ mạn lục

GD&TĐ - Được sáng tác vào khoảng thế kỷ XVI với 20 thiên truyện viết theo thể truyền kỳ, từ lâu, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ đã được đánh giá là “áng thiên cổ kỳ bút”...

Dù đã được các học giả, bạn đọc dành nhiều sự quan tâm, khám phá nhiều vấn đề hấp dẫn, song Truyền kỳ mạn lục dường như vẫn còn ẩn tàng nhiều vỉa tầng giá trị. Trong đó, khát vọng giải phóng tình cảm bản năng của nữ giới là một trong những vấn đề nổi bật chi phối nhiều yếu tố nghệ thuật, mở ra quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả, cũng như góp phần tạo nên giá trị nghệ thuật cho tác phẩm…

1.

Khát vọng giải phóng tình cảm bản năng ở đây được hiểu là mong muốn, nhu cầu được thực hiện những năng lực ban đầu, vốn có của con người, trong đó nổi bật là vấn đề tình dục.

Từ điển bách khoa y học phổ thông (Nguyễn Ngọc Lanh chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật ấn hành năm 2004) định nghĩa: “Tình dục (sexual appetite) là thuật ngữ chung để chỉ năng lực, kiểu hành vi, xung lực, cảm xúc và các cảm giác gắn liền với việc sinh nở và gắn liền với cơ quan sinh dục”. Hoạt động tính giao này được mặc nhận như một nhu cầu phổ biến, thiết yếu của con người, bất kể sang - hèn, quý - tiện. Thời viễn cổ, sinh hoạt tình dục trong hôn nhân của con người còn theo kiểu bầy đàn, bất luận cùng huyết thống hay khác huyết thống, gọi là quần hôn, tạp hôn. Chỉ khi xã hội bắt đầu thực hiện luật ngoại hôn (hôn nhân ngoài huyết thống), hoạt động này mới đi vào khuôn khổ.

Vốn là nhu cầu sinh lí tự nhiên của con người, nhưng khi hoạt động này bị gắn vào những quan niệm, quy định, chế ước thì tình dục đã dần trở thành sản phẩm kiến tạo của xã hội, nhất là trong xã hội phong kiến. Vấn đề ở đây là, trong xã hội nam quyền, những quy định, chuẩn mực về hoạt động sinh lý này trong tình yêu, hôn nhân lại được kiến tạo theo chiều hướng có lợi cho nam giới.

Trái với nam giới, xã hội phong kiến chỉ áp đặt vấn đề trinh tiết, thủy chung, một chồng,… lên thân phận người phụ nữ. Và chính những áp đặt ấy đã đẩy đời sống tình cảm bản năng của người phụ nữ vào góc khuất, trở thành ẩn ức, khát vọng âm ỉ trong đời sống tinh thần của họ. Thực tế này đã được Nguyễn Dữ phản ánh trong nhiều thiên truyện của tập Truyền kỳ mạn lục, tiêu biểu là ở hình tượng những nhân vật nữ phản diện. Họ không chỉ tự do yêu đương, thản nhiên luận đàm quan hệ nam nữ mà còn sẵn sàng đấu tranh mạnh mẽ, thậm chí dùng cả tính mạnh của mình để đạt được cái khao khát trần thế đầy nhục thể này. 

Bìa sách “Truyền kỳ mạn lục” trong các lần xuất bản. Ảnh minh hoạ: Nguồn IT
Bìa sách “Truyền kỳ mạn lục” trong các lần xuất bản. Ảnh minh hoạ: Nguồn IT

2.

Là một cô gái mất khi hãy còn rất trẻ, Nhị Khanh trong Chuyện cây gạo khi đã thành ma vẫn chưa thể đoạn tuyệt với khát vọng hưởng thụ hạnh phúc ái ân. Biết Trình Trung Ngộ yêu thích mình, lại thường đỗ thuyền tại bến Liễu Khê, Nhị Khanh dặn dò người hầu gái cốt để Trung Ngộ nghe được mà tới bến đợi nàng. Khi tiếp cận được Trung Ngộ, Nhị Khanh đã thẳng thắn tỏ rõ ngay mong muốn bấy lâu của mình:

“Thân tàn một mảnh, cách với chết cũng chẳng bao xa. Ngày tháng quạnh hiu, không người săn sóc. Nay dám mong quân tử quạt hơi dương vào hang tối, thả khí nóng tới mầm khô, khiến cho tía rụng hồng rơi, được trộm bén xuân quang đôi chút, đời sống của thiếp như thế sẽ không phải phàn nàn gì nữa” (Truyền kỳ mạn lục, tr.37). Nàng đã không ngần ngại nói lên quan điểm đầy tính hiện sinh: “Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm thấy những thú vui. Kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa” (Truyền kỳ mạn lục, tr.37).

Tưởng rằng khi bị phát hiện ra chân tướng, Nhị Khanh sẽ buông bỏ Trình Trung Ngộ, thế nhưng nàng vẫn thường qua lại, réo rắt gọi chàng. Khi bạn bè tìm kiếm, họ đã thấy Trình Trung Ngộ nằm ôm lấy quan tài của Nhị Khanh mà chết. Ham muốn của Nhị Khanh là ham muốn xác thịt, dù chết rồi nhưng bản năng tình ái vẫn trỗi dậy trong linh hồn. Chính vì vậy, nàng đã dùng lời lẽ và nhan sắc quyến rũ Trung Ngộ, lại chủ động hàng đêm đến thuyền để ái ân, chuyện bại lộ vẫn kéo người tình chết theo mình để “thỏa nguyền đồng huyệt”.

Do nàng chết trẻ, dục vọng trần thế chưa thỏa hay bởi vì đã chết nên không còn sợ sự ràng buộc của lễ giáo đương thời, mới tự ý hành động như vậy. Và kết cục của nàng trong tác phẩm thật thê thảm, không chỉ bị người đời đào mả, phá quan, vứt cốt xuống sông mà còn bị đạo sĩ yểm bùa, trói gông, giải về âm phủ để chịu hình phạt.

Hai nàng tinh hoa Đào và Liễu trong Chuyện kỳ ngộ ở trại tây cũng tương tự như thế, không chịu sống cuộc đời bình lặng của những loài thảo mộc lại có mong muốn được hưởng hạnh phúc ái ân như con người. Hai nàng đã chủ động buông những lời ngon ngọt để quyến rũ Nho sinh Hà Nhân, rồi đưa sinh vào cuộc tình tay ba hết sức cuồng nhiệt. Quan hệ xác thịt là điều tế nhị trong chuyện chăn gối, ấy vậy mà Đào và Liễu sau khi ái ân thỏa mãn lại còn làm thơ để miêu tả quan hệ chốn phòng the này: “Mồ hôi dâm dấp áo là/ Mày xanh đôi nét tà tà như nhau/ Gió xuân xin nhẹ nhàng nhau/ Thân non mềm chịu được đâu phũ phàng”, hay như:

“Cung sâu thưa điểm giọt rồng/ Ngọn đèn soi tỏ trướng hồng lung linh/ Tài lang mặc sức vin cành/ Đào non nhận lấy những nhành thắm tươi” (Truyền kỳ mạn lục, tr.61). Bên cạnh những lời thơ đầy táo bạo ấy, hai nàng yêu hoa còn hiện lên một cách tinh quái bằng những cử chỉ đa tình, quyến rũ. Có thể nói, cuộc sống của hai nàng Đào, Liễu chính là biểu tượng của những người phụ nữ xinh đẹp nhưng lại lo lắng tuổi xuân ngắn ngủi, nhan sắc chóng tàn. Dù có sống trong hoàn cảnh nào thì khát vọng được giải phóng bản năng, được là chính mình vẫn luôn hiện hữu trong suy nghĩ của họ.

Chuyện yêu quái ở Xương Giang kể về một cô gái tên là Thị Nghi, có sắc đẹp nhưng lại chịu bất hạnh trong cuộc đời. Khi sống, vì cảnh nghèo khó, nàng bị mẹ đem bán cho phú thương. Sau, vì tư thông với họ Phạm mà bị vợ hắn đánh cho đến chết. Vì bơ vơ nên linh hồn nàng đã quyến rũ viên quan họ Hoàng, mong dự vào cuộc sống dương thế. Mặc dù không được Nguyễn Dữ gợi tả nhiều về tính cách cũng như ham muốn xác thịt, thế nhưng ta vẫn có thể nhận ra Thị Nghi là cô gái mang trong mình khát vọng ấy qua lời văn miêu tả cuộc sống gia đình:

“Đã thành vợ chồng, tình ái rất là thắm thiết. Nàng lại cử động rất hợp lễ, nói năng biết lựa lời, họ hàng bè bạn ai cũng đều khen ngợi” (Truyền kỳ mạn lục, tr.156). Tuy nhiên, do âm dương cách biệt, lại là yêu ma nên thay vì mang chút linh hồn để trả ơn họ Hoàng, nàng lại trở thành kẻ làm ơn mắc oán, khiến chồng mình điên cuồng,  hoảng loạn. Nàng bị đạo sĩ diệt trừ, lại chịu cái tội vu oan dưới tuyền đài, cuộc đời đã không cho nàng hưởng hạnh phúc, dù chỉ là chút hạnh phúc muộn màng.

Đào Hàn Than trong Chuyện nghiệp oan của Đào Thị, khi sống là một cung nhân văn hay chữ tốt, được vua yêu chiều. Bi kịch của nàng chỉ xảy ra sau khi vua mất, thường hay đến nhà quan Hành khiển Ngụy Nhược Chân. Vợ Nhược Chân không có con, bản tính hay ghen nên nghi ngờ nàng có tình ý với chồng của mình, bèn sai người đánh nàng một trận tàn nhẫn. Vì muốn trả thù mà Hàn Than thuê thích khách vào nhà Nhược Chân, chuyện bại lộ nên nàng phải xuống tóc đi tu. Và rồi, khi gặp sư Vô Kỷ, khát khao ân ái của Hàn Than mới được thể hiện rõ: “Hai người đã yêu nhau, mê đắm say sưa, chẳng khác nào con bướm gặp xuân, trận mưa cửu hạn, chẳng còn để ý gì đến kinh kệ nữa” (Truyền kỳ mạn lục, tr.97).

Dù biết phạm vào “ngũ giới” của nhà Phật nhưng có lẽ chỉ khi được ở bên sư Vô Kỷ, Hàn Than mới thực sự được yêu; mới là những ngày hạnh phúc, xuân sắc không phí hoài và tài thơ văn của nàng lại càng thêm lai láng: “Hàng ngày, hai người cùng nhau làm thơ liên cú, phàm những cảnh vật trong núi, cái gì có thể ngâm vịnh được đều chấp bút đề vịnh để ghi danh thắng” (Truyền kỳ mạn lục, tr.98). Tưởng như hạnh phúc đã đến với Hàn Than, thế nhưng vì có thai, nàng ốm lay lắt trên giường cữ rồi chết. Có lẽ, không được sự chấp nhận của xã hội, tình cảm đắm đuối của họ lại diễn ra tại chốn chùa thiêng nên mối tình của hai người buộc phải dừng lại. Cái chết của Hàn Than là cái chết của một kiếp tài hoa, dù bạc phận nhưng không cam chịu số phận mà luôn vùng dậy giành lấy sự sống và hạnh phúc cho mình.

Ở Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên, khát khao hạnh phúc trong tình yêu – hôn nhân tự do lại được tác giả thể hiện ở cả nhân vật nữ chính diện như nàng tiên Giáng Hương. Sống trên cõi tiên, nơi có bồng lai tiên cảnh là niềm ao ước của bao người trần thế, thế nhưng Giáng Hương lại muốn xuống trần gian tham dự hoạt động của con người. Nàng gặp gỡ Từ Thức và bén duyên chàng. Trở về cõi tiên, nàng không khỏi buồn phiền, chỉ đến khi găp lại Từ Thức, nàng mới thực sự được sống:

“Nương tử hôm nay màu da hồng hào chứ không khô gầy như trước nữa” (Truyền kỳ mạn lục, tr.130). Là một tiên nữ, nhưng Giáng Hương lại sống vượt ra ngoài quy tắc cõi tiên, mang trong mình khao khát hạnh phúc trần thế. Tuy nhiên thứ hạnh phúc mà Giáng Hương phải bất chấp quy tắc mới tìm thấy lại không được trọn vẹn, bởi cảnh tiên và sắc đẹp của nàng không níu giữ được khao khát trở về nhân gian của chàng Từ Thức. Và thật xót xa cho thân phận một nàng tiên vĩnh viễn chịu cảnh cô độc giữa tiên giới. 

Bìa sách “Truyền kỳ mạn lục” trong các lần xuất bản. Ảnh minh hoạ: Nguồn IT
Bìa sách “Truyền kỳ mạn lục” trong các lần xuất bản. Ảnh minh hoạ: Nguồn IT

3.

Có thể nói, điểm chung của những người phụ nữ trong các thiên truyện nêu trên là họ đều có nhan sắc, tài năng, với điểm nhấn là khát vọng giải phóng tình cảm bản năng, hưởng hạnh phúc ân ái nam nữ. Họ đến với tình yêu, hôn nhân không bị bó buộc trong phạm vi gia đình hay tuân theo những luật lệ định sẵn của xã hội mà hành động một cách tự do theo sự lựa chọn cá nhân, riêng tư.

Những cuộc tình mà những người con gái này tạo nên là những cuộc tình mang tính chất nổi loạn, lệch chuẩn so với truyền thống tiếp nhận của xã hội, trái với những giáo điều răn dạy của Nho gia nhưng đã thực sự mang đến cho họ phút giây hạnh phúc nhất, dù chỉ là ngắn ngủi.

Thể hiện đời sống bản năng, khát khao hạnh phúc ái ân của người phụ nữ, người trần thuật tuy không tỏ rõ thái độ phê phán gay gắt trong miêu tả hành động, tâm lý nhân vật cũng như trong lời kể nhưng lại tỏ rõ thái độ không đồng tình ở kết thúc truyện và lời bình cuối truyện.

Trái với những nhân vật nữ chính diện có đầy đủ “công, dung, ngôn, hạnh” như Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương hay Nhị Khanh trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu… dù có lâm vào bi kịch đến phải chết nhưng thường được an ủi bởi lòng cảm thương của người đời, sự tỉnh ngộ của người chồng, hay được sống hạnh phúc ở thế giới bên kia thì những người phụ nữ với khát vọng hạnh phúc cá nhân này lại có kết cục hết sức bi đát. Không chỉ phải sống cô đơn, bị đánh đập, nguyền rủa mà còn phải chết thảm; không phải chết một lần mà còn phải chết nhiều lần và còn mang theo tiếng xấu ở đời, chịu cực hình dưới âm phủ… Họ luôn bị xem là tấm gương xấu để người đời nhìn vào mà xa lánh.

Như vậy, dù có táo bạo khi đưa chuyện ân ái vào trang văn nhưng cái nhìn của Nguyễn Dữ đối với hạnh phúc cá nhân, riêng tư vẫn chưa vượt thoát ra khỏi quan niệm truyền thống của Nho giáo phong kiến. Vì thế, với nữ giới, được hưởng thụ nhu cầu ân ái một cách tự do, bình đẳng vẫn chỉ là khát vọng, là ước mơ, chưa thể hiện thực hóa. Điều đó được tác giả ngầm thể hiện khi phản ánh vấn đề này chỉ giới hạn trong phạm vi đời sống của nhân vật phản diện, nhân vật siêu nhiên.

Nói đến hạnh phúc bản năng, trần thế của con người, Nguyễn Dữ không nhằm mục đích ca ngợi, khuyến khích, đòi bình đẳng, thể hiện tư tưởng nhân văn mà muốn phơi bày thực trạng xuống cấp của xã hội nhằm cảnh tỉnh xã hội, răn dạy đạo đức, giữ gìn trật tự phong kiến.

Điều này thống nhất với tư tưởng của một nhà Nho trong buổi đầu suy tàn của chế độ phong kiến như ông. Và đó cũng là cái nhìn hạn chế chung của xã hội đương thời, khi Nho giáo ít nhiều vẫn còn phát huy tác dụng và chưa có một hệ tư tưởng mới, tiến bộ hơn thay thế. Dù vậy, sự xuất hiện với số lượng lớn nhân vật nữ chính, sự tồn tại vấn đề bất bình đẳng trong quan hệ nam nữ, nhất là nhu cầu giải phóng tình cảm bản năng, vốn có của nữ giới trong tác phẩm sẽ là những gợi mở, tiền đề quan trọng cho tiếng nói đòi nữ quyền, bình đẳng giới của trào lưu chủ nghĩa nhân văn trong văn học giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX, cũng như trong sáng tác của các tác giả văn học hiện đại, hậu hiện đại sau này.

________________________________________________________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Dữ (2011), Truyền kỳ mạn lục (Ngô Văn Triện dịch), NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh & NXB Hồng Bàng, Gia Lai.

2. Châu Minh Hùng (2019), Giải huyền thoại, lý thuyết và ứng dụng (Báo cáo tổng kết Đề tài khoa học và công nghệ cấp Trường), Trường Đại học Quy Nhơn, Bình Định.

3. Trần Đình Hượu (1999), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, NXB Giáo dục, Hà Nội.

4. Nguyễn Phong Nam (2015), Truyện truyền kỳ Việt Nam, đặc điểm hình thái – văn hóa & lịch sử, NXB Văn học, Hà Nội.

5. Trần Nho Thìn (2009), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

6. Đỗ Lai Thúy (Biên soạn và giới thiệu, 2004), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ